'Chờ Hoàng Sa lặng sóng cha về gặp con'
Đó câu chuyện của những cảnh sát biển, kiểm ngư viên đang tạm gác những hạnh phúc đời thường, có mặt nơi đầu sóng ngọn gió vì nhiệm vụ thiêng liêng: bảo vệ Tổ quốc, biển đảo quê hương…
Mong con là rồng bảo vệ biển quê hương
Anh Nguyễn Hải Đại, 30 tuổi, quê Thái Bình, thuyền phó tàu Kiểm ngư 635 gần 3 năm nay bám biển khu vực Tây Nam và Nam của đảo Tri Tôn thuộc quần đảo Hoàng Sa nói: “cái tên mình như vận mệnh cuộc đời rồi”.
Đại tâm sự: "mình là con một trong nhà, lại gắn bó với nghề đi biển, chỉ lo bố mẹ buồn, vất vả. Nhưng gia đình có truyền thống Cách mạng, cha mẹ rất ủng hộ, động viên là phận trai phải vì vận nước, vì Tổ quốc...nên mình rất phấn khởi, yên tâm lên đường".
Dưới đêm trăng của Hoàng Sa mùa sóng gió, Đại kể về gia đình: "3 cái Tết rồi mình chưa có mặt ở nhà. Chuyến này, mình đi từ 27 tết âm lịch đến giờ, chưa biết khi nào có dịp về… .
Phải đấu tranh, buộc Trung Quốc rút giàn khoan thì anh em như tụi mình mới nhẹ lòng, khi đó mình sẽ “lướt sóng” về với vợ con; chỉ ước đến ngày đó được nhìn đứa con trai bé bỏng chào đời đang ngủ ngon giấc, đó là hạnh phúc tột cùng của cuộc đời rồi...".
Đại kể, làm nghề đi biển, nhiều anh em rất khó khăn trong việc lập gia đình. Cái may của anh là vợ anh bây giờ, chị Phạm Thị Liên, là em gái của một người bạn thân từ thời cấp ba và cuối năm 2011, hai người nên duyên.
"Cô ấy hi sinh vì mình nhiều. Mình đi biển hiếm có dịp về nhà, sinh con gái đầu lòng cô ấy vượt cạn một mình, rồi một tay cáng đáng tất cả việc nhà, nuôi dạy con. Nghĩ mà thương vợ con, nhưng chẳng biết làm gì được hơn lúc này…" - thuyền phó Nguyễn Hải Đại trải lòng.
Được biết, chị Liên trước đây là giáo viên toán cấp 2. Gần đây chị đang xin chuyển công tác về TP. Hải Phòng.
Lúc trò chuyện với tôi, Đại khoe, chỉ vài ngày nữa, vợ anh sinh đứa thứ 2 mà Đại quả quyết: “vợ mình báo là con trai”.
Anh nói: "Mình và vợ quyết định sẽ đặt tên cháu là Nguyễn Hải Long". Tôi hỏi về ý nghĩa cái tên này? Đại phấn khích: "Cái tên Hải Đại của mình, nó “vận” vào cuộc đời mình, gắn với biển cả bao la rồi. Đặt tên con là Hải Long, như mơ ước của mình là con rồng vùng vẫy trên biển Đông, bảo vệ biển đảo quê hương mãi thanh bình".
Rồi Đại hồn nhiên: "Với mình, giờ chỉ ước chạy ào về ôm vợ con vào lòng, được nhìn đứa con bé bỏng đang ngủ say. Chỉ như thế là mãn nguyện cuộc đời. Nhưng có lẽ khi nào biển đảo quê hương thanh bình, Trung Quốc rút giàn khoan, ước mơ này mới được trọn vẹn…".
Nghe con chào đời, hét ầm giữa Hoàng Sa
Những ngày tác nghiệp ở Hoàng Sa, tôi còn gặp một người lính biển khác, đang vui mừng khôn tả khi hay tin con trai đầu lòng của mình chào đời.
Cũng như thuyền phó Nguyễn Hải Đại, người cha ấy, là thiếu uý Nguyễn Xuân Hưng, quê Thanh Hoá, có gần 4 năm gắn bó với tàu Cảnh sát biển 4033 và sẽ đấu tranh đến khi nào Trung Quốc rút giàn khoan mới về...
Kể chuyện vợ con, Hưng còn phấn khích bởi niềm vui làm cha. Anh tâm sự, vợ Hoàng Thị Hồng, là em ruột của 1 người đồng nghiệp với Hưng, hiện đang công tác tại tàu Cảnh sát biển 2016.
Từ những lần đồng nghiệp nhờ gửi quà về nhà, mà Hưng gặp, quen biết và cuối năm 2012 đã nên duyên chồng vợ với chị Hồng.
Dưới cơn sóng chòng chành vỗ vào mạn tàu giữa biển Hoàng Sa, thiếu úy Hưng hồ hởi: “Mình nhận tin con trai vừa chào đời cách đây 4 ngày, cũng thông qua một người bạn trên 1 con tàu khác ra Hoàng Sa. Mình vui không thể tả, đã bật khóc và hét ầm lên giữa Hoàng Sa mênh mông này. Chỉ huy, anh em trên tàu chúc mừng mà nước mắt cứ rơi dài”.
Vợ sinh con đầu lòng nhưng 2 ngày sau Hưng mới biết. Thế nhưng phải vài ngày sau nữa, nhờ điện thoại vệ tinh anh mới gọi được một cuộc điện thoại về nhà.
Và còn rất nhiều câu chuyện kể về…đất liền của chiến sĩ ở Hoàng Sa. Đó là câu chuyện của thượng uý Lê Trung Thành – thuyền trưởng tàu Cảnh sát biển 4033: “Con mình nay đã 21 tháng tuổi rồi. Từ khi con sinh đến nay, mình có ba lần về thăm nhà, mỗi lần ghé chỉ 1 – 2 ngày rồi lại lên đường ra biển. Mỗi lần bế con thì con khóc. Có lẽ nó không quen hơi”.
Vietnamnet
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo