Bình luận

"Chậm mà chắc" luôn hiệu quả với người mới bắt đầu

24 năm trước, người phụ nữ gốc Huế Nguyễn Thị Lộc đã bỏ ngang công việc kế toán trưởng ở Xí nghiệp Liên hiệp Dược Lâm Đồng để làm trà túi lọc Atiso. Nhiều người khi đó đã bảo bà gàn dở khi ôm cực vào thân. Song, với niềm say mê nghiên cứu cùng với máu kinh doanh, bà đã chứng minh điều bà lựa chọn là đúng bằng việc ký hợp đồng xuất khẩu đơn hàng trà túi lọc Atiso sang Đài Loan với mức giá cao gấp 4 lần giá bán ở thị trường nội địa, đánh dấu bước ngoặt khai sinh thương hiệu trà túi lọc Atiso Ngọc

 

Năm 1990, sau ba tháng nghỉ việc, ở nhà tự mày mò, nghiên cứu cách làm trà túi lọc Atiso, bà Lộc đã giới thiệu ra thị trường Đà Lạt trà túi lọc Atiso mang thương hiệu Ngọc Duy. Ban đầu, người Đà Lạt không quen sử dụng, nhưng với lợi thế thuận tiện, vệ sinh, trà túi lọc Atiso đã dần khiến nhiều người tiêu dùng ưa chuộng.

 

Bà trở thành người tiên phong trong việc tìm ra một sản phẩm mới làm từ Atiso, góp phần tạo thêm việc làm cho nhiều cơ sở sản xuất trà không chỉ ở Đà Lạt mà còn ở một số tỉnh, thành. Diện tích đất trồng cây Atiso được người nông dân Đà Lạt nhân rộng và xem đây là loại cây giúp họ làm giàu vào thời điểm đó.

* Từ một kế toán trưởng ở xí nghiệp dược bước sang sản xuất trà túi lọc Atiso, bà có thấy mình liều khi không hề có chút kinh nghiệm trong lĩnh vực này?

- Trước khi quyết định ra làm trà tôi đã có kinh nghiệm gần 20 năm làm việc tại Xí nghiệp Liên hiệp Dược Lâm Đồng. Giai đoạn đó, Xí nghiệp nhận lệnh của UBND tỉnh là phải quan tâm sản xuất trà Atiso để cung cấp cho người tiêu dùng trong nước và nhắm tới xuất khẩu. Dù làm kế toán trưởng nhưng tôi kiêm thêm nhiệm vụ theo dõi định mức trồng Atiso ở khu vực Thái Phiên (TP. Đà Lạt).

Mỗi vụ thu hoạch, Xí nghiệp chỉ mua lá Atiso tươi để sản xuất thuốc viên, hoa Atiso để xuất khẩu, còn thân và rễ không thu mua do có vị đắng. Nhìn hàng đống thân, rễ Atiso bỏ ngổn ngang, tôi thấy tiếc, nên cứ suy nghĩ mãi không lẽ cây dược liệu quý như vậy mà chỉ xài được lá và hoa thôi sao?

Và tôi đã nhờ các dược sĩ trong Xí nghiệp nghiên cứu giúp xem thân và rễ Atiso có tác dụng gì không. Khi biết được chúng cũng có tác dụng không thua gì lá và hoa, tôi bắt đầu nghĩ đến việc làm trà. Lúc này trên thị trường đã có trà túi lọc Lipton, nên tôi mới nghĩ đến việc bắt chước họ để làm trà túi lọc từ Atiso.

* Công việc được tiến hành ra sao, thưa bà?

- Do ban đầu còn mới mẻ nên mọi thứ đều làm bằng tay. Tôi xuống vườn Atiso ở Thái Phiên vác thân và rễ về nhà mày mò làm trà, mục tiêu đầu tiên là làm sao cho trà không bị đắng. Thử nghiệm không biết bao nhiêu lần, 3 tháng sau thì thành công. Rồi đến công đoạn tìm giấy gói trà.

Tìm khắp Đà Lạt, rồi Sài Gòn cũng không có loại giấy giống giấy gói trà Lipton, cuối cùng tôi phải nhờ một người bạn định cư ở Canada bay sang Pháp mua gửi về. Năm 1990, làm hộp, làm bao rất khổ chứ không như bây giờ, nên những người đi sau trong ngành này có nhiều cơ hội tiếp cận công nghệ và khỏe hơn người đi trước rất nhiều.

* Và thị trường đã phản ứng thế nào với trà túi lọc Atiso?

- Hàng không bán được. Lúc đó, người Đà Lạt chỉ quen dùng hoa Atiso sấy khô, không ai uống trà Atiso làm từ thân và rễ, mặc dù tôi đã tận dụng hết các mối quen biết với các nhà thuốc tại TP.HCM và Đà Lạt để nhờ bán giúp. Kết quả trà không bán được, họ cất chung với thuốc trong kho hóa chất nên lô hàng đầu tiên hỏng hết, bay sạch mười lăm triệu đồng vốn ban đầu.

Thế là chồng tôi không cho làm nữa, tôi cố gắng thuyết phục để thử vận may lần hai với cam kết nếu thất bại sẽ dẹp luôn. Rút kinh nghiệm lần trước, với số vốn 25 triệu đồng mượn từ người chị, tôi đầu tư bài bản hơn, lần này còn mời cả báo chí tham gia giới thiệu giúp. Tôi còn mạnh dạn cam kết thu mua thân và rễ Atiso cho dân.

May mắn lúc đó tôi có được đơn hàng của một khách hàng Đài Loan với số lượng 15.000 hộp trà túi lọc Atiso, giá 10.000 đồng/hộp, cao gấp 4 lần giá bán ở thị trường nội địa. Nhờ vậy tôi mới trả được nợ cũ lẫn nợ mới và có vốn để tái sản xuất trà với thương hiệu Ngọc Duy (tên con trai đầu lòng của tôi). Vị khách Đài Loan đó đến bây giờ vẫn là khách hàng của chúng tôi.

* Đạt kết quả như vậy, sau đó bà có thực hiện lời hứa sẽ mua nguyên liệu cho dân?

- Có chứ. Giai đoạn đó báo chí ca ngợi Ngọc Duy như là đơn vị tiên phong trong việc khai phá và tận dụng được rễ và thân Atiso. Rễ và thân Atiso không còn để cho bò ăn hay phơi khô làm củi nữa mà bắt đầu có giá, từ mức 2.500 đồng/kg tăng vọt lên 90.000 đồng/kg, thậm chí không còn nguyên liệu để thu mua, trà túi lọc Atiso làm ra không đủ bán.

Từ đó, tôi mở rộng việc đầu tư cho nông dân, cụ thể nông dân trồng bao nhiêu cây Atiso thì tôi căn cứ vào đó tính tiền giống, phân bón và thu mua hết. Tuy nhiên, thời điểm đó dân ký hợp đồng bán cho mình 100% nhưng cuối vụ chỉ giao 50%, còn 50% đem bán ra ngoài với nhiều lý do, chẳng hạn như năng suất không đạt.

Bị thua lỗ vì lý do này, rút kinh nghiệm, tôi thu mua theo giá thị trường. Vừa ổn định được nguyên liệu đầu vào thì thuế ập đến làm khó. Cũng may nhờ kinh nghiệm làm kế toán trưởng mấy mươi năm, tôi thuyết trình với UBND tỉnh Lâm Đồng về việc mình tiếp cận, khai thác và phát triển sản phẩm như thế nào nên tai qua nạn khỏi.

* Giai đoạn này Ngọc Duy đã có đối thủ chưa, thưa bà?

- Lúc chúng tôi làm sản phẩm này, ở Đà Lạt hầu như chưa có ai làm, mãi đến khi tôi chuyển qua nghiên cứu làm hai, ba công đoạn từ mỏ hàn, dập tay và cuối cùng là đặt máy móc một cách bài bản để sản xuất thì các doanh nghiệp sản xuất trà Atiso ở Đà Lạt mới bắt đầu ra đời. Khoảng năm 1997, có đến 52 đơn vị sản xuất nhỏ lẻ trà túi lọc Atiso.

Giai đoạn này mới thực sự là cuộc chiến giữa các doanh nghiệp về giá bán sản phẩm, chứ nguyên liệu thì không thiếu. Cụ thể, thấy giá trị kinh tế tăng cao, người dân ngày càng trồng nhiều Atiso, và trong khi Ngọc Duy mua thân Atiso với giá 135.000 đồng/kg thì các cơ sở khác mua cọng với giá 25.000 - 30.000 đồng/kg để trộn vào làm trà.

Hàng bán ra vì thế vàng thau lẫn lộn. Ngọc Duy suýt phá sản vì cạnh tranh không lại về giá, hàng bán không được. Song tôi không thể giảm giá sản phẩm vì điều này đồng nghĩa với làm giảm uy tín của Ngọc Duy. Cuối cùng tôi chấp nhận bù lỗ cho các đại lý, hàng mới lưu thông trở lại. Ở Sài Gòn tôi mất thị trường cũng vì lý do này. Lúc đó, có một xí nghiệp dược đề nghị hợp tác, nhưng do không có người quản lý nên tôi đã từ chối.

* Việc bù lỗ nếu kéo dài cũng không phải là giải pháp cho sự phát triển của Ngọc Duy, bà thấy có đúng không?

- Thật ra bù lỗ chỉ là giải pháp trước mắt, với thương hiệu đã gầy dựng, tôi xác định mình không thể chạy đua về giá mãi được. Và tôi tiếp tục ra thêm một sản phẩm mới làm từ bông Atiso với mức giá cao hơn, cùng với một số sản phẩm tách bạch: làm từ thân, rễ; làm từ bông; và làm từ thân, rễ, bông... Khi ra mắt sản phẩm mới này, tôi nhận được rất nhiều góp ý của bạn bè, khách hàng yêu quý tôi và quan tâm đến sản phẩm của tôi mà đến giờ tôi vẫn còn mang ơn những góp ý chân tình đó. Nhờ thế tôi mới có động lực bước tiếp.

* Những lúc căng thẳng, áp lực, bà làm thế nào để có thể tỉnh táo giải quyết mọi việc?

- Tôi học thiền, tính tới thời điểm này tôi đã tập thiền được hơn 20 năm. Nếu không có giải pháp này chắc tôi khó có được sự bình tĩnh, nghị lực cũng như sự sáng suốt để giải quyết công việc.

* Xin phép hỏi một câu tế nhị, hình như chồng và các con bà không thích việc kinh doanh của bà?

- Chồng tôi là một nhà giáo, thời điểm đó, sức khỏe ông ấy không được tốt, các con tôi lại đang đi học, nên mọi thứ tôi phải một mình cáng đáng. Mãi đến năm 2005, khi các con tôi chịu về giúp mẹ thì Công ty Ngọc Duy được thành lập.

* Được biết, năm 2005, Ngọc Duy đã xin cấp đất dự án để trồng Atiso nguyên liệu, đây có phải là lý do khiến bà mạnh dạn đầu tư?

- Nguyên nhân chính khiến tôi mạnh dạn đầu tư là do nhiều làng trồng Atiso đã chuyển sang trồng hoa (vì lợi ích kinh tế cao hơn), trong khi Ngọc Duy cần có nguồn nguyên liệu ổn định để sản xuất nên chúng tôi mới xin cấp đất dự án với tổng diện tích 84ha.

Trong đó, 30ha trồng Atiso đã được đưa vào sử dụng, 30ha xây dựng nhà nghỉ dưỡng (theo mô hình nghỉ dưỡng và tận dụng cây cối dược liệu thiên nhiên để xông, massage...), phần còn lại để phát triển vùng dược liệu (cỏ ngọt, diệp hạ châu, gừng...), vừa đáp ứng nhu cầu sản xuất của doanh nghiệp, vừa phục vụ nhu cầu của khu nhà nghỉ dưỡng.

* Ý tưởng về khu nhà nghỉ dưỡng khá hay nhưng có vẻ quá mạo hiểm trong giai đoạn hiện nay, bà nghĩ sao về vấn đề này?

- Việc xây dựng khu nhà nghỉ dưỡng phụ thuộc vào đối tác, tôi chỉ có đất, ý tưởng và vùng dược liệu. Nếu đối tác có hứng thú thì hai bên hợp tác phát triển theo hình thức bên góp tiền, bên góp đất. Tuy nhiên, việc tìm đối tác liên doanh chúng tôi cũng đang cân nhắc và ưu tiên cho các nhà đầu tư nước ngoài hơn, vì dù sao họ cũng có tính bền vững hơn nhiều nhà đầu tư trong nước.

* Điều gì khiến bà nảy sinh ý tưởng xây dựng khu vườn dược liệu?

- Hiện nay, người tiêu dùng đang có xu hướng quay về sử dụng những cây trái thiên nhiên để trị bệnh hơn là dùng thuốc tây y, nên tôi đã nảy sinh ý tưởng này.

Hiện Ngọc Duy đã có sản phẩm làm từ dược liệu thiên nhiên như: cao lỏng Atiso giúp mát gan, lợi tiểu, thông mật (dành cho những người bị bệnh vàng mắt, vàng da do gan, những người bị mụn, nám...), diệp hạ châu hay còn gọi là cây răng cửa (dành cho những người uống rượu nhiều, có tác dụng giải độc, hạn chế sự phát triển bệnh xơ gan), khổ qua dùng để chữa xơ gan.

Ngọc Duy cũng đang thử nghiệm phương án trồng thêm cây cỏ ngọt và diệp hạ châu nhằm tiến tới khép kín quy trình từ trồng cây nguyên liệu, rửa, sấy, xay, chuyển về nhà máy và cho ra thành phẩm. Ngoài ra, Ngọc Duy còn một phương án thứ hai là trồng dâu thủy sinh trong nhà vòm từ giống dâu New Zealand, đồng thời mở thêm hệ thống sản xuất những đặc sản của Đà Lạt như mứt dâu, mứt mận, mứt đào...

* Với gần 24 năm trên thương trường, bà có điều gì nhắn nhủ các con khi họ đang kế tục việc kinh doanh của bà?

- Trước đây, hầu như chỉ có mình tôi làm hết mọi việc, con cái không đứa nào chịu về phụ mẹ mà chỉ muốn ra làm riêng, nhưng qua nhiều lần thất bại nay cũng chịu về phụ gia đình. Nhìn lại từ thời mới thành lập, Ngọc Duy chỉ là một cơ sở nhỏ, đến nay, sau gần 24 năm phát triển, chúng tôi đã có đến 35 mặt hàng được bán trên toàn quốc và xuất khẩu sang thị trường các nước Nhật, Mỹ, Canada, Đài Loan, Mông Cổ, Lào, Campuchia...

Giờ Đà Lạt chỉ còn có 3, 4 doanh nghiệp trà làm ăn được, còn lại gần như bị khai tử, cho thấy việc kinh doanh không dễ để trụ vững. Nên điều tôi muốn nói với các con là dù làm bất cứ điều gì, trong kinh doanh cũng vậy, phương án chậm mà chắc xem ra vẫn hiệu quả đối với người mới bắt đầu.

* Cảm ơn bà về cuộc trò chuyện này!


Nguồn Doanh Nhân Sài Gòn
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo