“Chẩn bệnh” cứu doanh nghiệp
Theo Sở Khoa học - Công nghệ TP. Hồ Chí Minh, kết quả điều tra trên địa bàn thành phố từ năm 2008 đến nay cho thấy đa số doanh nghiệp gặp khó khăn về vốn và công nghệ. Trong đó, nhiều doanh nghiệp xác định vướng mắc lớn nhất là có đủ tiền nhập máy móc, thiết bị nhưng không có nhân lực đủ trình độ để vận hành máy móc, thiết bị đó cũng như cơ cấu tổ chức phù hợp.
Bên cạnh đó, hầu hết doanh nghiệp khi nói đến đổi mới công nghệ thường đánh đồng với mua sắm thiết bị đơn thuần, chưa có chiến lược đầu tư đổi mới công nghệ mang tính bền vững, lâu dài.
Tập trung vào những ngành mũi nhọn
Hiện đã có 24 doanh nghiệp đăng ký chương trình tái cấu trúc doanh nghiệp, trong đó có Tổng Công ty Công nghiệp Sài Gòn, Công ty cổ phần Dược phẩm Savi, Công ty TNHH MTV Dược Sài Gòn, Công ty cổ phần Kềm Nghĩa, Công ty Liksin… Ông Đỗ Nam Trung, Phó Phòng Quản lý công nghệ - Sở Khoa học - Công nghệ TP, cho biết: “Giai đoạn đầu, TP đã chọn Tổng Công ty Công nghiệp Sài Gòn để thí điểm, sau đó sẽ tổ chức đánh giá và nhân rộng mô hình sang những công ty khác”.
Hiện Sở Khoa học - Công nghệ TP đã tập hợp được gần 250 chuyên gia và 41 tổ chức chuyên cung cấp các dịch vụ tư vấn, đào tạo nhân lực và quản lý dự án, nghiên cứu thiết kế chuyển giao công nghệ để hỗ trợ doanh nghiệp tham gia chương trình này.
Đội ngũ chuyên gia là những người làm việc tại các trường đại học, viện nghiên cứu, các doanh nghiệp; có kiến thức chuyên môn, kinh nghiệm thực tế, hiểu đúng thực trạng và nhu cầu của doanh nghiệp. Nói cách khác, họ đóng vai trò như các “bác sĩ”, trực tiếp đến “khám” sức khỏe doanh nghiệp; tham gia tư vấn tái cấu trúc cho các doanh nghiệp, tư vấn năng suất chất lượng, đổi mới công nghệ, quản lý tiên tiến, sở hữu trí tuệ, tư vấn tài chính tín dụng, cung cấp thông tin thị trường, chuyển giao công nghệ mới… phù hợp với năng lực của từng doanh nghiệp.
Đại diện Sở Khoa học - Công nghệ TP cho biết thêm: Chương trình sẽ tập trung vào những ngành mũi nhọn, có giá trị gia tăng cao và hướng đến công nghệ cao như điện - điện tử, công nghệ thông tin, cơ khí chế tạo, chế biến tinh thực phẩm và dược phẩm.
Quy định đối tượng tham gia chương trình là doanh nghiệp có doanh thu không dưới 50 tỉ đồng/năm chỉ mang tính tương đối, sẽ được linh động điều chỉnh theo tình hình thực tế và nhu cầu doanh nghiệp. Chẳng hạn, phần lớn doanh nghiệp khoa học công nghệ là doanh nghiệp mới khởi nghiệp, có quy mô nhỏ và vừa, doanh thu chưa cao… nên sẽ có cơ chế hỗ trợ riêng.
Doanh nghiệp được hỗ trợ nhiều mặt
Trong các buổi làm việc về tái cấu trúc doanh nghiệp, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân TP. Hồ Chí Minh Lê Mạnh Hà khẳng định chủ trương của thành phố là sau khi bắt được “bệnh” của doanh nghiệp, thành phố sẽ hỗ trợ một phần để “chữa trị”, giúp doanh nghiệp tốt lên. Trước mắt, trong giai đoạn từ nay đến năm 2015, thành phố sẽ hỗ trợ chi phí “khám bệnh”, nếu doanh nghiệp có nhu cầu thì tiếp tục bắt tay với các chuyên gia để thực hiện tái cấu trúc, thành phố hỗ trợ thông qua quỹ hỗ trợ kích cầu, quỹ hỗ trợ đổi mới khoa học công nghệ…
Theo các doanh nghiệp - đối tượng trực tiếp được hưởng lợi từ chương trình, tái cấu trúc doanh nghiệp là cần thiết nhưng đây là vấn đề mang tính hệ thống, phải được thực hiện đồng bộ từ trên xuống.
Bà Lê Thị Thanh Lâm, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Sài Gòn Food (SG Food), cho biết công ty đang rất cần được hỗ trợ để thực hiện tái cấu trúc. Hiện SG Food phải thuê chuyên gia, tư vấn rà soát, cải cách lại hệ thống quản lý, đánh giá lại năng lực, xác lập lại mô hình tổ chức, chất lượng quản lý, phân công công việc…
Ông Nguyễn Văn Thọ, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Công nghiệp Sài Gòn, cho rằng không phải đợi đến lúc này mà từ nhiều năm nay, các doanh nghiệp đã thực hiện tái cấu trúc. Tuy nhiên, vì là hoạt động riêng lẻ của công ty nên chỉ dừng lại ở việc sắp xếp lại các nguồn nhân lực, tài lực, máy móc công nghệ… cho hợp lý.
End of content
Không có tin nào tiếp theo