Tin tức - Sự kiện

“Bộ Công Thương phải có trách nhiệm giải trình”

Đó là khẳng định của TS. Lê Đăng Doanh, nguyên viện trưởng Viện nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương trong cuộc trao đổi nhanh với PV Nguoiduatin.vn xoay quanh câu chuyện lỗ - lãi của các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu vừa được Bộ Tài chính công bố...

 

Lý giải về việc thành lập đoàn thanh tra và công bố công khai việc này, bà Vũ Thị Mai, thứ trưởng Bộ Tài chính cho biết: "Đây là cuộc kiểm tra mang tính chất phục vụ công tác điều hành, nên trước mắt Bộ sẽ chưa xử lý các vi phạm. Từ nay đến cuối năm, nếu doanh nghiệp còn tiếp tục sai phạm, Bộ sẽ xử lý".


Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai

Theo TS. Lê Đăng Doanh, việc công bố chuyện lỗ lãi của xăng dầu qua kết quả kiểm tra cũng gây khó hiểu. “Người dân không hiểu chuyện kinh doanh xăng dầu giá cả đã minh bạch hay chưa, chuyện công bố này chỉ để minh chứng cho Bộ Tài chính (cụ thể là ông Vương Đình Huệ) trong cuộc tranh luận nảy lửa với Bộ Công Thương và các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu ngày 20/9. Tôi có đọc qua, thấy rằng theo kết quả kiểm tra thì đợt giảm giá hồi tháng 6, doanh nghiệp kêu lỗ nhưng Bộ Tài chính đã khẳng định là lãi và thực tế đã chứng minh như vậy. Tôi cho rằng thông báo như vậy cũng có tính chất tường minh rồi. Như vậy, cuộc tranh luận giữa hai Bộ đã rõ, Bộ trưởng Vương Đình Huệ đã đúng”, TS. Lê Đăng Doanh bình luận.


Nhìn nhận qua kết quả kiểm tra giá xăng dầu này, TS Doanh khẳng định: "Ở đây, tôi không nói qua kết quả này khẳng định việc điều hành giá xăng dầu của Bộ Tài chính đúng mà chỉ là ông Vương Đình Huệ nói là xăng dầu không lỗ mà có lãi, ông Vũ Huy Hoàng nói xăng dầu lỗ, kết quả kiểm tra cho thấy ông Huệ nói đúng. Qua điều này, chúng ta cũng cần sòng phẳng yêu cầu Bộ Công Thương cần trả lời rõ ràng về chuyện này. Thực tế, người dân đang trông chờ kết luận kiểm tra sẽ hé lộ sự chưa sòng phẳng, chưa minh bạch đối với giá xăng dầu mà lâu nay người dân chịu thiệt thòi, thậm chí Nhà nước cũng phải trích ngân sách bù lỗ, trong khi doanh nghiệp kinh doanh lại có lãi".


Từ góc độ này, TS. Lê Đăng Doanh kỳ vọng: "Cần nhiều cuộc thanh kiểm tra như thế này thì giá xăng dầu mới được nhìn nhận đúng. Trên cơ sở của cuộc kiểm tra này, Bộ Tài chính cần yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu phải nâng cao hơn nữa tính minh bạch, trách nhiệm giải trình của Petrolimex, đồng thời cũng cần truy xét những công bố lỗ trước đây của doanh nghiệp để đòi tăng giá mà các cơ quan đều đồng ý cả. Vậy căn cứ ấy là gì, có đáng tin cậy hay không? Và Bộ Công Thương trong chuyện này cũng phải có trách nhiệm tại sao Bộ chủ quản lại cứ kêu lỗ hộ doanh nghiệp trong khi doanh nghiệp có lãi".


Còn ông Bùi Ngọc Sơn, trưởng phòng nghiên cứu Kinh tế Quốc tế (Viện Kinh tế và Chính trị Thế giới) cho rằng, muốn giải quyết dứt điểm câu chuyện về giá xăng dầu thì phải có lộ trình cải cách giá (đưa giá này về sát thị trường). Muốn như thế, Nhà nước phải tạo ra được thị trường cạnh tranh. Hiện nay, có vài “ông” thâu tóm thị trường, bắt tay nhau làm giá thì chuyện giá cả vẫn mãi mãi chỉ là chuyện tranh cãi người kêu lỗ, người bảo lãi. Nhưng trong cuộc tranh cãi lần này cũng đã  hé lộ sự thật. Nếu không tạo được thị trường cạnh tranh thì câu chuyện nêu trên luôn xảy ra và Bộ Tài chính phải giám sát là đúng. Giám sát giá xăng như thế nào để hài hoà lợi ích của doanh nghiệp và người dân thì lại chuyện rất khó. Thực tế, có 3-4 yếu tố cấu thành giá cơ sở, nếu chỉ để “hổng” một yếu tố thì việc kiểm soát giá sẽ trở nên vô nghĩa. Vì thế, Bộ Tài chính cần tăng cường hơn nữa công tác thanh kiểm tra trước khi quyết định tăng giá, hay yêu cầu kiên quyết giảm giá xăng dầu khi có cơ hội.            


Theo Đời sống&Pháp luật

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo