Thị trường

"Bế tắc" về công nghệ khiến doanh nghiệp Việt không đủ sức cạnh tranh

Báo cáo thường niên Doanh nghiệp Việt Nam 2013 do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố ngày 8/4 chỉ ra rằng thực chất các vấn đề doanh nghiệp (DN) gặp phải chính là sự "bế tắc" về công nghệ. Các DN không thể cải thiện được công nghệ để đáp ứng nhu cầu thị trường, giảm giá thành sản phẩm để cạnh tranh với hàng nhập khẩu.

Ảnh minh họa.

Tiến trình tái cơ cấu nền kinh tế phụ thuộc vào chiến lược kinh doanh của DN. Vấn đề đặt ra là làm thế nào để tạo động lực thúc đẩy sự chuyển dịch trong chiến lược kinh doanh đó, để đồng hướng, đồng tốc với sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế.

Việc Chính phủ hoạch định ra các chiến lược phát triển các ngành kinh tế nếu chỉ là những ngành Chính phủ muốn mà DN không quan tâm thì sẽ không thu hút được đầu tư, và như vậy chiến lược sẽ không thành. Đã có nhiều minh chứng về sự chuyển dịch cơ cấu của DN Việt Nam trong những năm gần đây với những vấn đề diễn ra trên thực tế không như những gì các nhà hoạch định chính sách mong đợi: sự "bế tắc" về công nghệ, quy mô DN ngày càng giảm, cơ cấu xuất khẩu chưa được cải thiện, nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình...

Sự "bế tắc" về công nghệ

Trong "Báo cáo thường niên DN Việt Nam 2010, chủ đề: Một số xu hướng tái cấu trúc DN Việt Nam" số liệu về số DN tham gia các lĩnh vực sản xuất và dịch vụ được sử dụng để đánh giá sự chuyển dịch cơ cấu đầu tư. Bởi lẽ, ngoài yếu tố vốn thì ý chí kinh doanh và quyết định khởi nghiệp, hoặc gia nhập, mở rộng thị trường nói lên nhiều điều về sự "thăng trầm" của các lĩnh vực, cũng như môi trường kinh doanh của lĩnh vực đó.

Theo số liệu thống kê ở thời điểm 2009, chiếm tỷ trọng lớn về thu hút lao động vẫn là các lĩnh vực truyền thống như chế biến chế tạo, xây dựng, dịch vụ hành chính, nông lâm thủy sản...Xét khía cạnh suất đầu tư thì lĩnh vực tài chính ngân hàng, kinh doanh bất động sản vẫn là hai lĩnh vực có mức thâm dụng vốn cao.

Các chuyên gia kinh tế đánh giá, sự hấp dẫn đang dịch chuyển khỏi các lĩnh vực truyền thống vốn chiếm tỷ trọng lớn như chế biến chế tạo, xây dựng, vận tải, kho bãi...Sự "hấp dẫn" ở đây đối với DN là khả năng sinh lời. Khả năng này có thể bị ảnh hưởng khi DN không thể chịu được sức ép cạnh tranh về giá.

Thị trường Việt Nam tuy nhỏ nhưng độ mở cao, DN trong nước không thể cạnh tranh được với DN nước ngoài trên thị trường nội địa, do đó số lượng DN tư nhân trong nước rút lui hoặc không gia nhập thị trường chắc chắn sẽ gia tăng. Như vậy, thực chất vấn đề ở đây là "bế tắc" về công nghệ. Các DN không thể cải thiện được công nghệ để đáp ứng nhu cầu thị trường, giảm giá thành sản phẩm để cạnh tranh với hàng nhập khẩu.

Thực tế đã chứng minh về sự chuyển dịch cơ cấu một cách không bền vững. Năm 2011-2013 đã chứng kiến sự lao đao của các DN kinh doanh tài chính ngân hàng, bất động sản. Xu hướng quay trở lại lĩnh vực truyền thống là tất yếu. "Báo cáo thường niên DN Việt Nam 2012" cho thấy có đến gần 3/4 tổng số lao động tập trung trong 3 lĩnh vực là công nghiệp chế biến, xây dựng và thương nghiệp, sửa chữa xe có động cơ, mô tô, xe máy.

Tuy nhiên, câu chuyện "hàng tồn kho" một lần nữa chứng minh sự "bế tắc" về công nghệ khiến cho các DN không thể cải thiện được công nghệ để đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của thị trường, giảm giá để cạnh tranh với hàng nhập khẩu.

Quy mô DN ngày càng giảm

Cũng theo VCCI, Việt Nam cũng đối mặt với việc quy mô DN ngày càng suy giảm. Tỷ lệ các DN quy mô nhỏ và siêu nhỏ có xu hướng tăng lên trong giai đoạn 2002-2011, từ 90% lên 95,6%.

Cũng có đến 2/3 các DN Việt Nam là các DN siêu nhỏ, dưới 10 lao động. Tỷ trọng của DN siêu nhỏ cũng tăng từ 53,1% năm 2002 lên 65,6% vào năm 2011. Tỷ trọng các DN có quy mô vừa và lớn có xu hướng giảm đi, năm 2011 khối này chỉ chiếm 2,4%.

"Cơ cấu này dẫn đến hệ quả là Việt Nam thiếu doanh nghiệp đủ lớn để nâng cao năng suất", bà Phạm Thị Thu Hằng - Tổng Thư ký VCCI nhận định.

Bẫy thu nhập trung bình

Việt Nam đã trở thành quốc gia có thu nhập trung bình, tuy nhiên, có nhiều dấu hiệu cho thấy nước ta có nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình.

Thực hiện chiến lược công nghiệp hóa theo định hướng xuất khẩu, tập trung vào các ngành có lợi thế như dệt may, da giày, linh kiện điện tử...do từ trước đến nay Việt Nam luôn xác định lợi thế cạnh tranh là chi phí lao động rẻ, nên các chính sách đã hướng tới phát triển các ngành tận dụng nhiều lao động với chi phí thấp, nhưng chủ yếu là lao động giản đơn.

Các sản phẩm xuất khẩu chủ yếu thuộc ngành công nghiệp lắp ráp, vì thế giá trị gia tăng thấp, rất dễ khiến chúng ta rơi vào bẫy thu nhập trung bình. Năm 2012 là năm đầu tiên kể từ năm 1993, Việt Nam xuất siêu 284 triệu USD và xu hướng này được duy trì trong năm 2013 vừa qua. Tuy nhiên, nguyên nhân sâu xa được đánh giá là do sự suy giảm của sản xuất và tiêu dùng trong nước.

Nói một cách khác, khi đề cập tới vấn đề đổi mới mô hình tăng trưởng không thể không đề cập tới năng lực cạnh tranh của một số ngành Việt Nam có tiềm năng lợi thế cần ưu tiên phát triển thông qua phát triển kinh tế vùng mà Việt Nam có thể khai thác được. Điều này sẽ giúp cho các DN xác định rõ: Liệu chiến lược kinh doanh của các DN đã khai thác được lợi thế cạnh tranh và phù hợp với chiến lược phát triển ngành/vùng theo cơ cấu kinh tế mong muốn của Chính phủ?

Đoàn Huế
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo