“Cuộc chơi” với những đối tác mạnh
Sau 9 năm đàm phán và hơn 2 năm chuẩn bị, ngày 7/11/2006, Việt Nam được kết nạp vào WTO. Để gia nhập WTO, chúng ta phải trả lời 3.316 câu hỏi về minh bạch hóa chính sách kinh tế thương mại và đi đến cam kết sẽ công khai các chính sách kinh tế thương mại 60 ngày trước khi áp dụng.
Gia nhập WTO- Những đổi thay cơ bản
Qua 14 phiên đàm phán đa phương và hàng trăm phiên đàm phán song phương chúng ta đã xây mới và sửa 30 luật và pháp lệnh cho phù hợp với các qui định của WTO. Chúng ta tiến hành đàm phán song phương với 28 đối tác về mở cửa thị trường và đã cam kết mở cửa 12 ngành và 110 phân ngành dịch vụ; cắt giảm thuế nhập khẩu trung bình từ 17,4% xuống còn 13,4% theo lộ trình đến năm 2015.
Trong nước, ngoài sửa luật, chúng ta đã tiến hành hàng trăm cuộc hội thảo về WTO, giới thiệu những quy định, Hiệp định WTO, cơ hội và thách thức cho các cơ quan quản lý các bộ, ngành, các cơ quan của Đảng, các doanh nghiệp, các hiệp hội, các tổ chức đoàn thể và các trường đại học...
Sau khi được công nhận là thành viên chính thức của WTO, Chính phủ và Trung ương Đảng đã có nghị quyết và chương trình hành động để triển khai việc thực hiện cam kết nhằm tranh thủ các cơ hội và vượt qua các thách thức. Gia nhập WTO, chúng ta mới bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận kinh tế và thương mại, quốc hội Hoa kỳ tiến hành 2 lần bỏ phiếu thông qua việc bỏ luật Jackson Vanick.
Lần đầu tiên UNTAD xếp Việt Nam là quốc gia xếp thứ 6 có môi trường đầu tư tốt nhất. Trên thực tế, chúng ta kết thúc đàm phán song phương với nước nào thì họ bắt đầu đầu tư vào Việt Nam. Đỉnh điểm là năm 2007 và 2008, đầu tư nước ngoài lên trên 60 tỷ USD/năm. Nhưng không may, kinh tế thế giới rơi vào khủng hoảng, đầu tư giảm dần và đến năm nay, đầu tư nước ngoài lại phục hồi trở lại. Xuất khẩu từ 30 tỷ USD đã tăng lên trên 100 tỷ USD năm 2012. Tất cả các thị trường đã hoạt động đồng bộ. Nhất là các doanh nghiệp đã bỏ được tư duy bao cấp dựa vào Chính phủ chuyển sang chủ động sản xuất- kinh doanh theo kinh tế thị trường định hướng XHCN.
Đàm phán TPP và EVFTA- Cuộc chơi mới với đối tác mạnh
Đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Hiệp định Thương mại tự do EU- Việt Nam (EVFTA) là đàm phán sâu về mở cửa thị trường hàng hóa, dịch vụ, đầu tư, sở hữu trí tuệ và các rào cản thương mại. Mức độ tự do hóa cao hơn, các cam kết sẽ sâu hơn, quyền lợi và nghĩa vụ, cơ hội và thách thức sẽ lớn hơn.
WTO vừa kết thúc 12 năm vòng đàm phán Doha. Về dịch vụ, những gì các nước chưa đạt được trong đàm phán WTO của Việt Nam lần trước và chưa đạt được trong vòng đàm phán Doha, họ sẽ đưa vào các hiệp định mậu dịch tự do. Kinh nghiệm gia nhập WTO của nhiều nước cho thấy, các hiệp định thương mại chỉ tạo ra môi trường thương mại và các cơ hội cho phát triển kinh tế. Việc có nắm bắt được cơ hội đó hay không phụ thuộc vào nội lực trong nước và quyết định của việc đổi mới cơ chế chính sách trong nước, sự nỗ lực vươn lên của cộng đồng doanh nghiệp là chính. Đặc biệt, các doanh nghiệp phải chuẩn bị tốt các sản phẩm để đẩy mạnh xuất khẩu, tranh thủ cơ hội tự do hóa thương mại mang lại, chuẩn bị sẵn sàng tiếp nhận đầu tư, điều chỉnh chiến lược kinh doanh, đổi mới công nghệ, nâng cao trình độ quản lý và nguồn lực lao động. Đây là yếu tố quan trọng nhất quyết định thành công hay thất bại của một hiệp định thương mại tự do. Ví dụ, chúng ta muốn tranh thủ hiệp định dệt may và giày dép xuất khẩu vào Hoa Kỳ, EU, các doanh nghiệp Việt Nam phải tăng đầu tư nguyên liệu như trồng bông, kéo sợi, dệt vải, phụ liệu... thì mới nâng giá trị đạt mức CO quy định và mới được hưởng ưu đãi thuế quan. Nếu không, những ưu đãi đó sẽ rơi vào túi nước sản xuất nguyên liệu, chúng ta chỉ được tiền công...
Trong cuộc chơi mới với các đối tác mạnh nhất thế giới như Mỹ, EU, Nhật Bản, các nền kinh tế có trình độ phát triển cao và thu nhập khác nhau, cần có lộ trình để nền kinh tế và doanh nghiệp Việt Nam có thời gian chuyển đổi. Lộ trình mở cửa dài- ngắn phụ thuộc vào khả năng chịu đựng của nền kinh tế và các doanh nghiệp. Gia nhập WTO, đứng về mặt thu nhập, Việt Nam là nước kém phát triển. Chúng ta kiên trì đàm phán mới được các nước công nhận vị thế kinh tế của Việt Nam là nước “đang phát triển ở trình độ thấp” và mới chấp nhận lộ trình mở cửa cho Việt Nam.
Chúng ta cần chuẩn bị các phương án để đón nhận nguồn đầu tư mới, ưu tiên cho các nhà đầu tư công nghiệp, các nhà đầu tư dài hạn. Cần tránh và hạn chế các nhà đầu tư “lướt sóng” muốn Việt Nam nới room về ngân hàng và doanh nghiệp để mua bán “lướt sóng” kiếm lời rồi rút vốn ra như xu hướng một số quỹ đầu tư đã rút hàng ngàn tỷ đồng trong thời gian qua.
Đáng chú ý, các cơ quan quản lý phải chuẩn bị các cơ chế chính sách mới để bảo vệ thị trường, bảo vệ sản xuất trong nước, hỗ trợ cho các ngành kinh tế có thể đứng vững trong hội nhập, tăng vốn, tăng công nghệ, tăng kỹ năng quản lý, giúp chúng ta hoàn thành mục tiêu phát triển kinh tế và tầm nhìn đến năm 2020- 2025, Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp. Bộ Chính trị đã có nghị quyết về cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” để bảo vệ các nhà sản xuất trong nước, song đòi hỏi các doanh nghiệp Việt Nam phải sản xuất hàng chất lượng tốt, giá cả cạnh tranh, để giữ người tiêu dùng.
Báo Công Thương
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo