Tin tức - Sự kiện

'Bỏ túi' kinh nghiệm đi chơi

Giới trẻ háo hức với những chuyến du lịch dài ngày trong dịp lễ này. Vì vậy, nên “bỏ túi” những kinh nghiệm để có thể tận hưởng trọn vẹn niềm vui.

 

PGS-TS Huỳnh Văn Sơn, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, người thường thực hiện những đoạn phim kỹ năng sống dành cho giới trẻ, nhấn mạnh khi đi du lịch trong những ngày lễ, cần phải có sức khỏe tương đối và chuẩn bị tâm lý thật vững vàng, thoải mái. Nếu thiếu một trong hai yếu tố cơ bản này thì chuyến đi sẽ khó vui. Không chỉ vậy, cần hiểu biết sơ bộ về nơi sẽ đến và những thách thức, áp lực nếu có.

 

Đi du lịch cũng cần kỹ năng

 

“Mọi người thường có thói quen đem càng nhiều đồ càng tốt. Tuy nhiên không cần phải thế, đừng mang nhiều vật dụng hay quá tham lam với những công cụ, phương tiện làm việc kèm theo. Chỉ cần trang bị vài vật dụng thiết yếu cho hành trình khám phá, du lịch: đèn pin mi ni, bao ni lông, áo mưa mỏng, một vài loại thuốc thông dụng, chai nước, một vài viên kẹo chống đói”, ông Sơn hướng dẫn.

 

Đi du lịch cũng cần có kỹ năng. Nếu biết tự trang bị cho bản thân kỹ năng tự khám phá, thoát hiểm trước những tình huống nguy hiểm như: đi lạc, đói, thiếu nước, bị tấn công, hoặc làm chủ cảm xúc khi xảy ra những sự cố, bất trắc, cách chuyển điện thoại sang chế độ sử dụng la bàn, đèn pin… thì có thể vượt qua những thử thách có thể gặp trong hành trình du lịch.

 

Cô nàng đam mê du lịch Trần Thị Thùy Ngân, sinh viên Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, lưu ý mọi người cần có những kỹ năng như: dấu hiệu tay cho đoàn xe máy, nhóm lửa, dựng lều, làm việc nhóm, săn bắt cơ bản, cần hiểu về văn hóa vùng miền nơi đến, cũng như biết thêm một ngôn ngữ thứ hai thì rất thuận tiện… “Ngoài ra, trước khi đi cần chuẩn bị đầy đủ vật dụng cá nhân, giấy tờ tùy thân. Không những vậy, nếu chọn xe máy là bạn đồng hành thì nên tân trang lại, chăm chút kỹ lưỡng xăng nhớt. Đừng thức khuya vào đêm hôm trước để có sức khỏe, tránh việc vừa ngủ gật vừa lái xe”, nữ sinh này khuyên.

 

Dành cho phượt thủ

 

Ngoài việc đi du lịch với những tour đặt sẵn, đi theo lịch trình, thì giới trẻ còn ưa thích đi phượt trong dịp nghỉ lễ dài ngày. Nói về điều này, diễn giả Huỳnh Minh Thuận, tác giả cuốn sách Vượt qua bế tắc dành cho giới trẻ, cho rằng từ trước đến nay hầu hết các tai nạn liên quan đến phượt thường liên quan đến việc nhìn nhận chưa chính xác về phượt cũng như cung đường sẽ đi qua. Vì vậy, điều đầu tiên cần thiết là nên tự hỏi bản thân xem có phù hợp với kiểu du lịch phượt hay không.

 

 Hãy “bỏ túi” những kinh nghiệm du lịch để có thể tận hưởng trọn vẹn niềm vui trong những chuyến đi - Ảnh: Mai Hạnh Hãy “bỏ túi” những kinh nghiệm du lịch để có thể tận hưởng trọn vẹn niềm vui trong những chuyến đi - Ảnh: Mai Hạnh

 

Theo ông Thuận, khi đi du lịch phượt sẽ có được cảm giác thoải mái, tự do về không gian và thời gian mà không bị thúc ép bởi những lịch trình chặt chẽ. Có thể dừng lại ở một điểm giữa đường, không định trước hoặc có thể rẽ sang một hướng hoàn toàn mới lạ. Nhưng điều đó cũng có nghĩa là người đi du lịch phải là người sẵn sàng và đã chuẩn bị cho những điều sẽ xảy ra như ngủ lại giữa đường, dùng thực phẩm đem theo…

 

“Trên đường phượt, sẽ không có nguy hiểm đáng sợ nào bằng những nguy hiểm do chính bản thân gây ra do chưa chuẩn bị kỹ. Vì vậy, hãy chọn con đường an toàn nhất. Nếu chưa sẵn sàng cho những điều tương tự thì nên chọn một tour du lịch nghỉ dưỡng thoải mái để lấy lại sức cho những ngày làm việc sắp tới. Còn khi muốn thử thách, muốn đi phượt, hãy kiểm tra kỹ tất cả mọi thông tin có thể về cung đường sẽ đến. Các diễn đàn phượt hoặc trên trang cá nhân, trang hội nhóm của các phượt thủ có tiếng đều có rất nhiều thông tin để tham khảo. Sau đó phải lên danh sách thật kỹ những vật dụng mang theo như lều trại, dụng cụ sinh tồn…”, ông Thuận chia sẻ.

 

Du lịch nước ngoài

 

Chia sẻ với những ai có ý định đi du lịch ở nước ngoài, Trịnh Thị Mai Hạnh (đang học và làm việc ở New Zealand), cô gái đã từng đặt chân đến gần hết các nước Đông Nam Á và cả những nước Úc, Fiji, cho rằng khi đi du lịch cần phải tìm hiểu thật kỹ về những nước dự định đến qua những trang thông tin đáng tin cậy như lonelyplanet.com hay tripadvisor.com.

 

Còn với phượt, phượt thủ cần phải luyện tập sức khỏe để đủ sức “ăn bờ ngủ bụi”. Đặc biệt phải luôn có những số điện thoại cần thiết như của đại sứ quán, lãnh sự quán VN tại nơi đến, các tổ chức công tác bảo hộ công dân và pháp nhân VN ở nước ngoài, địa chỉ và số điện thoại của trạm cảnh sát. “Cần chủ động làm quen với những người bản xứ để có thể xin ở ké, hoặc được họ hỗ trợ khi bất trắc xảy ra”, Mai Hạnh khuyên.

 

Ngoài những vật dụng cá nhân cần thiết, theo Mai Hạnh chia sẻ kinh nghiệm của bản thân thì phải luôn mang theo tripod (chân máy ảnh) vừa để tự chụp hình, vừa để... tự vệ. “Khi ra nước ngoài đừng bỏ tiền vào duy nhất một thẻ ATM mà gửi vào nhiều thẻ khác nhau, đề phòng mất cái này còn cái khác. Đồng thời luôn có số điện thoại của trung tâm chăm sóc khách hàng của ngân hàng phát hành thẻ, mất là gọi báo ngay để khóa thẻ lại. Và một điều cơ bản nhất là nên trang bị tiếng Anh khi đi du lịch nước ngoài, không có tiếng Anh đi đâu cũng khổ.

Theo Thanh niên
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo