'Bịt mũi' ở nhà vệ sinh bệnh viện
Tại Bệnh viện (BV) Phụ sản Hùng Vương (Q.5, TP.HCM), khu nhà vệ sinh chung nằm ngay cạnh phòng trả kết quả xét nghiệm, được tận dụng luôn cho những bệnh nhân cần lấy mẫu nước tiểu để làm xét nghiệm. Hôm chúng tôi đến, lượng người ra vào rất đông nhưng hệ thống xả nước tự động cái thì hoạt động cái thì “chết” khiến rất lộn xộn, hôi hám. Người có ý thức thì múc nước xả, người lười biếng thì “xong việc” là cứ thế bỏ đi…
Tại BV Ung bướu (Q.Bình Thạnh), khu nhà vệ sinh nằm giữa khu dinh dưỡng và khu điều trị C cũng rất nhếch nhác. Những lúc đông đúc, người bệnh và thân nhân phải xếp hàng chờ. Nhưng vào được rồi thì nhiều bệnh nhân nữ cũng không chịu nổi đã chọn cách “đi” ngay sàn nước (nơi có một mảng tường che) cho sạch! Hệ thống nước ở khu này rất thô sơ, cũ kỹ, khiến có lúc nước cứ chảy tràn ra tận cửa.
Tương tự, nhà vệ sinh nằm phía sau khu vực làm thủ tục giấy tờ nối liền với khu sản A của BV Phụ sản Từ Dũ (Q.1) ai vừa bước vào cũng phải lấy tay bụm miệng, có người phải chạy dội ngược ra, bởi mùi hôi nồng nặc. Những thùng rác lớn tại đây luôn trong tình trạng quá tải, không thể đậy kín nắp được, làm bốc mùi hôi thối khủng khiếp.
Trên thực tế, phần lớn những nhà vệ sinh công cộng ở các BV là dành cho người bệnh và thân nhân, còn cán bộ, nhân viên y tế chẳng ai dám dùng.
Điều đáng nói, ngay cả những nhà vệ sinh “có thu phí” ở một số BV cũng không khá hơn. Chẳng hạn BV Nhân dân 115 (Q.10) xây hẳn khu nhà vệ sinh công cộng thu mỗi lượt người vào từ 1.000 - 2.000 đồng, nhưng cũng hết sức dơ bẩn. Nhân viên thì đợi khi vắng người mới chịu dọn dẹp. Tại BV Phụ sản Từ Dũ (ở phía đường Cống Quỳnh) cũng có khu nhà vệ sinh thu phí, với giá từ 1.000 - 4.000 đồng/lần. Nhà vệ sinh có thu phí ở BV Bình Dân (Q.3) thì xây riêng biệt làm hai khu (cho nam và nữ). Vừa bước vào là cái bảng giá treo trước mặt ghi, tiêu tiểu 1.000 đồng/lần, tắm giặt giũ 5.000 đồng/lần, nhưng trông cũng nhếch nhác.
Thiết nghĩ, người bệnh đến khám và điều trị tại các BV đều có trả tiền (kể cả bệnh nhân bảo hiểm y tế), vì thế không lý do gì không đảm bảo điều kiện vệ sinh trong môi trường này.
Khắc phục ngay để không ảnh hưởng người bệnh Bác sĩ Phạm Xuân Dũng, Phó giám đốc BV Ung bướu TP.HCM nhìn nhận: “Đúng là khu vệ sinh không được sạch sẽ. BV cũng đã biết việc này, đã nhiều lần yêu cầu đơn vị vệ sinh khắc phục nhưng cũng chưa đáp ứng được, do tình trạng quá tải. Trước mắt, trong lúc chờ cải tạo, chúng tôi sẽ tiếp tục yêu cầu tăng cường làm vệ sinh hơn nữa. Bên cạnh đó cũng cần nhờ đến ý thức của những người ra vào giữ vệ sinh chung”. Một lãnh đạo BV Phụ sản Từ Dũ cũng cho rằng: “BV đã thuê 2-3 đơn vị làm vệ sinh chuyên nghiệp, có giám sát. Nhưng có thể do lượng người ra vào đông quá nên có lúc không giữ được vệ sinh. Chúng tôi sẽ kiểm tra lại và khắc phục ngay để không ảnh hưởng người bệnh và thân nhân”. |
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Kinh tế Việt Nam phục hồi tích cực, kỳ vọng tăng trưởng mạnh
Đà Nẵng: Hai dự án liên quan cảng Liên Chiểu hoàn thành 100% kế hoạch vốn năm 2024
10 sự kiện nổi bật của Việt Nam năm 2024 do TTXVN bình chọn
Công bố 10 sự kiện công nghệ thông tin - truyền thông tiêu biểu năm 2024
Nhật Bản hỗ trợ Đà Nẵng thúc đẩy tiết kiệm năng lượng cho người dân
Đề xuất hoãn xuất cảnh đối với người nợ thuế quá hạn từ 50 triệu đồng trở lên