Chứng khoán

"Con nhện" chứng khoán Việt manh nha ra đời

Việc hình thành các sản phẩm mới trên TTCK là một diễn tiến tất yếu, phản ánh mức độ phát triển chiều sâu của thị trường.

“Con nhện” Việt Nam manh nha ra đời

Đối với dân tài chính, nói “Con nhện” thì họ biết ngay đó là quỹ đầu tư chỉ số (hay quỹ hoán đổi danh mục - ETF). Chuyện là 21 năm trước, State Street, tập đoàn chuyên cung cấp các dịch vụ tài chính của Mỹ, đã cho ra mắt quỹ ETF mô phỏng chỉ số S&P 500. Do mã chứng khoán của nó là SPDR, gần giống với từ “SPIDER” trong tiếng Anh, nên “Con nhện” từ đó trở thành tên gọi của loại sản phẩm này.

Dù đây không phải là quỹ chỉ số đầu tiên trên thế giới, nhưng “Con nhện” đã mau chóng trở thành mô hình mẫu cho một ngành mà hiện đang quản lý tài sản hàng ngàn tỷ USD.

Theo thông tin được bà Lương Thị Mỹ Hạnh, Phó tổng giám đốc Công ty Quản lý Quỹ Việt Nam (VFM), chia sẻ tại Hội thảo “Cơ hội đầu tư vào các sản phẩm mới của TTCK Việt Nam” do Báo Đầu tư phối hợp với CTCK Dầu khí (PSI) tổ chức ngày 25/3 tại TP. HCM, cứ 2 - 3 năm thì số lượng các quỹ ETF trên thế giới cũng như tài sản do các quỹ này quản lý lại tăng gấp đôi.

Tại Việt Nam, ETF cũng đã manh nha hình thành. Trong phần phát biểu khai mạc, TS. Nguyễn Anh Tuấn, Tổng biên tập Báo Đầu tư, nói: “Nếu như trên thế giới, ETF ngày càng chiếm ưu thế bởi tính ưu việt của nó so với các loại quỹ thông thường, thì tại Việt Nam, đây cũng là sản phẩm được kỳ vọng sẽ tạo ra sự thay đổi căn bản trong cách thức đầu tư của công chúng trong một vài năm tới”.

Cách đây hơn một tuần, VFM đã nộp hồ sơ lên Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước xin phép phát hành chứng chỉ quỹ ra công chúng để thành lập quỹ ETF. Quỹ này mô phỏng chỉ số VN30 của Sở GDCK TP. HCM và chứng chỉ quỹ của nó cũng sẽ được niêm yết tại đây. Hy vọng, “Con nhện” này cũng sẽ là mô hình mẫu cho nhiều quỹ ETF khác của Việt Nam sau này.

Hình thức đầu tư thụ động này rất phổ biến trên thế giới. Các quỹ chỉ cần mô phỏng một chỉ số nào đó nếu kỳ vọng suất sinh lợi của danh mục tương đương với mức tăng trưởng của chỉ số tham chiếu. Vấn đề là phải có các chỉ số để các quỹ này mô phỏng.

Hiện nay, ngoài 2 chỉ số chính là VN-Index và HNX-Index, các Sở GDCK TP. HCM và Hà Nội cũng đã lập ra một loạt chỉ số cho từng phân khúc cổ phiếu khác nhau như VN30, VNMidcap, VNSmallcap, VN100, VNAllshare, HNX30, HNX-FF, HNX-Largecap, HNX-Midcap…

Từ năm 2011, PSI và Intelligent Financial Research & Consulting (IFRC) cũng đã bắt tay xây dựng bộ chỉ số PVN-Index với thành phần là các DN trong ngành dầu khí đang niêm yết và giao dịch trên sàn chứng khoán. PVN-Index gồm 2 nhóm là chỉ số đại diện và chỉ số đầu tư với năm khởi điểm là 2008.

Nhóm chỉ số đại diện một lần nữa được phân thành các chỉ số thị trường (PVNAllshare, PVNAllshare Continuous, PVNAllshare HSX, PVNAllshare HNX) và các chỉ số ngành (dầu khí, vật liệu cơ bản, tài chính, công nghiệp, dịch vụ tiêu dùng, dịch vụ tiện ích).

Còn chỉ số đầu tư, hay còn gọi là PVN10, gồm 10 mã cổ phiếu có giá trị vốn hoá tự do giao dịch và giá trị giao dịch lớn nhất trên 2 Sở GDCK TP. HCM và Hà Nội. Đó là PVS, PVD, GAS, DPM, PVX, PVT, PGD, PET, PGS và PXS.

Ông Phạm Quang Huy, Tổng giám đốc PSI cho biết, năm 2013, PVN10 đã tăng đến 55,8%. Giá trị vốn hoá của PVN10 đến cuối tháng 2/2014 là xấp xỉ 50.000 tỷ đồng, chiếm 13% vốn hóa toàn thị trường. Giá trị giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài tại PVN10 từ đầu năm 2013 đến cuối tháng 2/2014 là 13.614 tỷ đồng, chiếm 13,62% toàn thị trường.

PVN-Index được xây dựng theo chuẩn mực phân ngành quốc tế. Nhà đầu tư nước ngoài dễ dàng so sánh cổ phiếu dầu khí Việt Nam với các cổ phiếu cùng ngành ở các thị trường khác hay so sánh cổ phiếu riêng ngành này với cổ phiếu các ngành khác hoặc với toàn thị trường. Những người lập ra PVN-Index còn mong muốn các nhà đầu tư tổ chức, đặc biệt là các quỹ, có thể mô phỏng nó để xây dựng những danh mục chuyên đầu tư vào cổ phiếu ngành dầu khí.

Dù PVN-Index xuất hiện trên thị trường từ tháng 8/2012, nhưng đến nay vẫn chưa có ứng dụng nào được phát triển dựa trên bộ chỉ số này. Công ty Quản lý Quỹ Dầu khí (PVFC Capital) cho biết có ý định thành lập ETF tham chiếu PVN10, nhưng do khung pháp lý cho loại hình ETF là Thông tư 229/2012/TT-BTC mới chỉ cho phép ETF được mô phỏng các chỉ số do 2 Sở cung cấp; việc mô phỏng các chỉ số do các đơn vị khác xây dựng thì chưa được phép. Vì hạn chế này, PVFC Capital đã quyết định sẽ lập quỹ mở đầu tư vào rổ PVN10 với quy mô ban đầu dự kiến là 100 tỷ đồng.

Sẽ còn sâu hơn

Thị trường cổ phiếu đã hình thành và phát triển hơn 13 năm với hàng trăm loại cổ phiếu và chứng chỉ quỹ. Các chỉ số cổ phiếu cũng đã có. Cùng với nền tảng một thị trường trái phiếu chính phủ chuyên biệt, tài sản cơ sở cho chứng khoán phái sinh đang có nhiều lựa chọn.

TS. Nguyễn Sơn, Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước, nói: “Các công cụ phái sinh trên chỉ số chứng khoán đã và đang là xu hướng lựa chọn, xu hướng phát triển của thị trường phái sinh thế giới. Thống kê từ nhiều quốc gia trên thế giới cũng cho thấy công cụ phái sinh trên chỉ số chứng khoán là một lựa chọn ưu tiên, làm sản phẩm nền móng cho việc xây dựng TTCK phái sinh tại nhiều quốc gia”.

Vừa qua, Thủ tướng đã phê duyệt Đề án xây dựng và phát triển TTCK phái sinh Việt Nam. Quyết định này ra đời đã cụ thể hóa quan điểm, mục tiêu, lộ trình phát triển TTCK phái sinh, một thị trường hoàn toàn mới trên cơ sở thị trường cổ phiếu, trái phiếu đã vận hành hơn 13 năm qua tại Việt Nam.

Theo đó, đến năm 2015 sẽ xây dựng khung pháp lý, hoàn thiện cơ sở vật chất kỹ thuật và từ năm 2016 sẽ tổ chức giao dịch các chứng khoán phái sinh dựa trên chỉ số chứng khoán và dựa trên trái phiếu chính phủ.

Hiện có nhiều tranh luận xung quanh Đề án nêu trên. Cụ thể, nhiều chuyên gia cho biết, thị trường phái sinh trên thế giới thường bắt đầu từ hàng hoá, đến tiền tệ và cuối cùng mới là chứng khoán. Thị trường phái sinh nhiều nước cũng đi từ mô hình OTC sang mô hình sở giao dịch tập trung. Về tài sản cơ sở, chứng khoán phái sinh thường bắt đầu từ hợp đồng tương lai cho cổ phiếu riêng lẻ, sau đó mới đến chỉ số và trái phiếu.

Tuy nhiên, ông Sơn nói: “Lịch sử hình thành và phát triển của thị trường phái sinh trên thế giới trải qua hàng trăm năm nhưng đối với Việt Nam, một quốc gia đi sau, nếu phát triển tuần tự, tự phát từ thấp đến cao, từ OTC sang thị trường chuẩn hóa sẽ mất nhiều thời gian và bỏ lỡ nhiều cơ hội hội nhập kinh tế với khu vực và thế giới”.

Về mô hình tổ chức, ông Sơn cho biết, Luật Chứng khoán hiện hành không cho phép bất cứ tổ chức, cá nhân nào ngoài các sở giao dịch được tổ chức giao dịch chứng khoán.

Về tài sản cơ sở, theo ông Sơn, cổ phiếu là loại tài sản cơ sở có tính thanh khoản khá tốt, nhưng yêu cầu về độ sâu giao dịch lại cần được xem xét cẩn trọng. Thực tế, nhiều cổ phiếu lớn nhỏ trên thị trường đã từng bị làm giá, nên khả năng thao túng thị trường vẫn có nguy cơ khá cao.

“Nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế tại các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á, châu Á thì hợp đồng tương lai, hợp đồng quyền chọn trên chỉ số chứng khoán được nhiều sở giao dịch lựa chọn làm sản phẩm đầu tiên đặt nền móng cho phát triển TTCK phái sinh. Một số nghiên cứu thực tiễn cũng cho thấy sự xuất hiện của hợp đồng tương lai trên chỉ số không ảnh hưởng tiêu cực, hoặc có những ảnh hưởng tích cực đến thị trường cơ sở”, ông Sơn nói.

Đối với trái phiếu chính phủ, ông Sơn thừa nhận: “Đây là một gợi ý tốt để lựa chọn làm tài sản cơ sở, ít bị làm giá, nhưng nhược điểm là tính thanh khoản không cao và quy mô giao dịch lớn, không thực sự phù hợp với nhà đầu tư cá nhân”.

Từ đây đến khi TTCK phái sinh Việt Nam đi vào hoạt động chắc chắn sẽ còn nhiều ý kiến tranh luận xung quanh các vấn đề nêu trong Đề án. Nhưng đó sẽ là tín hiệu đáng mừng vì thị trường đang bàn đến những vấn đề “sâu hơn”. Hơn nữa, đây là một thị trường cấp cao và rất nhạy cảm, nhưng lại hoàn toàn mới đối với hầu hết các chủ thể tham gia, nên việc tiếp tục tạo ra các diễn đàn để trao đổi là cần thiết.

Theo Đầu tư Chứng khoán
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo