“Bội thực” tín dụng ưu đãi
Cứu trợ nhà giàu... mua xe hơi!
Với gói 30.000 tỉ đồng từ ngân sách nhà nước hỗ trợ cho người thu nhập thấp có nhà, DN đầu tư xây dựng nhà ở xã hội và nhà ở thương mại giá thấp mục đích là rất tốt nhưng cách thực hiện lại không ổn! Việc quy định khách hàng chỉ được vay mua nhà ở các dự án có giá bán dưới 15 triệu đồng/m2, diện tích dưới
70 m2 đã bó hẹp nguồn cung, trong khi những dự án nhà ở xã hội có sẵn lại đếm trên đầu ngón tay. Lâu nay, cả khách hàng lẫn DN đều không mặn mà mua hoặc đầu tư nhà ở xã hội do thủ tục mua bán, chuyển nhượng quá nhiêu khê. Kết quả, đến nay cả TP HCM mới chỉ có 1 DN đầu tư dự án nhà ở xã hội tiếp cận được gói tín dụng này dù có đến 5-6 DN đăng ký xin vay ưu đãi.
Phải nói thêm, những DN xin chuyển sang làm nhà ở xã hội chủ yếu là có dự án đang “trùm mền” vì thiếu vốn, nay nhờ gói 30.000 tỉ đồng nên xin chuyển từ nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội. Kẹt nỗi, DN khó khăn không còn vốn mồi để đối ứng hoặc vướng nợ xấu nên NH thương mại không cho vay. Ngay chính sách từ trung ương đến địa phương cũng “chỏi” nhau, như Bộ Xây dựng đồng ý cho chẻ nhỏ căn hộ trên 100 m2 thành căn hộ diện tích nhỏ hơn phù hợp với nhu cầu nhưng TP HCM lại không “hào hứng”, đưa điều kiện rất khắt khe nên DN không đáp ứng nổi...
Gói tín dụng này chưa “xài” hết, thay vì nên tập trung tiêu thụ, nay NH Nhà nước lại tính chuyện thêm một gói tín dụng khác dành cho đối tượng thu nhập cao vay tới 2 tỉ đồng để mua nhà, xây sửa nhà, liệu có ổn? Bởi lẽ, cho vay tối đa 2 tỉ đồng để khách hàng mua nhà 3-4 tỉ đồng là nhà cao cấp, giúp người giàu có nhà.
Hoặc như một công chức có mảnh đất 10 tỉ đồng, nay vay 2 tỉ đồng để xây nhà lầu, biệt thự thì có hợp lý không? Chuyện này giống như thay vì hỗ trợ người dân mua xe máy, nay lại giúp nhà giàu mua xe hơi... Và tôi đang nghi ngờ gói tín dụng này có phải nhằm giúp những người mua căn hộ cao cấp, từ đó “cứu” DN giải thoát khỏi nợ xấu NH và cũng là gián tiếp hỗ trợ chính các NH thương mại đang mắc kẹt với BĐS?
Nếu không phải gói từ ngân sách, phải chăng do các NH chủ động để cứu phân khúc BĐS trung cao cấp và cứu chính mình. Chưa kể các công chức, đối tượng được ưu tiên vay gói này có thể lợi dụng mua xong bán lại hoặc đứng tên cho người khác...
Nguyễn Văn Đực (Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP HCM)
Áp dụng không thống nhất
Một số dự án BĐS mà công ty phân phối thuộc diện được vay gói ưu đãi 30.000 tỉ đồng, lãi suất 5%/năm nhưng trong khoảng 1.000 khách hàng hỏi vay chỉ 500 người đáp ứng được các điều kiện về thủ tục, nhất là khâu chứng minh thu nhập và xác nhận tình trạng nhà ở. Trong khi phía NH có mẫu soạn sẵn ở mục xác nhận tình trạng nhà ở, đơn vị xác nhận chỉ việc ký tên, đóng dấu nhưng UBND phường, xã lại muốn xác nhận phải có... ghi chú vài dòng rồi mới đóng dấu, kết quả là khi khách hàng mang hồ sơ lên NH nói không hợp lệ, bắt sửa. Đây là gói ưu đãi từ ngân sách, tiền của nhà nước nên việc NH phải chặt chẽ cũng dễ hiểu. Do đó, với các gói tín dụng tiếp theo, khi ban hành thủ tục, các cơ quan phải “thông” với nhau để khách hàng tiếp cận vay vốn dễ dàng.
Ông Đoàn Chí Thanh (Tổng Giám đốc Công ty địa ốc Hoàng Anh Sài Gòn)
Kỳ vọng sẽ giải ngân nhanh hơn
Vừa qua, DN địa ốc Hoàng Quân có đề xuất vay gói 30.000 tỉ đồng ưu đãi để xây dựng dự án nhà ở xã hội nhưng gặp vướng mắc về thủ tục trong quá trình vay vốn với BIDV, NH Nhà nước Chi nhánh TP HCM và Sở Xây dựng đã họp bàn để tháo gỡ khó khăn. Hiện vướng mắc đã được giải quyết và sắp tới, Hoàng Quân cùng 600 khách hàng có nhu cầu mua dự án này sẽ được tiếp cận gói vay ưu đãi lãi suất thấp này để mua nhà, đẩy mạnh tỉ lệ được vay của TP. Bộ Xây dựng và NH Nhà nước đang soạn thảo thông tư sửa đổi đối tượng được vay vốn theo Nghị quyết 61 mới đây của Chính phủ. Khi đối tượng vay gói này mở rộng và thủ tục thông thoáng hơn, kỳ vọng sẽ đẩy nhanh tiến độ giải ngân. Một trong những nguyên nhân khiến gói 30.000 tỉ đồng giải ngân chậm do vấn đề thủ tục, xác minh tình trạng nhà ở, thu nhập...
Ông Nguyễn Hoàng Minh (Phó Giám đốc NH Nhà nước chi nhánh TP HCM)
15-20 triệu đồng/tháng là mua được
Gói cho công chức, viên chức và người dân vay tối đa 2 tỉ đồng mua nhà ở phân khúc trung cao cấp, nhà ở thương mại, nhà phố... và gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỉ đồng hoàn toàn khác nhau về đối tượng nên sẽ không có sự chồng chéo. Do không phải gói ưu đãi từ ngân sách nhà nước nên thủ tục sẽ thoáng hơn như không cần xác nhận hiện trạng nhà cửa, thu nhập của một gia đình khoảng 15-20 triệu đồng/tháng là có thể vay được. Dù vậy, cần nghiên cứu kéo dài thời gian vay nên 15-20 năm (như ở nước ngoài cho vay mua nhà từ 20-30 năm) để khách hàng trả gốc và lãi mỗi tháng khoảng 10 triệu đồng là phù hợp. Ngoài ra, mức lãi suất 6%-7,5%/năm không nên cố định mà cần linh hoạt theo lãi suất thị trường để tránh thiệt thòi cho người vay hoặc NH.
TS Cấn Văn Lực (Phó tổng giám đốc NH BIDV)
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
FPT mở thêm văn phòng tại Cần Thơ
Ba lĩnh vực được dự báo tăng trưởng ấn tượng
Giá vàng ngày 23/12/2024: Biến động trái chiều
Giá ngoại tệ ngày 23/12/2024: USD vẫn tăng mạnh nhờ động thái của Fed
Giá heo hơi ngày 23/12/2024: Miền Bắc thiết lập mức giá mới
Doanh nghiệp nước giải khát đẩy mạnh phát triển bền vững