“Cát vẫn trắng, biển vẫn xanh, dịch vụ vẫn ... mơ màng”
“Cát vẫn trắng thế thôi, biển vẫn xanh thế thôi, còn dịch vụ thì mơ màng”. Đó là ý kiến có vẻ “nản lòng” của một giám đốc chi nhánh doanh nghiệp lữ hành chuyên tổ chức các tour đi lại giữa Huế và Quảng Nam.
Theo ông, cụ thể với thời gian đi lại chậm chạp giữa 2 điểm Lăng Cô – Hội An hiện nay, lợi thế du lịch giữa vùng danh hiệu này với vùng danh hiệu kia đã giảm sút rất nhiều.
Quá nhiều bất cập
Minh chứng cho sự bất cập về điều kiện thưởng ngoạn du lịch khu vực, vị giám đốc đã thử so sánh thông số di chuyển tour giữa các vùng du lịch. Đơn cử đi từ Bangkok đến Pattaya (Thái Lan) gần170 km, hay từ Lạng Sơn đến Nam Ninh (Trung Quốc) hơn 180 km, dùng ôtô chạy thẳng đều chỉ mất hơn 2 giờ đồng hồ. Trong khi đó, đi thẳng từ Lăng Cô vào Hội An, xa chưa quá 60 km, du khách đã mất gần 2 giờ đồng hồ; và nếu đi ra Cù Lao Chàm, phải thêm vài giờ đi thuyền…
“Du khách rất mệt mỏi khi phải di chuyển chậm như vậy, nên gần như họ sẽ từ chối tìm hiểu thăm quan nơi đến vì muốn có thời gian nghỉ ngơi. Trong khi tuyến đường du lịch ven biển miền Trung có tốc độ cao, từng là mơ ước từ năm 2003, đến nay đã hiện thực rồi, mà hiện trạng đi lại vẫn không cải thiện như vậy, thật rất đáng tiếc”.
Một lãnh đạo công ty du lịch lữ hành Vitour (Đà Nẵng) nhận xét như vậy, và nói rõ thêm, tốn thời gian chỉ là một trong những hiện trạng bất cập du lịch khu vực. Người ta còn nhìn thấy những chất lượng dịch vụ thăm quan, thưởng ngoạn, ẩm thực, mua sắm… còn quá lỗ chỗ tại đây.
Lăng Cô và Cù Lao Chàm, xưa nay chưa hề được du khách hài lòng về chất lượng dịch vụ khách hàng. Thậm chí không ít du khách đã đặt phòng ở Lăng Cô, ban ngày tắm biển trên bãi biển có tiếng kêu đầy ấn tượng, song đêm đến vẫn phải chạy taxi vào Đà Nẵng để “nhậu ở sông Hàn”.
Còn nhiều du khách vừa đến Cù Lao Chàm, đã không mấy hào hứng khi nhìn cảnh bãi Dài nhếch nhác cư dân và bãi Làng lúc nào cũng vắng vẻ người nghịch cát.
Dĩ nhiên, từ góc độ đầu tư bền vững, người ta sẽ đánh giá cao những cơ hội du lịch mà Làng Cò (Lăng Cô) mang lại khi nhìn từ đầm Lập An, hoặc chính trên bãi bồi ở cửa vịnh.
Đại diện khu nghỉ dưỡng Laguna (Singapore) đánh giá, không hề đơn giản để những nhà đầu tư triển khai thành công một dự án resort hơn 5 sao tại vùng vịnh có vẻ hẻo lánh này.
Chất lượng môi trường tốt và những điều kiện tự nhiên hấp dẫn, sẽ cuốn hút ngày càng nhiều du khách phương xa đến với Lăng Cô.
Còn với Cù Lao Chàm, địa phương đầu tiên tại Việt Nam không sử dụng túi nilon để bảo vệ môi trường, nơi loài cua đá xanh được kiểm soát rất tốt để không bị đánh bắt tận diệt, và nhiều loài thủy hải sản được bảo vệ, các du khách quan tâm đến môi trường chắc chắn rất hài lòng.
Lang thang trên những triền cao của đảo, đi thuyền vòng quanh các mỏm yến, là cả một hành trình tìm hiểu giá trị mà không phải ở đâu, du khách cũng có thể thưởng thức.
Cần chuyển biến hơn
Với thực trạng còn khập khiễng giữa tiềm năng và nội lực ấy, đòi hỏi chấn chỉnh và nâng cao chất lượng du lịch Lăng Cô – Cù Lam Chàm, từ lâu đã được ngành du lịch 2 địa phương Thừa Thiên Huế và Quảng Nam quan tâm.
Nhiều phiên thảo luận hợp tác cùng nối kết cơ hội du lịch đã được các địa phương nơi đây, trong đó Đà Nẵng lại là một địa chỉ xúc tiến tích cực.
Nhưng theo các doanh nghiệp, thì khu vực này vẫn rất cần những “barie” phân lọc chính xác các hoạt động du lịch xã hội hơn là những danh hiệu danh tiếng đơn thuần.
Cụ thể, các nhà quản lý nên khuyến khích phân loại rõ hơn các tour tuyến du lịch tại đây, như tour dành cho những người “đi cho biết” và cho những người thật sự quan tâm danh thắng du lịch.
Ông Nguyễn Quốc Thành, chủ tịch HĐQT công ty cổ phần Du lịch Hương Giang (Huế) từng tâm sự, “không phải du khách mua tour để đua chạy xem một ngày có thể đi bao nhiêu điểm”, nhiều người chỉ muốn đến các điểm du lịch để tìm hiểu những thông tin, tri thức bề sâu.
Các địa phương miền Trung lại có nhiều dấu ấn văn hóa, lịch sử đặc biệt, khiến người ta quan tâm nhiều hơn là các món ăn, chỗ ngủ bình thường.
Hơn nữa, ở các địa bàn có tính chất “cá biệt” như Cù Lao Chàm, Lăng Cô, du khách rất cần nhận được những dịch vụ đặc thù, chăm sóc họ tốt hơn, như điều kiện vận chuyển nhanh hơn.
Do đó, việc nghiên cứu hình thành những sản phẩm hợp yêu cầu tại các điểm đến này, là rất cần thiết và đáng được các doanh nghiệp quan tâm.
Ông Ngô Hòa, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế nhìn nhận, việc bảo đảm giữ vững các danh hiệu được đề cử, cho các địa phương có danh thắng di sản ở miền Trung luôn đòi hỏi phải cân đối nhiều vấn đề.
Trong đó, làm sao nâng cao hơn nữa tầm nhìn xây dựng, chất lượng các dịch vụ và cả kỹ năng phục vụ du khách, lôi cuốn được du khách dừng chân, là thách thức thường xuyên phải đặt ra.
End of content
Không có tin nào tiếp theo