Tin tức - Sự kiện

“Công nghệ nhân bản" giấy khám sức khỏe

Như một yêu cầu bắt buộc, hồ sơ lý lịch của người đi xin việc, làm giấy phép lái xe, xuất khẩu lao động…, một trong những 'thủ tục' cần thiết là giấy khám sức khỏe. Tuy nhiên, loại giấy tờ này từ lâu đã bị thả nổi!?

60 phút có đủ 10 giấy khám sức khỏe!

Câu chuyện về “giấy khám sức khỏe” (GKSK) dường như đã trở thành một loại giấy tờ thứ yếu trong hồ sơ xin việc, hồ sơ đi học, đi làm, đi xuất khẩu lao động, hồ sơ thi giấp phép lái xe…

Đến mức, ngay trong suy nghĩ của chính những người trong cuộc, họ “tìm cách” để có nó như là sự chống đối cho đủ thủ tục. Chính điều này đã khiến loại giấy tờ này được “nhân bản” một cách ồ ạt trong một thời gian rất dài.

Một phòng khám sức khỏe tại một bệnh viện - nơi có đủ điều kiện khám và chứng nhận GKSK cho người có nhu cầu đi học, đi làm.

Người dân Hà Nội không lạ những “địa chỉ” để có được một tờ GKSK cho đủ bộ hồ sơ, sơ yếu lý lịch của mình: phố Thợ Nhuộm, cổng các bệnh viện, các điểm đăng ký, thi bằng lái xe…

Chỉ trong vòng chưa đầy 30 phút, người mua đã có một tờ GKSK theo mẫu chuẩn của Bộ Y tế với đầy đủ các thông số về chiều cao, cân nặng, thị lực, mạch, tim, phổi… kèm theo chữ ký của người cấp giấy, dấu đỏ xác nhận của bệnh viện.

Tuy nhiên, người “cấp” loại giấy này lại là những “cò” hồ sơ học lái xe kiêm… trung tâm cung cấp giấy khám sức khỏe!

Đoạn phố Thợ Nhuộm giao từ đường Lý Thường Kiệt đến đường Trần Hưng Đạo có chiều dài chừng 500 mét, thế nhưng đã có tới gần chục điểm treo biển “Nhận hồ sơ lái xe”. Đây cũng là các địa chỉ “cung cấp” GKSK với tốc độ nhanh chưa từng có.

“Chu trình” để có được một GKSK tại các điểm mua này được các “cò hồ sơ” đưa ra khá đơn giản: người mua chuẩn bị 2 ảnh 3x4; thông tin họ tên, ngày tháng năm sinh, quê quán; nộp tiền với giá tư 80 – 200 ngàn đồng/giấy GKSK.

Nếu “khách hàng” nào cẩn thận thì tự cung cấp chiều cao, cân nặng, thị lực mắt (nếu như người bị cận/ viễn thị). Như thế là đã đủ để hoàn tất một GKSK hoàn thiện.

Một GKSK được bán tại phố Thợ Nhuộm.

Giấy này đã được điền thông tin sơ sài về tình hình sức khỏe của người khám, và có con dấu của Bệnh viện. "Cò" GKSK trên phố này khẳng định, đó 100% là con dấu "xịn"!

Những“cò” này cũng khẳng định chắc chắn: những GKSK này là những giấy chuẩn, lấy từ các bệnh viện ra, chữ ký, con dấu “xịn” chứ không phải giả.

“Nó là thứ bắt buộc nên người nộp hồ sơ cũng làm chống đối, với lại nơi nhận hồ sơ họ có bao giờ xem GKSK đâu, cứ có GKSK cho đủ bộ hồ sơ là được” – một phụ nữ trùm khẩu trang kín mặt chuyên cung cấp “hồ sơ lái xe” trên phố Thợ Nhuộm nói.

Một “cò hồ sơ” khác cho biết: lượng người có nhu cầu mua GKSK này rất nhiều, nhất là những sinh viên mới tốt nghiệp đi xin việc làm, họ chuẩn bị một lúc 4- 5 bộ hồ sơ để gửi khắp nơi, người làm hồ sơ thi giấy phép lái xe ô tô, xe máy…

“Cầu”lớn, nên “cung” không bao giờ sợ… hết việc.

Một GKSK có những gì?

Quyết định số 1613/BYT- QĐ ngày 15 tháng 8 năm 1997 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc ban hành tiêu chuẩn phân loại sức khỏe để khám tuyển, khám định kỳ cho người lao động (Quyết định số 1613/BYT - QĐ) quy định chi tiết về thủ tục, trình tự đối với người khám sức khỏe và tổ chức, cá nhân có thẩm quyền KSK.

14/2013/ TT-BYT về việc hướng dẫn KSK. Đối tượng KSK theo Thông tư này là người Việt Nam, người nước ngoài đang sống, làm việc tại Việt Nam KSK khi tuyển dụng, KSK định kỳ, KSK khi vào học tại các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, trường dạy nghề và các đối tượng khác;KSK cho người lao động Việt Nam khi đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Ngày 06/5/2013, Bộ Y tế tiếp tục ban hành Thông tư hướng dẫn khám sức khỏe.

Theo đó, mẫu giấy KSK do Bộ Y tế ban hành, kèm theo các chỉ số bắt buộc đối với người KSK và tổ chức KSK.
Để có một GKSK theo đúng quy định của Bộ Y tế, phải KSK ở rất nhiều phòng chuyên môn tại các cơ sở y tế, bệnh viện… có đủ điều kiện theo quy định.

Với thực tế tại các bệnh viện trên địa bàn Thủ đô luôn ở tình trạng đông bệnh nhân khám bệnh, người KSK phải mất một buổi sáng mới “đi” qua hết tất cả các phòng khám theo như quy định.

Hơn nữa, người kết luận tình trạng sức khỏe của người đi KSK, ký chứng nhận vào GKSK là bác sỹ chuyên khoa phụ trách phòng ban chuyên môn của bệnh viện. Thế nhưng, không có nhiều khác biệt nếu đặt những kết quả KSK cạnh nhau.

Chúng tôi đã làm một phép so sánh khoảng chục GKSK cạnh nhau. Kết quả của phép so sánh này không có nhiều điều bất ngờ: kết luận của bác sỹ chỉ đơn giản hai chữ: “Bình thường” được viết tắt.

Gần 20 các chỉ số được quy định KSK bắt buộc như hô hấp, nhịp tim, mạch, tiêu hóa, tiết niệu sinh dục, cơ – xương – khớp… đều bỏ trống, không điền các chỉ số…

Tất cả các kết luận này đều giống nhau, điều khác nhau duy nhất có lẽ là tên người KSK và… giới tính!?

Thông tư số 14/2013/ TT-BYT về việc hướng dẫn KSK:

1. Hồ sơ khám sức khỏe nộp tại cơ sở khám sức khỏe.
2. Sau khi nhận được hồ sơ KSK, cơ sở KSK thực hiện các công việc:
a) Đối chiếu ảnh trong hồ sơ KSK với người đến KSK;
b) Đóng dấu giáp lai vào ảnh sau khi đã thực hiện việc đối chiếu theo quy định tại điểm a Khoản này đối với các trường hợp quy định tại Khoản 1, Khoản 2 Điều 4 Thông tư này;
c) Kiểm tra,đối chiếu giấy chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu đối với người giám hộ của người đề nghị KSK đối với trường hợp quy định tại Khoản 2 Điều 4 Thông tư này;
d) Hướng dẫn quy trình KSK cho người đề nghị KSK.
Điều kiện về nhân sự
1. Người thực hiện khám lâm sàng phải có chứng chỉ hành nghề KBCB theo quy định của Luật KBCB phù hợp với chuyên khoa mà người đó được giao trách nhiệm khám. Người thực hiện các kỹ thuật cận lâm sàng phải có chứng chỉ hành nghề KBCB hoặc có bằng cấp chuyên môn phù hợp với công việc được phân công theo quy định của pháp luật về KBCB.
2. Người kết luận phải đáp ứng các điều kiện sau:
a) Là bác sỹ có chứng chỉ hành nghề KBCB và có thời gian KBCB ít nhất là 54 (năm mươi tư)tháng;
b) Được người có thẩm quyền phân công thực hiện việc phân loại sức khỏe, ký Giấy KSK, sổ KSK định kỳ. Việc phân công phải được thực hiện bằng văn bản và đóng dấu hợp pháp của cơ sở KBCB.
3. Đối với cơ sở KSK cho người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài và người Việt Nam đi lao động, học tập ở nước ngoài (sau đây gọi tắt là cơ sở KSK có yếu tố nước ngoài), ngoài việc đáp ứng các quy định tại Khoản 1, Khoản 2 Điều này,phải đáp ứng thêm các điều kiện sau:
a) Người thực hiện khám lâm sàng phải là bác sỹ có thời gian KBCB ít nhất là 54 (năm mươi tư) tháng hoặc phải là bác sỹ chuyên khoa cấp I hoặc thạc sỹ y khoa trở lên;
b) Người xác nhận kết quả xét nghiệm, người đọc và kết luận phim chụp X.quang phải là bác sỹ chuyên khoa;
c) Người kết luận phải là bác sỹ chuyên khoa cấp I hoặc thạc sỹ y khoa trở lên;
d) Khi có bất đồng về ngôn ngữ giữa người thực hiện KSK và người được KSK thì phải có người phiên dịch. Người phiên dịch phải có giấy chứng nhận đủ trình độ phiên dịch trong KBCB theo quy định của Luật khám bệnh, chữa bệnh.

 

Theo Vietnamnet
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo