"Chàng ết" cai nghiện thành... ông chủ
Một chiều muộn, gác lại sự ngổn ngang của công việc, Kiên tâm sự cùng tôi tại địa chỉ 15 đường Nguyễn Viết Xuân (TP Vinh) - nơi hợp tác xã do anh làm chủ nhiệm đứng chân. Lúc ấy, nắng ngoài sân vẫn còn le lói ẩn hiện nơi khuôn mặt sáng, đầy tự tin của anh!
Túm năm tụm ba hút hê-rô-in!
Đầu những năm 90 của thế kỷ trước, ma túy là cái gì đó "xa xỉ" luồn lách vào TP Vinh. Kiên bấy giờ đang học lớp 11. Xen kẽ những buổi đến trường là lúc Kiên tụ tập bạn bè đùa nghịch. Kiên đã bập vào nàng tiên nâu lúc nào không hay. Chàng trai trẻ mới 16 - 17 tuổi đê mê trong cơn hoan lạc từ làn khói thuốc.
Kiên cùng đám bạn trượt dài theo tệ nạn. Những buổi học với những cơn ngáp và buồn ngủ như căn bệnh kinh niên theo Kiên mỗi ngày đến trường. Kiên trở thành một chàng trai khác.
"Bấy giờ một tép (hê-rô-in) chỉ có vài chục ngàn đồng, dễ mua lắm. Lúc đó có ai biết hê-rô-in là cái gì đâu", "chàng ết Kiên" nhớ lại.
Ngồi bên tôi, Kiên nhỏ thó trong chiếc áo xanh. Nhớ về quá khứ khiến đôi mắt của Kiên như trũng sâu hơn thường lệ và buồn xa xăm!
"Nhiều lần đến nhà bạn bè lỡ thèm thuốc, cả nhóm lại kéo đến góc phòng. Tụm năm tụm ba bật lửa hít hê-rô-in. Trong khi bố mẹ ngồi uống nước ở bên cạnh có biết đâu. Cứ tưởng là đám học sinh chơi đùa thôi" - Kiên chua xót hay trách móc cho một thời ngu muội.
Cuối cùng thì nhà trường biết, bạn đồng môn hay, bố mẹ sốc, Kiên đã phải nghỉ học giữa chừng để ở nhà cai nghiện. Những tưởng, với tình yêu thương của người thân, Kiên sẽ đoạn tuyệt được với thuốc. "Lúc cắt cơn cứ nghĩ mình sẽ quyết tâm cai. Nhưng những khi lên cơn không chịu nổi lại thèm thuốc", Kiên chia sẻ.
Theo Kiên, bấy giờ môi trường xung quanh nhà rất dễ tìm thuốc, nên hễ bước chân ra khỏi nhà là có thuốc. Miễn là có tiền trong tay. Giờ ngồi đây, Kiên chẳng thể nhớ biết bao lần mẹ đã đổ lệ, bố đã vung roi, anh chị đã nói những lời ngon ngọt giúp Kiên cai nghiện. Nhưng mọi chuyện đều bất thành cho đến khi...
Phan Văn Kiên giờ là Chủ nhiệm Hợp tác xã Sông Lam Xanh. Nhóm hoạt động với mục đích kêu gọi quyền và lợi ích hợp pháp cho người có "H" và bị ảnh hưởng bởi HIV; Tăng cường sự tham gia hoạt động của người có "H" trong hoạt động xã hội có liên quan đến HIV/AIDS. |
Lên núi… "tu thuốc"!
Một sáng đẹp trời của gần 10 năm trước, người thân đưa Kiên lên nhà một người quen ở miền Tây xứ Nghệ với hy vọng con mình sẽ vượt qua tệ nạn. Lên rừng nhưng Kiên vẫn lén đem theo thuốc. Càng cai, càng nghiện nặng. Từ chỗ chỉ hút, hít đến khi chẳng thể đủ "đô", Kiên bắt đầu chích.
Kiên kể: "Nghiện quá không chịu được. Cứ có thuốc là chích thôi. Kim tiêm thì bạ đâu dùng đấy. Lúc ấy không nghĩ gì đến bị bệnh, cứ chích đại để cắt cơn". Sau những lần xắn ống áo tự chích thuốc vào ven sành điệu như một y tá tiêm thuốc cho bệnh nhân để rồi sướng ngất ngây ấy, Kiên có ngờ đâu tai họa đã ập xuống.
Sau khi lên rừng cai nghiện không thành công, Kiên lại được người thân đưa về nhà. Kiên sẽ cứ tuột dốc theo cơn phê nếu như không có ngày...
Một lần, Kiên nằm trong các đối tượng bắt buộc phải kiểm tra sức khoẻ. Kiên bị "ết". "Tôi đã lường trước mọi chuyện. Những không ngờ tai họa lại đến sớm thế". Dù đã xác định mọi sự sẽ đến nhưng Kiên vẫn như thân chuối đổ quỵ trong cơn bão lớn.
Phải rất lâu sau đó gia đình mới hay Kiên có "H". Mọi người sốc nhưng nhanh chóng vững tâm để giúp Kiên đứng vững. "Mình nghĩ phải cắt cơn thôi. Dẫu có chết cũng phải để cho người thân an lòng nên mình đã quyết tâm đi cai nghiện", Kiên nhớ lại.
Đêm mông lung, ánh trăng hất qua khe cửa sổ, Kiên gác tay lên trán nghĩ suy. Sáng bảnh mắt, Kiên mạnh dạn nói với bố mẹ: "Con sẽ đi cai nghiện". Sau đó, Kiên đi cai ở Trung tâm Giáo dục Lao động và Xã hội 3 (đóng ở huyện Nghi Lộc).
Chẳng ai ngờ, sau gần hai năm, Kiên đã cai nghiện thành công và trở về với gia đình. "Lúc ra trại cũng có đám bạn mời mọc dùng hàng nhưng mình đã quyết tâm rồi nên đã từ chối".
Chuyện của chúng tôi chợt chùng xuống: Lúc bấy giờ, những người mang căn bệnh "ết" như anh đối với mọi người là một cái gì đó rất ghê gớm! "Có lúc mình tặc lưỡi: Đằng nào cũng chết. Hút, hít nữa cũng thế mà sống cũng thế. Chi bằng làm bi cho sướng đã. Nhưng rồi chợt bình tâm lại nghĩ mình sống phải có ý nghĩa chứ nên thôi", Kiên nhớ lại.
Nụ cười "Kiên ết". |
Kiên nhanh chóng hòa nhập với cộng đồng. Những dự án phòng chống AIDS tại cộng đồng ở Nghệ An được anh tham gia đầy đủ. Năm 2008, khi mà nguồn kinh phí của một dự án phi Chính phủ nhằm hỗ trợ thuốc men cho những người có "H" bị cắt, Kiên nghĩ suy: Tại sao những người có "H" lại không tự sống bởi chính mình? Sao không nắm lấy tay nhau cùng sẻ chia vượt qua khó khăn?
Kiên quyết định sẽ vận động thành lập nhóm. Và cái tên "Sông Lam Xanh" là điều mà anh nghĩ tới đầu tiên. Nghĩ là làm, Kiên cùng đám bạn đi vận động mọi người tham gia. "Ngoài việc mình đi vận động từng người, mình còn phát tờ rơi để anh em tự đăng ký", Kiên nhớ lại.
Một ngày của tháng 10/2008, nhóm tự lực "Sông Lam Xanh" do Kiên làm trưởng đã ra mắt. Nhóm có sự tham gia của gần 30 thành viên có "H" trên địa bàn. Kiên phấn chấn hẳn rồi tâm sự: "Trước hôm phát giấy mời mọi người đến tham dự, trời mưa to lắm. Ngay cả sáng diễn ra lễ cũng mưa to. Vậy mà toàn bộ khách mời đã đến dự đông đủ".
"Khai sinh" xong, việc khó khăn nhất đối với Kiên và các thành viên có lẽ là đối diện với người thân của chính họ. "Khi được mình vận động, chia sẻ cách bảo vệ người có "H", những người thân của các bạn chẳng nghe mà còn nói: Nghe chi bọn "ết", đằng nào chẳng chết. Mình thấy rất chạnh lòng. Nhưng sau một thời gian nhóm hoạt động, việc kỳ thị đã vơi đi phần nào", Kiên chia sẻ.
Nhưng rồi Kiên lại nghĩ: Phải làm sao để các thành viên có thể sống bằng sức của mình. Không thể ăn bám được nên anh đã đi đến một quyết định táo bạo. Tháng 10/2011, nhóm của Kiên đã chuyển đổi thành Hợp tác xã Sông Lam Xanh. Đây là mô hình kinh doanh đầu tiên cho tập thể những người có "H" trên địa bàn tỉnh.
Chiều muộn hẳn. Tôi nắm lấy tay Kiên, bước ra khỏi cửa, mặt trời vẫn đỏ ối mạnh mẽ phía sau rặng cây xa. Anh có sợ mọi người biết mình bị "ết" không? Kiên cười hiền hậu như thể mọi thứ chẳng là gì khi thấy mình đã sống có ý nghĩa!
End of content
Không có tin nào tiếp theo