Thị trường

“Chạy nước rút” tranh suất xuất khẩu gạo

Chỉ còn 20 suất cho 70 doanh nghiệp muốn có giấy phép xuất khẩu gạo mới theo Nghị định 109/2010.

Trong tổng số 153 doanh nghiệp nội địa được cấp giấy phép xuất khẩu gạo, khoảng 80 doanh nghiệp có giấy phép năm năm, nghĩa là các doanh nghiệp này đã đạt các điều kiện xuất khẩu gạo gồm sở hữu kho chứa thóc trên 5.000 tấn, cơ sở xay xát công suất tối thiểu 10 tấn/giờ (số liệu của Hiệp hội Lương thực Việt Nam).

 

Như vậy, với giới hạn 100 doanh nghiệp được Bộ Công Thương cấp phép lần này thì hơn 70 doanh nghiệp còn lại (chỉ mới có giấy phép một năm, đang đi thuê kho, nhà máy…) chưa đáp ứng đủ điều kiện. Họ phải tranh thủ “chạy nước rút” về đích trước ngày 1/10/2012 để giành 20 suất còn lại.

 

Trước giờ G

 

Đại diện Công ty CP Xuất Nhập khẩu Đồng Tháp Mười chia sẻ: “Nếu tự xây kho phải tốn 20-30 tỉ đồng nên chúng tôi đàm phán mua lại từ đơn vị cho thuê. Riêng phần nhà máy xay xát, lau bóng cần vốn đầu tư 10 tỉ đồng, tiết kiệm lắm cũng phải tốn 5-6 tỉ đồng. Hiện công ty chỉ còn lo khâu gắn thiết bị máy móc nữa là xong, hy vọng kịp thời gian để được cấp giấy phép”.

 

Sốt ruột chẳng kém, ông Nguyễn Anh Phong, Giám đốc Công ty Nông sản Thực phẩm Tiền Giang, cho biết: “Trước đây doanh nghiệp thuê máy sấy nên bây giờ đang lo kiếm tiền mua máy để chứng minh quyền sở hữu theo đúng quy định. Doanh nghiệp nào đầu tư từ trước thì đỡ tốn kém hơn, còn đối với nhiều doanh nghiệp khác, thời hạn một năm để lo giấy tờ, thủ tục, lo khâu đấu thầu mua đất xây kho kiểu “hành là chính” của nước ta thì không thể kịp. Riêng thủ tục xin đất, giấy phép xây dựng kho, nhà máy chắc phải 2-3 năm mới xong”.

 

 

Ngoài việc chia sẻ thông tin doanh nghiệp nhờ chú trọng đầu tư từ đầu nên vẫn có thể kịp thời hạn cấp giấy phép mới, hiện đang lo làm giấy tờ chứng nhận quyền sở hữu nhà máy xay xát, chà bóng.

 

Ông Lâm Anh Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH Lương thực Thịnh Phát (Bến Tre), còn cho biết: “Để dồn sức cho “cuộc chạy đua” này, với số vốn ít ỏi, lại rơi vào thời điểm kinh tế khủng hoảng, xuất khẩu bế tắc, hầu hết các doanh nghiệp nhỏ và vừa chỉ còn nước “gặm” vốn hoặc “đâm đầu” vay, gánh nợ để mua kho, nhà máy”.

 

Có doanh nghiệp chia sẻ từ nay đóng cửa xuất khẩu vì không đủ khả năng tài chính lo hai điều kiện nặng nhất là nhà máy và kho.

 

“Đông thầy rầy ma”

 

Mặc dù vậy, ông Nguyễn Anh Phong và đại diện nhiều doanh nghiệp chưa có giấy phép xuất khẩu gạo thời hạn năm năm vẫn cho rằng việc giới hạn số lượng doanh nghiệp được cấp phép xuống con số 100 là hoàn toàn hợp lý. “Đông thầy rầy ma. Nhiều doanh nghiệp, thương lái thì thị trường khó kiểm soát, kéo theo giá gạo xuất khẩu xuống thấp” - ông nói.

 

Đồng tình với ông Phong, GS Võ Tòng Xuân cho biết thu hẹp đầu mối xuất khẩu gạo sẽ cắt bỏ nhiều tầng lớp trung gian gây rối thị trường. Trước hết điều này sẽ chấm dứt việc thương lái cũng có thể xuất khẩu, loại bỏ những doanh nghiệp năng lực kém. Nhiều doanh nghiệp mạnh liên kết chung sức với nhau sẽ thống nhất được việc kiểm soát mức giá xuất khẩu, chất lượng gạo tốt hơn.

 

Theo ông Nguyễn Thành Biên, Thứ trưởng Bộ Công Thương, trong 153 doanh nghiệp có giấy phép có tới 34 doanh nghiệp chưa từng tham gia xuất khẩu gạo trực tiếp trong ba năm qua. Trong đó có nhiều doanh nghiệp làm lĩnh vực khác nhưng năm ngoái thấy gạo xuất khẩu mạnh nên cũng đổ tiền đầu tư xuất khẩu gạo.

 

Năm nay, xuất khẩu gạo gặp khó, nhiều doanh nghiệp trong số này chỉ xuất khẩu lấy lệ chừng vài chục tấn rồi ngưng để “lách” một quy định trong Nghị định 109 là thương nhân không xuất khẩu gạo trong thời gian 12 tháng liên tục sẽ bị thu hồi giấy chứng nhận.

 

“Kiểu xuất khẩu đó không đóng góp gì cho xuất khẩu gạo Việt Nam, không mang lại lợi ích cho người trồng lúa, có khi còn làm rối thị trường xuất khẩu gạo” - ông nhận xét.

 

“Nếu không có kho, nhà máy thì liên kết với những doanh nghiệp đã xuất khẩu làm cung ứng nguyên liệu, chuyên về xay xát hoặc sấy, chà bóng… chứ hao công, tổn sức chạy đua làm chi cho thiệt thân. Khi nào đủ tiềm lực thì xuất khẩu cũng chưa muộn” - ông Trương Thanh Phong, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam, nói thêm.

 

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản cũng kiến nghị giảm giới hạn từ 200 doanh nghiệp xuất khẩu cá tra như hiện nay xuống còn 65 doanh nghiệp. Chứng tỏ việc giảm đầu mối xuất khẩu gạo là đúng đắn, hợp lòng đa số doanh nghiệp.

Ông LÂM ANH TUẤN,
Giám đốc Công ty TNHH Lương thực Thịnh Phát

 

 

Theo Pháp luật TP.HCM

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo