Cây trồng mới giúp nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp
Cây khoai môn ngọt Thái Lan cho sản phẩm chủ yếu là ngó non sử dụng trong bữa ăn hằng ngày. Loại sản phẩm này khác với ngó khoai nước vẫn được người dân trồng là không bị ngứa, ngó mập, cho năng suất cao. Đặc biệt, cây khoai môn ngọt Thái Lan cũng là loại cây trồng phù hợp ở những chân ruộng trũng khi chuyển đổi từ cấy lúa mà không bị phá vỡ mặt bằng.
Được biết, giống khoai môn ngọt Thái Lan được anh Tấn học hỏi kinh nghiệm và lấy giống từ tỉnh Hải Dương đang phát triển rất tốt. Mô hình của anh Tấn đang thực hiện sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn chủ yếu sử dụng phân hữu cơ, không sử dụng đạm, thuốc kích thích và thuốc bảo vệ thực vật.
Hiện nay, diện tích sản xuất khoai môn ngọt Thái Lan của anh Tấn đang cho thu hoạch. Giá bán ngay tại ruộng đạt từ 17-20 nghìn đồng/kg. Theo tính toán, mỗi sào khoai môn ngọt trồng trong 9 tháng có thể cho giá trị khoảng 15-20 triệu đồng. Cây khoai môn ngọt Thái Lan có thể trồng gối vụ quanh năm. Bước đầu thị trường tiêu thụ chủ yếu là thành phố Hà Nội, Lạng Sơn và một số ít tại tỉnh Hà Nam.
Anh Tấn tâm sự: Mục đích của việc đưa loại cây mới này vào trồng để thay thế cho diện tích lúa tại xã cho hiệu quả thấp, nhiều gia đình không còn nhu cầu sản xuất. Quan trọng hơn, cây khoai môn ngọt Thái Lan dễ trồng, dễ chăm sóc, cơ bản không có sâu, bệnh, lại có hiệu quả kinh tế cao.
Hiện nay, tại một số xã, người dân đang đưa một số loại cây trồng mới vào sản xuất, như cây măng tây đang được trồng ở nhiều nơi. Mặc dù diện tích chưa nhiều nhưng măng tây cho thấy là loại cây trồng mới hiệu quả.
Măng tây có thời gian sinh trưởng, phát triển lên đến 10 năm và cho thu sản phẩm măng thường xuyên. Giai đoạn cho thu cao nhất (4-5 năm tuổi), mỗi sào măng tây đạt 300-400 kg sản phẩm/năm. Do măng tây là loại rau có chất dinh dưỡng cao, dễ chế biến nên giá trị khá cao, hiện giá bán cho các đại lý 60-70 nghìn đồng/kg. Mô hình của anh Hiệp (xã Thi Sơn, Kim Bảng) đang trồng hơn 2 sào măng tây. Tuy mới trồng chưa được 1 năm nhưng đã cho thu đều đặn mỗi ngày hơn 10 kg sản phẩm.
Năm 2018, ngành NN & PTNT triển khai thực hiện Đề án "Ứng dụng một số cây trồng mới chủ yếu theo hướng sản xuất hàng hóa, quy mô tập trung gắn với hợp đồng tiêu thụ sản phẩm giai đoạn 2017-2020". Theo đó, ngành đưa vào gieo trồng những giống mới, xây dựng mô hình lựa chọn thay thế cho những giống cũ, có hiệu quả, năng suất thấp, gồm: Lúa, ngô, bí xanh, bí đỏ, dưa chuột và cỏ (chăn nuôi bò).
Với cây lúa, hiện nay trên đồng ruộng của tỉnh đang có đến 50 - 60 giống, dẫn đến manh mún, không tạo thành vùng sản xuất tập trung. Trong khi đó, theo chỉ đạo của Bộ NN & PTNT về thực hiện tái cơ cấu ngành trồng trọt thì mỗi địa phương chỉ cần 3-5 loại giống chủ lực. Chính vì vậy, thực hiện Đề án, ngành NN & PTNT lựa chọn 6 giống lúa mới có tiềm năng năng suất và khả năng sản xuất hàng hóa cao để xây dựng mô hình. Từ đó, tiếp tục đánh giá và chọn ra những giống ưu việt nhất đưa vào làm bộ giống chính sản xuất đại trà trong tỉnh Hà Nam.
Thực tế cho thấy, sản xuất nông nghiệp của Hà Nam thời gian qua đã có bước phát triển mạnh. Tuy nhiên, với cây lúa năng suất đã đạt trần (hơn 120 tạ/ha). Các loại cây màu tuy đã được chuyển đổi nhưng chưa đa dạng về chủng loại để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng ngày càng cao. Điều này dẫn đến nhiều thời điểm sản phẩm thu hoạch thường bị mất giá.
Chính vì thế, việc lựa chọn đưa các cây trồng mới vào sản xuất sẽ giúp tạo ra sản phẩm hàng hóa, nâng cao giá trị sản xuất. Đặc biệt hiện nay, các mô hình tích tụ ruộng đất, sản xuất nông nghiệp sạch đang hình thành càng đòi hỏi cần phải đưa cây trồng mới phù hợp vào sản xuất.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng thế giới ngày 9/1/2024: Chạm đỉnh trong gần bốn tuần
Xuất khẩu Việt Nam 2025: 2 kịch bản ứng phó trước chính sách mới từ Mỹ
Giá ngoại tệ ngày 9/1/2025: USD tăng mạnh do lợi suất trái phiếu Mỹ đi lên
Năm 2024, kim ngạch thương mại Việt Nam - Lào đạt hơn 2 tỷ USD
Doanh nghiệp châu Âu tin tưởng vào triển vọng kinh tế Việt Nam
Giá heo hơi ngày 9/1/2025: Nhích tăng tại miền Bắc