ADB giữ nguyên dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam
ADB: Các quốc gia mới nổi ở Đông Á đối mặt với tình hình tài chính suy yếu / ADB: Dự báo tăng trưởng của Việt Nam năm 2024 duy trì ở mức 6%
Trong báo cáo công bố ngày 17/7, ADB dự báo các nền kinh tế đang phát triển ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương sẽ tăng trưởng 5% trong năm nay, cao hơn so với mức 4,9% dự báo hồi tháng 4.
Trong năm 2023, khu vực này ghi nhận tăng trưởng 5,1%. Báo cáo lưu ý nhu cầu nội địa và xuất khẩu tăng trưởng mạnh mẽ hơn, đặc biệt đối với sản phẩm điện tử đã trở thành động lực thúc đẩy tăng trưởng nhanh của khu vực.
Tuy nhiên, ADB vẫn giữ mức dự báo tăng trưởng 4,9% đối với khu vực châu Á trong năm 2025 do lo ngại tác động của những biến động trên thế giới. Bao gồm sự không chắc chắn về đường lối hoạch định chính sách liên quan đến các cuộc bầu cử ở các nền kinh tế lớn, đặc biệt là ở Mỹ.
ADB nâng dự báo tăng trưởng kinh tế khu vực Đông Á trong năm 2024 lên mức 4,6%, so với dự báo 4,5% được đưa ra trước đó. Động lực tăng trưởng của khu vực này chủ yếu nhờ tăng trưởng xuất khẩu thiết bị bán dẫn và các mặt hàng điện tử khác vốn được thúc đẩy bởi sự bùng nổ của trí tuệ nhân tạo (AI).
Dự báo tăng trưởng đối với khu vực Đông Nam Á trong năm 2024 và 2025 lần lượt là 4,6% và 4,7%.
Chuyên gia Kinh tế trưởng của ADB, ông Alberk Park, chia sẻ: hầu hết châu Á và Thái Bình Dương đang chứng kiến tăng trưởng kinh tế nhanh hơn so với nửa cuối năm ngoái. Các yếu tố cơ bản của khu vực vẫn vững vàng, nhưng các nhà hoạch định chính sách cần lưu ý tới một số rủi ro có thể tác động tới triển vọng tăng trưởng.
Đó là từ sự không chắc chắn liên quan tới kết quả bầu cử tại các nền kinh tế chủ chốt tới những quyết định về lãi suất và những căng thẳng địa chính trị. Trong khi lạm phát đang giảm dần về mức trước đại dịch trong khu vực nói chung, áp lực giá cả vẫn cao tại một số nền kinh tế.
Lạm phát giá lương thực vẫn cao tại Nam Á, Đông Nam Á và Thái Bình Dương, một phần là do khí hậu bất lợi và những hạn chế xuất khẩu lương thực ở một số nền kinh tế.
Triển vọng của Ấn Độ, nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất khu vực cũng được giữ nguyên ở mức 7,0% trong năm tài khóa 2024. Ngành công nghiệp của Ấn Độ được dự báo tăng trưởng mạnh mẽ nhờ lĩnh vực sản xuất và nhu cầu xây dựng cao. Nông nghiệp dự kiến sẽ phục hồi trong bối cảnh dự báo lượng mưa trên mức trung bình, trong khi nhu cầu đầu tư vẫn mạnh, với đầu tư công có vai trò chủ đạo.
Đối với Trung Quốc, ngân hàng này duy trì mức dự báo tăng trưởng 4,8% và 4,5% lần lượt cho năm 2024 và 2025, do lo ngại rủi ro trên thị trường bất động sản Trung Quốc có thể tác động đối với triển vọng tăng trưởng của nước này.
Theo báo cáo, tỷ lệ lạm phát ở các nền kinh tế đang phát triển châu Á trong năm 2024 được dự báo là 2,9%. Con số này giảm so với mức 3,3% vào năm ngoái, song có thể tăng lên mức 3% vào năm 2025.
Định chế tài chính này cũng lưu ý tình hình lãi suất của Mỹ và các nền kinh tế phát triển khác trên thế giới sẽ tiếp tục chi phối triển vọng tăng trưởng kinh tế thế giới. Trong đó, những yếu tố liên quan đến kết quả bầu cử Mỹ, xung đột và căng thẳng địa chính trị gia tăng, sự phân mảnh thương mại và các sự kiện thời tiết cực đoan có thể tác động tiêu cực đến tăng trưởng.
Dự báo triển vọng tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2024 và 2025 được ADB giữ nguyên, lần lượt ở mức 6,0% và 6,2%, với kết quả tăng trưởng tích cực trong nửa đầu năm 2024. Tuy nhiên, khu vực chế biến chế tạo liên quan đến thương mại – một trong những động lực phục hồi chủ yếu – dự kiến sẽ chậm lại trong thời gian tới.
Lạm phát của Việt Nam được dự báo sẽ ổn định ở mức 4,0% trong hai năm 2024 và 2025.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống ngành Điện lực Việt Nam (21/12/1954 - 21/12/2024)
Quyết liệt và toàn diện hơn trong tái thiết, phục hồi sau thiên tai
Căn hộ dịch vụ cho thuê thu hút sự chú ý lớn từ các nhà đầu tư
Những dấu ấn nổi bật ngành công thương năm 2024
Giá heo hơi ngày 24/12/2024: Lập đỉnh mới tại miền Bắc, cả ba miền tiếp tục tăng
Giá nông sản ngày 24/12/2024: Cà phê giảm 500 đồng/kg, hồ tiêu đi xuống 1.000 đồng/kg