“Công thư 1958 không đề cập đến Hoàng Sa”
Trước luận điệu xuyên tạc của Trung Quốc trong Công thư 1958 của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng, đại diện Bộ Ngoại giao và Uỷ ban Biên giới Chính phủ chiều 23/5 đã khẳng định công thư đó không đề cập đến Hoàng Sa và Trường Sa.
"Là nạn nhân thì phải tự vệ"
Tại buổi họp báo quốc tế chiều 23/5 của Bộ Ngoại giao, trả lời câu hỏi của báo giới về nội dung Công thư năm 1958 của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng gửi lãnh đạo Trung Quốc, ông Trần Duy Hải, Phó chủ nhiệm Uỷ ban Biên giới Quốc gia, cho hay, công thư đó là một văn bản ngoại giao, và chỉ có giá trị pháp lý về vấn đề nêu trong công thư, đó là Việt Nam tôn trọng 12 hải lý mà Trung Quốc tuyên bố.
Tuy nhiên, trong công thư không đề cập chủ quyền lãnh thổ, vấn đề Hoàng Sa, Trường Sa. Do đó, công thư đương nhiên không có giá trị pháp lý đối với Hoàng Sa, Trường Sa.
Cũng theo ông Thu, giá trị của công thư này phải đặt vào bối cảnh cụ thể. Bởi khi có công thư gửi cho Trung Quốc, lúc bấy giờ Hoàng Sa, Trường Sa đang thuộc quyền quản lý của Việt Nam Cộng hòa theo Hiệp định Geneva 1954 mà Trung Quốc là một bên tham gia.
“Nói một cách khác, bạn không thể cho người khác cái mà bạn chưa có được. Do đó, Công thư của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng không có giá trị công nhận chủ quyền đối với Tây Sa, Nam Sa theo cách gọi của Trung Quốc”, ông Thu khẳng định.
Trả lời câu hỏi về khả năng Việt Nam sử dụng các biện pháp, công cụ pháp lý để giải quyết vi phạm của Trung Quốc trên biển Đông, bà Nguyễn Thị Thanh Hà, Vụ trưởng Vụ Luật pháp quốc tế, Bộ Ngoại giao, cho hay Việt Nam là một quốc gia thành viên của Liên hiệp quốc, của UNCLOS, nên Việt Nam có quyền sử dụng tất cả các cơ chế giải quyết tranh chấp được quy định trong Hiến chương Liên hiệp quốc cũng như trong Công ước để giải quyết tranh chấp liên quan đến mình.
Chính vì vậy, khi sử dụng biện pháp hòa bình thì trong đó bao gồm có việc sử dụng cơ quan tài phán quốc tế phù hợp luật pháp quốc tế.
Bà Hà cũng nhấn mạnh, sử dụng biện pháp pháp lý thì tốt hơn là để xảy ra xung đột vũ trang. Lãnh đạo Chính phủ Việt Nam cũng đã khẳng định, chúng ta không loại trừ việc sử dụng bất cứ biện pháp hòa bình nào để xử lý tranh chấp.
Đại diện Vụ Luật pháp quốc tế cho biết, thời điểm thích hợp sử dụng pháp lý đối với vấn đề biển Đông phụ thuộc vào quyết định của Chính phủ, mà Chính phủ không thể chỉ quyết định dựa trên kiến nghị của luật gia mà phải dựa trên tất cả các cơ quan chức năng. Chúng ta phải chờ đợi quyết định của Chính phủ.
“Chúng tôi chuẩn bị sẵn sàng cho mọi biện pháp hòa bình để phục vụ cho yêu cầu của Chính phủ”, đại diện Bộ Ngoại giao khẳng định.
Trung Quốc vẫn khước từ thiện chí
Trước đó, thông tin về các bằng chứng khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa cũng như vùng lãnh hải, Phó chủ nhiệm Uỷ ban Biên giới nêu rõ, từ nhiều thế kỷ nay, ít nhất là từ thế kỷ thứ 17 các nhà nước Việt Nam đã xác lập và thực thi chủ quyền với hai quần đảo này từ khi còn là đất vô chủ.
Các nhà nước phong kiến Việt Nam thực thi chủ quyền của mình ở Trường Sa và Hoàng Sa một cách hòa bình, liên tục phù hợp với luật pháp quốc tế và không bị quốc gia nào phản đối.
Theo ông Hải, trong thời kỳ Pháp thuộc từ giữa thế kỷ thứ 19 và đầu thế kỷ 20, Pháp đã nhân danh Nhà nước Việt Nam để tiếp tục quản lý hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, đồng thời phản đối các yêu sách của các nước liên quan đối với hai quần đảo này. Chủ quyền của Việt Nam với hai quần đảo đã được khẳng định và thừa nhận tại hội nghị San Francisco tại Mỹ tháng 9/1951. Đây là hội nghị giải quyết các vấn đề lãnh thổ sau Thế chiến thứ hai.
Tại hội nghị này, phái đoàn Liên Xô có đề nghị trao hai quần đảo cho Trung Quốc nhưng có đến 46/51 nước đã bỏ phiếu chống, phản đối. Cũng tại hội nghị này, trưởng phái đoàn của Chính phủ Bảo Đại đã khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo này và không gặp phải sự phản đối của bất cứ ai.
Sau Hiệp định Geneva 1954, chính quyền Việt Nam Cộng hòa cũng đã ra nhiều tuyên bố và có những hành vi trên thực tế để thực thi chủ quyền với hai quần đảo này. Trung Quốc là một nước tham gia hội nghị quốc tế về Đông Dương Geneva năm 1954, dĩ nhiên biết rất rõ điều này và phải có trách nhiệm tôn trọng các văn kiện của hội nghị.
Năm 1974, Trung Quốc đã sử dụng vũ lực chiếm đóng toàn bộ quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Việt Nam Cộng hòa cũng như Chính phủ Cách mạng lâm thời tại miền Nam Việt Nam đều lên tiếng phản đối hành động đó của Trung Quốc, và khẳng định lại chủ quyền của Việt Nam với quần đảo Hoàng Sa.
"Từ góc độ luật pháp quốc tế, việc chiếm đóng bằng vũ lực lãnh thổ của một quốc gia có chủ quyền là một hành vi phi pháp, và không thể đem lại chủ quyền cho Trung Quốc với Hoàng Sa. Thực tế là cho đến nay không có một quốc gia nào trên thế giới công nhận chủ quyền của Trung Quốc với quần đảo Hoàng Sa", ông Hải nói.
Cũng theo ông Trần Duy Hải, trong cuộc gặp giữa Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam và lãnh đạo Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Việt Nam đã kiên quyết yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan ra khỏi vùng biển Việt Nam, hai bên sẽ tiến hành trao đổi để sớm ổn định tình hình, tìm biện pháp phù hợp giải quyết.
Tuy nhiên, đến nay Trung Quốc vẫn khước từ thiện chí của Việt Nam, đưa ra nhiều luận điệu sai trái liên quan chủ quyền của Việt Nam ở biển Đông.
Cập nhật tình hình về diễn biến trên biển Đông, ông Ngô Ngọc Thu, Phó tư lệnh Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam, cho biết, trong họp báo của Bộ Ngoại giao Trung Quốc mới đây, họ đưa tin cáo buộc Việt Nam khiêu khích sử dụng tàu trên biển đâm va vào tàu thực hiện bảo vệ giàn khoan 981. Đây là thông tin hết sức sai lệch, vu cáo.
Đã có 20 tàu Việt Nam bị đâm
Trên thực tế, thời kỳ cao điểm là ngày 20/5, Trung Quốc đã sử dụng 137 chiếc tàu thuyền bảo vệ giàn khoan, trong đó có tàu chiến và máy bay. Trung Quốc tiếp tục sử dụng vòi rồng công suất lớn, máy phát tạo sóng âm tạp gây ảnh hưởng thính giác, sử dụng đèn pha công suất lớn tác động đến tàu Việt Nam, tiếp tục sử dụng biện pháp đâm va ngăn cản tàu Việt Nam thực thi pháp luật trên biển.
Trong khi đó, Việt Nam không sử dụng công cụ, vũ khí trên tàu để đáp trả Trung Quốc, chỉ sử dụng loa, biểu ngữ để tuyên truyền yêu cầu Trung Quốc chấm dứt xâm phạm vùng biển Việt Nam.
“Có đến 20 tàu của Việt Nam bị tàu Trung Quốc đâm, trong đó có tàu bị đâm 3 - 4 lần, Hình ảnh báo chí, truyền hình đã minh chứng điều đó. Việt Nam không tấn công khiêu khích tàu Trung Quốc”, ông Thu khẳng định.
Trả lời câu hỏi trước thông tin hai nước Việt Nam - Trung Quốc ngừng một số hoạt động giao thương, cũng như tin đồn Trung Quốc tập trung đưa xe tăng, vũ khí sát biên giới, ông Hải cho hay, đến nay chưa có hoạt động giao lưu Việt - Trung nào bị dừng lại. Có chăng chỉ là việc Trung Quốc đưa một số lao động phổ thông về nước, và điều này doanh nghiệp Việt Nam có thể chủ động thay thế được, không ảnh hưởng hoạt động sản xuất, kinh doanh.
“Những thông tin nêu trên là chưa chính xác. Hơn nữa, trong cuộc gặp giữa hai Thứ trưởng Ngoại giao Việt - Trung vừa qua, hai bên nhất trí không sử dụng biện pháp quân sự để giải quyết bất đồng”.
Riêng về diễn biến hoạt động của giàn khoan Hải Dương 981, Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petro Vietnam) Đỗ Văn Hậu cho biết, theo quy trình của việc định vị và các công tác chuẩn bị tiến hành khoan bình thường, thì thời gian đã đủ để tiến hành khoan.
Tuy nhiên, do phía Việt Nam không tiếp cận được vào giàn khoan Hải Dương 981 nên không có thông tin chính xác giàn này đã tiến hành khoan thăm dò hay chưa.
VnEconomy
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Bộ LĐ-TB&XH sẽ rà soát, đề xuất Chính phủ mức tăng lương tối thiểu vùng phù hợp
Đà Nẵng: Cuộc thi ‘Hồn phố’ thu hút giới trẻ
Năm 2025, EVNCPC xây thêm 70 nhà tình nghĩa tại miền Trung - Tây Nguyên
Giáo dục tiếng Hàn trong bối cảnh xã hội siêu kết nối
Nâng cao nhận thức về mối đe doạ của kháng thuốc
Năm 2025, phấn đấu nâng hạng ga quốc nội sân bay Đà Nẵng chuẩn 4 sao Skytrax
Cột tin quảng cáo