"Có lobby đen trong ban hành văn bản quy phạm pháp luật"
TS Lê Hồng Sơn - Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản (KTVB) - Bộ Tư pháp đã chia sẻ cùng báo Đất Việt nhân sự kiện 10 năm thành lập Cục KTVB.
TS Lê Hồng Sơn - Cục Kiểm tra văn bản, Bộ Tư pháp
10 năm xử lý 50.000 văn bản quy phạm pháp luật sai
Thưa ông, sau 10 năm hoạt động, Cục KTVB đã kiểm tra và xử lý bao nhiêu văn bản QPPL? Nguyên nhân là gì, thưa ông?
Sau 10 năm thành lập Cục KTVB, nếu tính trong toàn quốc các cơ quan KTVB cả nước đã tiếp nhận, kiểm tra trên 1,7 triệu văn bản, phát hiện hơn 50.000 văn bản sai trái và đã xử lý ở các mức độ khác nhau. Riêng Cục KTVB đã tiếp nhận, kiểm tra trên 27.000 văn bản. Đã phát hiện trên 4.800 văn bản sai trái và đã xử lý ở các mức độ khác nhau.
Theo quy định của Chính phủ, kiểm tra để phát hiện 4 nhóm vấn đề cơ bản trong văn bản QPPL đó là: căn cứ pháp lý; thẩm quyền ban hành văn bản (thẩm quyền nội dung và thẩm quyền hình thức); Sự phù hợp với văn bản cấp trên; câu chữ, ngôn ngữ pháp lý, thủ tục, trình tự soạn thảo văn bản.
10 năm kiểm tra, thấy rằng cả 4 nhóm vấn đề cơ bản đều có sai trong các văn bản của Bộ, ngành và địa phương. Đáng chú ý và quan trọng nhất là văn bản ban hành sai thẩm quyền nội dung, thẩm quyền hình thức cũng như đưa ra những quy định trái với văn bản cấp trên.
Tình trạng này có nhiều nguyên nhân, có những nguyên nhân khách quan và các quan hệ xã hội ngày càng phát triển; điều chỉnh pháp luật ngày càng đi vào chiều sâu, do đó việc đưa ra các quy định phù hợp không dễ dàng chút nào.
Xét về mặt chủ quan có thể dễ dàng nhận thấy một chuỗi nguyên nhân như: trình độ của người tham gia soạn thảo ban hành văn bản không đáp ứng yêu cầu; quy trình soạn thảo không được tuân thủ nghiêm túc; nhận thức và tâm lý chủ quan coi nhẹ công tác này; nhiều lúc người đứng đầu khoán trắng cho cấp dưới, cho chuyên viên thiếu sự quan tâm đúng mức.
Xen vào đó là các yếu tố tiêu cực của xã hội tác động vào quá trình soạn thảo văn bản ở các mức độ khác nhau cũng có thể coi là một nguyên nhân như: lợi ích cục bộ, lợi ích nhóm, ngành. Cũng không loại trừ có tiêu cực tham nhũng chi phối ở đây (mà tôi hay gọi là lobby đen).
Nếu không nói một nguyên nhân nữa thì cũng là một thiếu sót: cơ chế kiểm tra phát hiện nội dung sai trái của văn bản ngày càng được hoàn thiện. Tính chuyên nghiệp được nâng cao hơn do đó dễ hiểu là kết quả phát hiện ngày càng tốt hơn so với trước.
Nếu nhìn từ góc độ xã hội, sự quan tâm vào cuộc của báo chí, các phương tiện thông tin đại chúng đối với những văn bản sai trái mà chúng tôi phát hiện và xử lý cũng dễ gây một cảm nhận là hình như văn bản sai nhiều hơn và nặng nề hơn.
Văn bản quy phạm sai nhưng khó xử lý nhất mà ông đã từng phải xử lý là gì? Ông có phải chịu áp lực hay sự tác động nào không, thưa ông?
Câu chuyện về xử lý văn bản thì nhiều. Thời gian đầu, có Bộ trưởng, chủ tịch tỉnh còn hỏi “ông Sơn là ông nào mà dám xử lý văn bản của tớ”.
Rất nhiều lần khi chúng tôi đang kiến nghị xử lý văn bản thì lập tức lãnh đạo bộ hoặc địa phương gọi điện cho lãnh đạo Bộ Tư pháp để trình bày, nói lý.
Cũng có trường hợp “cãi chày, cãi cối” mất nhiều tháng mới chịu xử lý đúng theo yêu cầu của chúng tôi. Có đồng chí lãnh đạo phải mất ăn, mất ngủ do bị sụt cân trong quá trình chúng tôi xử lý văn bản mà đồng chí đó ban hành.
Cũng nhiều khi, tôi thấy rất phiền lòng, tâm tư khi phải thuyết phục ngay cả trong lãnh đạo Bộ Tư pháp về nội dung trái pháp luật mà chúng tôi nêu.
Có trường hợp tôi phải yêu cầu lãnh đạo địa phương mở bản đồ để chấm cho tôi nội thành, nội thị của địa phương là chỗ nào để thấy rằng việc cấm vận chuyện gia súc, gia cầm, sản phẩm của gia súc, gia cầm vào nội thành, nội thị gây tác hại như thế nào, ngăn cản, vận chuyển hàng hóa của người dân như thế nào.
Cũng có trường hợp tôi phải nói thẳng đồng chí đã tham mưu cho lãnh đạo ký văn bản có nội dung sai trái rằng: Nếu những quy định về tiêu chuẩn này được ban hành thì bản thân đồng chí cũng không vượt qua được khi đi khám sức khỏe, không đủ điều kiện để điều khiển xe máy “ngực lép, chân ngắn”.
Đối với những nội dung này, thái độ của cơ quan kiểm tra là yêu cầu kịp thời xử lý, không để các nội dung sai trái đó tồn tại gây hậu quả cho xã hội.
Là người chịu trách nhiệm công tác hậu kiểm, đương nhiên tôi phải kiên trì, nêu lý lẽ đủ sức thuyết phục. Ví dụ khi xử lý Quy định của Đà Nẵng về hạn chế nhập cư vào nội thành. Tôi đã phải thuyết phục ngay cả lãnh đạo của chúng tôi: Nếu ĐN cứ vin vào thực tiễn địa phương để làm trái Luật Cư trú thì ĐN cũng có thể vin vào thực tế địa phương làm trái các luật khác khi áp dụng tại ĐN.
Khi đó, ĐN thành thế nào? có phải là một “quốc gia” riêng không? Nếu chúng ta chấp thuận để ĐN đặt ra tiêu chuẩn trái với Luật Cư trú, 62 tỉnh thành khác cũng sẽ thực hiện được. Khi đó, Luật Cư trú còn có không gian để tồn tại không?
Khi đó, nội dung sai trái tại Nghị quyết 23 của DN mới được kiên quyết, yêu cầu xử lý.
Không nghiêm sẽ "loạn"
Trong 10 năm, áp lực có, tác động có, khó khăn có. Vậy, đã khi nào ông từng nghĩ tới việc “cáo quan ở ẩn”?
Khi kết quả công việc của mình được dư luận ghi nhận, đồng tình, hoan nghênh thì đó là niềm vui xen lẫn tự hào.
10 năm chưa có trường hợp nào khi chúng tôi phát hiện yêu cầu và xử lý không chính xác. Chỉ có quá trình tranh luận nhiều hay ít, xử lý nhanh hay chậm. Tôi coi đó là phần thưởng cho sự cố gắng, toàn tâm, toàn ý vì công việc của mình.
Dù nhiều lúc cũng buồn, tâm tư, bức xúc khi thấy những văn bản sai gây hậu quả cho xã hội cho công dân mà vẫn được ban hành. Cũng có khi là vì công việc khó khăn, động chạm quá, phải chịu nhiều áp lực quá nhưng đã là công việc, là trách nhiệm thì dù ở hoàn cảnh nào cũng phải thực hiện cho tốt.
“Cáo quan ở ẩn” là sự lựa chọn của người xưa. Đây là công việc phù hợp với tôi, việc tôi làm được dư luận, xã hội ghi nhận thì tại sao tôi lại từ chối.
Tôi cũng phải cảm ơn tiếng nói của dư luận, sự vào cuộc kịp thời của các cơ quan báo chí, truyền thông. Sự đồng hành của các cơ quan báo chí chính là kết quả Cục KTVB đã đạt được hôm nay.
Một câu hỏi vui, người ta nói, "bói ra ma, quét nhà ra rác" ông có thấy ứng với công việc ông đang làm hay không? Tại sao?
Có ý đúng. Vì phạm vi, nội dung kiểm tra một văn bản QPPL nói nôm na là toàn diện kể cả nội dung lẫn thể thức của văn bản. Cũng giống như “đãi gạo nhặt sạn”.
Vấn đề quan trọng là khi chỉ đạo công tác kiểm tra, những nội dung sai trái cơ bản cần phải được phát hiện kịp thời và xử lý kiên quyết như đã nói ở trên đó là văn bản trái thẩm quyền hoặc văn bản có nội dung trái với quy định của cấp trên.
Cái này phải nghiêm nếu không sẽ “loạn”. Pháp chế không được tuân thủ, kỷ luật, kỷ cương bị vi phạm. Cá biệt có những trường hợp xâm phạm đến cả quyền, lợi ích cơ bản của tổ chức, công dân.
Thực tiễn đã chỉ rất nhiều trường hợp vi phạm như: Văn hóa - Thể thao và Du lịch ban hành cấm học sinh, sinh viên các trường văn hóa - nghệ thuật biểu diễn, tham gia biểu diễn tại các quán bar, vũ trường, quán karaoke… giúp "cởi trói" cho hàng vạn học sinh, sinh viên các trường văn hóa - nghệ thuật.
Quy định việc xử lý đối với “Người nghiện ma túy, người tái nghiện ma túy và người sử dụng trái phép chất ma túy” đã đưa cả "người sử dụng trái phép chất ma túy” (mặc dù chưa được xác định có nghiện ma túy hay không).
Quy định: “cấm vận chuyển gia súc, gia cầm và sản phẩm gia súc, gia cầm trên xe máy, xích lô, xe đạp hoặc các phương tiện thô sơ khác” hay quy định "xe chính chủ"...
Xin cảm ơn ông!
End of content
Không có tin nào tiếp theo