Tin tức - Sự kiện

“Bom nổ chậm” trên đường quốc lộ

Tại Gia Lai, đã có người chết, bị thương, hư hại phương tiện và những tuyến đường quốc lộ tan hoang, bong tróc vì xe tải chở mía vượt quá trọng tải. “Bom nổ chậm” là tên mà người dân ở Gia Lai "gắn" cho các xe tải chở mía. Thế nhưng việc quản lý, xử phạt vi phạm lại nảy sinh nhiều vấn đề hóc búa làm “đau đầu” chính quyền sở tại.

Xe chở mía được người dân ví là

Khi “bom” phát nổ

Kinh hãi, lo sợ - là những gì người dân các huyện Phú Thiện, Ia Pa, thị xã Ayun Pa, An Khê (Gia Lai)... sống dọc quốc lộ 25 cảm nhận mỗi khi thấy xe mía. Học sinh tan trường, người dân đi làm, buôn bán... phải hoảng loạn, dạt xa hai bên đường mỗi khi thấy bóng dáng xe mía xuất hiện. 
 
Dù có trọng tải từ 11 - 15 tấn nhưng xe nào cũng “cõng” tới 25 - 30 tấn mía được chất cao ngút, lao vun vút trên đường. Trên 4.000 hộ dân tại khu vực đông nam tỉnh Gia Lai với 9.500ha mía ký kết hợp đồng mua, bán cho nhà máy mía đường. 3.200 tấn đường/ngày được nhà máy tạo ra, thì số xe mía đổ về nhà máy là hàng trăm lượt. 
 
Bà Phan Thị Ngọc Mai (SN 1956, trú xã Ia Hiao, huyện Phú Thiện) ta thán: “Xe chở mía thì chở cao ngất, chạy ầm ầm bứt cả dây điện, lấn át phần đường xe máy. Lơ đễnh thì mất mạng ngay”. Tính mạng của hàng ngàn người dân luôn bị tử thần “rình rập” bởi xe chở mía quá trọng tải. 
“Các tuyến đường quốc lộ, tỉnh lộ chất lượng đã kém, rồi bị hàng trăm xe mía nặng trịch cày nát, xới tung làm bong tróc, sụp lún, lồi lõm. Tui thấy người đến vá, sửa hoài nhưng một vài ngày rồi cũng hư lại”, bà Mai nói thêm. 
Trong khi Sở GTVT tỉnh Gia Lai đang trong quá trình “nghe ngóng, thăm dò” thì “bom” đã phát nổ. Ngày 9.1.2014, xe chở mía BKS 51C - 006.15 do tài xế Nguyễn Trọng Hoàng (SN 1980, trú huyện Phú Thiện) điều khiển đã vướng dây điện, kéo gãy phần trên trụ điện gỗ làm rơi trúng đầu anh Lại Anh Sang (SN 1983, trú thị xã Ayun Pa). 
 
Hậu quả, anh Sang chết trên đường đi cấp cứu, CSGT huyện Phú Thiện xác định, xe chở mía gây tai nạn do chở quá khổ, quá tải. Tiếp đó, ngày 30.3.2014, xe tải chở mía mang BKS 81C - 045.85 chở 30 tấn mía đã lao vào những người dừng đèn đỏ tại phường Đoàn Kết, (thị xã Ayun Pa). Đám đông hoảng loạn, vứt xe bỏ chạy, tuy không có thương vong về người nhưng 1 chiếc xe máy bị cán nát. Cơ quan chức năng xác định, do chở quá tải, bị nổ lốp dẫn đến mất lái. Ban ATGT tỉnh Gia Lai phải fax công văn cho Ban ATGT các huyện, thị xã có vùng nguyên liệu mía yêu cầu kiểm soát, xử lý nghiêm các xe chở quá khổ quá tải. 
 
Khó xử lý?
 
Theo lời tài xế tên Tư: “Vì giá cước vận chuyển quá thấp, (73.800 đồng/tấn) anh em chúng tôi ai cũng phải cố chở từ 30 - 35 tấn/xe để bù chi phí xăng dầu, ăn uống, hao mòn hỏng hóc, nuôi gia đình... dù biết chở quá trọng tải cho phép là vi phạm Luật Giao thông”. Hầu hết tài xế đều than vãn, nếu chạy xe đúng tải thì giá cước vận chuyển không thể bù đắp chi phí.
 
“Nhìn bằng mắt thì hầu hết xe mía nào cũng chở quá trọng tải. Nhưng việc xử lý rất khó vì CA huyện không có trạm cân, không có bãi hạ tải” - khẳng định của thượng tá Doãn Văn Hiểu - Phó Trưởng CA thị xã Ayun Pa. Thấu hiểu hoàn cảnh các tài xế cũng chỉ làm thuê làm mướn, phạt 1 lần coi như mất 1 tháng chạy xe. Bắt phạt chỉ là “bắt cóc bỏ dĩa” nên biện pháp mà CSGT các huyện đưa ra vẫn là nhắc nhở. 
 
Theo ông Phạm Hiếu Trình - Chánh văn phòng Ban ATGT tỉnh Gia Lai - giá cước vận chuyển đang bị “thả lỏng”. Tài xế vẫn biết xe chở quá tải sẽ ẩn họa nhiều hiểm nguy, tiêu thụ nhiều nhiên liệu, mau hỏng hóc xe... nhưng vẫn bất chấp vì miếng cơm manh áo. Tại tỉnh Gia Lai, dù có trạm cân do Bộ GTVT cấp, tuy nhiên quốc lộ 25 không phải “đối tượng” ưu tiên mà phải nhường cho quốc lộ 14, 19. 
Báo Lao Động
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo