“Con sợ chết lắm, mẹ ơi !"
Bi đát cảnh chồng bị tâm thần, con bị ung thư
Chúng tôi tới thăm trường tiểu học Trần Phú (xã Quảng Tiến, huyện Cư M’gar, Đắk Lắk) nơi em Nguyễn Thị Quỳnh Như (7 tuổi) đang theo học lớp 2D. Giữa lớp học, cô bé Như khác biệt hoàn toàn với các bạn bè đồng trang lứa, khi mái tóc dài mượt ngày xưa của em giờ đã rụng hết, trơ trọi da đầu trắng hớn sau những đợt xạ trị kéo dài. Khuôn mặt em xanh xao, tỏ lộ vẻ mệt mỏi vì những đau đớn mà em phải chịu đựng suốt thời gian qua vì căn bệnh ung thư hạch quái ác.
Khi chúng tôi chủ động trò chuyện, hỏi thăm thì cô học trò nhỏ bé chỉ im lặng không trả lời, đôi mắt em nhìn xa xăm và chực ứa nước mắt khi nghe những trò chuyện của người lớn xung quanh căn bệnh của mình.
Quỳnh Như là con út trong gia đình có 4 chị em, bố mẹ đều làm nghề nông và kinh tế gia đình khá vất vả. Đến đầu năm 2014, bố Như bỗng dưng phát bệnh tâm thần được gia đình đưa đi điều trị nhưng không khỏi, mỗi khi lên cơn bệnh ông lại bỏ nhà đi lang thang khắp nơi khiến cả gia đình vất vả để tìm về. Sau khi người bố mắc bệnh, mọi gánh nặng kinh tế đổ dồn lên vai người mẹ, buộc phải làm thuê làm mướn khắp nơi kiếm tiền nuôi con ăn học và chạy chữa bệnh tật cho chồng.
Cô Trần Thị Phúc (45 tuổi, mẹ em Như) đau xót cho biết, khoảng giữa năm 2014, bé Như bỗng dưng bị đau nhức xung quanh vùng cổ nên cô dẫn con đi mua thuốc uống, nhưng đến 2 tuần sau vẫn không đỡ. Lo lắng, cô Phúc dẫn con tới Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Lắk để kiểm tra, tại đây bác sĩ cho biết Như bị nổi hạch nên khám và cho thuốc về nhà điều trị. Tuy nhiên, bệnh của Như vẫn không hề thuyên giảm, mỗi ngày hạch ở cổ càng sưng to.
“Nhiều đêm thấy con không ngủ, nằm quằn quại vì đau đớn tôi rất lo nên vay tiền của họ hàng đưa cháu đi khám tại Bệnh viện Nhi Đồng 2 (TP. Hồ Chí Minh), sau xét nghiệm Như được cho về nhà chờ kết quả. Sau một thời gian chờ đợi, tôi quay lại thì nhận được tin báo dữ con tôi mắc bệnh ung thư hạch giai đoạn đầu, tôi thật không tin vào những gì mình nghe thấy, đầu óc tôi choáng váng đến nỗi té ngã nhào xuống cầu thang bệnh viện. Như nó còn quá bé, sao nó lại mắc phải căn bệnh này được…”, cô Phúc nói trong nước mắt.
Sau khi phát hiện bệnh, khoảng vài tháng cô Phúc lại đưa Quỳnh Như xuống TP. Hồ Chí Minh xạ trị, mỗi đợt kéo dài từ 10 ngày đến nửa tháng. Thương con nhưng vì gia cảnh quá nghèo khó khi chồng bị bệnh tâm thần hoàn toàn mất sức lao động, một mình chị Phúc phải chạy vạy khắp nơi, vay mượn với lãi suất cao cho con có tiền xạ trị chữa bệnh.
Hiện tại Như đã trải qua 7 đợt xạ trị, mỗi đợt gia đình tốn gần 10 triệu đồng chi phí, người mẹ nghèo đang vô cùng lo lắng khi số nợ ngày càng dần tăng lên nhưng mẹ em cũng không hề muốn bỏ cuộc vì tình thương dành cho con gái quá lớn, cô Phúc cho biết mình sẵn sàng đi làm thuê làm mướn cả đời để trả nợ, chỉ cần con gái nhỏ của mình được chữa lành bệnh.
“Mỗi lần về đêm nằm bên cạnh con, nghe nó nói: Mẹ ơi! con bị bệnh ung thư như ri có chết không hả mẹ?. Mẹ ơi! Con sợ chết lắm, con chết mẹ có khóc không ?… nghe nó nói vậy tôi không cầm lòng được chỉ biết ôm con mà khóc thôi. Đợt tái khám mới đây, các bác sĩ cho biết hiện tại căn bệnh ung thư hạch của bé Như đã bước vào giai đoạn 2 và thông báo để gia đình chuẩn bị tâm lý, tôi nghe mà sợ lắm, sợ giờ còn được nhìn thấy con nói, con cười rồi mai đây không biết chuyện kinh khủng nào xảy ra nữa đây”, cô Phúc chua xót nói.
Nghị lực ham học của cô học trò nhỏ
Về phần Như, từ khi biết mình mắc bệnh ung thư Như trở nên ít nói hơn, em hạn chế giao tiếp với mọi người xung quanh nhưng lại vô cùng ham học. Mỗi đợt xạ trị về, Như lại nhanh chóng xin mẹ được đi học, được đến lớp cùng bạn bè.
Cô Võ Thị Phụng – Giáo viên chủ nhiệm lớp em Như, tâm sự: “Do thường xuyên đi điều trị bệnh dài ngày nên từ đầu năm học tới nay, Như mới chỉ đến lớp được khoảng 5 buổi học nhưng em học rất giỏi, ngoan và hiểu bài rất nhanh. Cũng vì bệnh nên tóc em rụng hết sạch, mỗi bữa đến lớp Như đều mặc cảm nên đều đội mũ tới lớp, thấy em xanh xao, vàng vọt nhưng vẫn cố đến lớp, tôi có bảo “con mệt ở nhà nghỉ ngơi cho khỏe đã” thì Như nói “con rất thích đi học”, thấy em ham học mà lại chịu bệnh tật giày vò như vậy tôi thấy rất thương”.
Được biết, vì hoàn cảnh của Như khó khăn nên nhà trường cũng thường xuyên tổ chức các đợt thăm hỏi, động viên tâm lý và tặng những phần quà để hỗ trợ một phần nhỏ cho em.
Cô Phúc cũng cho biết, Quỳnh Như là người con rất ngoan và hiếu học, mỗi đợt xạ trị về chỉ khi quá mệt Như mới ở nhà, còn không em vẫn xin mẹ cho được đến trường đi học. “Nó cứ bảo, con uống thuốc xong mẹ cho con đi học chứ con nhớ trường, nhớ lớp lắm. Nó có mệt có đau cũng ít khi rên la gì lắm vì nó sợ nếu nói ra với mẹ, thì mẹ sẽ không cho đi học mà bắt ở nhà nghỉ ngơi”, mẹ Như kể.
Ông Đặng Ngọc Thơ – Chủ tịch Hội chữ thập đỏ xã Quảng Tiến, cho biết: “Hộ gia đình của em Nguyễn Thị Quỳnh Như là một trong những hộ nghèo, khó khăn nhất xã. Người bố mắc bệnh tâm thần nên gia đình vô cùng vất vả, nay lại thêm em bị bệnh tật khiến khó khăn chồng chất khó khăn. Vừa qua xã phải hỗ trợ gạo khẩn cấp vì gia đình không có gạo để ăn, đồng thời hỗ trợ 1 triệu đồng để gia đình có thêm chi phí, do nguồn kinh phí của xã hạn chế nên chúng tôi cũng tha thiết mong muốn các nhà hảo tâm, các đoàn tài trợ hãy giúp cho em Như có thêm tiền chữa trị bệnh”.
Cuối tháng 10 tới đây, bé Như lại bước vào đợt xạ trị tiếp theo, mẹ của em đang lo lắng từng ngày và vừa đi làm thuê cho người khác, vừa vay mượn để có tiền tiếp chuỗi chữa trị cho con gái. Còn với Như, em chưa một lần muốn từ bỏ con đường học tập, cô bé vẫn ao ước mỗi ngày được sớm lành bệnh để được đến trường, được học, được viết chữ được sống trong tuổi thơ vui vẻ hạnh phúc dưới mái trường thân yêu.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Năm 2025, phấn đấu nâng hạng ga quốc nội sân bay Đà Nẵng chuẩn 4 sao Skytrax
FPT sẽ mở văn phòng đại diện giáo dục tại Nhật Bản
Sẽ tự động quyết toán, hoàn thuế thu nhập cá nhân từ đầu năm 2025
Hơn 6000 học sinh, sinh viên sắp được đào tạo nhân lực công nghệ cao
Sân bay Đà Nẵng dự kiến xây nhà ga hàng hoá 100.000 tấn/năm