Tin tức - Sự kiện

"Dân chúng tôi không có cánh để bay"

Khi đường cao tốc đã cơ bản hoàn thành, trong khi đó các con đường ngang nhà thầu vẫn chưa sửa chữa khiến người dân càng thêm bức xúc
Cống dân sinh ngập nước và bùn đất chưa có đường xuống, người dân làm sao đi được?
 

Sáng 21/9/2014, lễ cắt băng khánh thành thông xe đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai, tuyến cao tốc dài nhất Việt Nam chính thức đưa vào sử dụng, khai thác. Lợi ích quốc gia mà tuyến đường mang lại không phải bàn cãi, nhưng người dân sống dọc đường cao tốc thì vô cùng khốn khổ.

Nhiều khó khăn tiếp tục phát sinh khi rào chắn đường đóng lại, đó là những điều chủ đầu tư (VEC) và nhà thầu cần bổ sung và xây dựng để tạo thuận lợi cho cuộc sống của người dân... 

Đoàn công tác của tỉnh Yên Bái làm việc với đại diện VEC và các nhà thầu trước ngày khánh thành đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai
 

Ngày 19/9/2014, ông Hoàng Xuân Nguyên - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái đã mời PV Báo NNVN tham gia đoàn công tác của tỉnh Yên Bái kiểm tra lần cuối đoạn đường cao tốc chạy qua tỉnh Yên Bái cho lễ khánh thành thông xe cao tốc Nội Bài - Lào Cai vào sáng 21/9.

Trên suốt dọc đường từ TP Yên Bái lên giáp địa phận tỉnh Lào Cai, có nhiều điểm mà hai nhà thầu chính là Keangnam và Doosan chưa thể dựng rào chắn được trước sự phản ứng quyết liệt của người dân.

Theo báo cáo của UBND huyện Văn Yên, trong quá trình xây dựng đường cao tốc huyện đã phải lập nhiều tổ bảo vệ giúp cho nhà thầu thi công trước sự ngăn cản của người dân với nhiều lý do: Gây sạt lở lấp công trình thủy lợi, bùn đất trôi vào ruộng lúa, ao hồ, người dân không có lối đi lên các khu vực SX...

Ngôi nhà của người dân sẽ bị cô lập khi rào đường cao tốc rào lại
 

Toàn huyện Văn Yên có 269 hộ bị ảnh hưởng, trong đó có 248 hộ phải thu hồi đất vĩnh viễn, 17 hộ nhà bị treo cao và lún sâu khi đường cao tốc cắt đồi khiến các gia đình đó bị cô lập.

Các cống chui dân sinh và các đường gom nhiều điểm chưa hoàn thành, nên các nhà thầu chưa thể rào đường, vẫn phải để lối cho người dân đi qua đường cao tốc mặc dù ngày 21/9 đã phát lệnh thông xe. Không chỉ người dân phải qua đường lên các khu SX mà họ còn phải mang vác cây cối, phân bón, gánh sản phẩm và thậm chí dắt cả trâu bò qua đường, điều này tiềm ẩn nguy cơ tai nạn rất lớn.

Đường lên đồi, rừng của người dân chưa thể rào được vì chưa xây dựng đường gom và quá xa cống chui dân sinh
 
Ông Hoàng Xuân Nguyên - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái: Tuyến đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai thiết kế từ năm 2003 đã không lường hết được những phát sinh hiện nay, trong đó nhiều đường gom không thiết kế đã ảnh hưởng không nhỏ tới cuộc sống của người dân. Tỉnh Yên Bái yêu cầu VEC tập trung sửa chữa tỉnh lộ 166 để người dân đi lại thuận tiện. 
Tiếp theo, VEC cần phối hợp với các địa phương rà soát đường gom và làm bổ sung. Những điểm cống chui chưa có lối vào thì vẫn phải để lại cho người dân đi qua đường cao tốc, nhà thầu phải thuê người bảo vệ để tránh xảy ra tai nạn...

Tại hai xã Châu Quế Thượng, Châu Quế Hạ nhiều cống chui dân sinh còn ngập nước tới ngang thắt lưng và nhiều cống chưa có đường xuống. Điều này VEC và các nhà thầu đang đánh đố người dân. Chúng tôi được lãnh đạo Sở Giao thông –Vận tải Yên Bái cho biết: Các cống chui dân sinh cứ 400-500m thì có một cống chui.

Tuy nhiên, nhiều đoạn đường lên các khu vực SX dài 1-2 cây số không thấy một cống chui dân sinh nào. Người dân không thể đi vòng xa vài cây số mới lên được nơi SX, nhất là hiện nay các đường gom vẫn chưa hoàn thành.

Ông Hoàng Văn Mừng, thôn Đức Tiến, xã Đông An, huyện Văn Yên khi thấy đoàn công tác của tỉnh Yên Bái tới, ông bức xúc: Các ông có nhìn thấy đoạn đường này có cống chui dân sinh nào không? Người dân chúng tôi không thể đi vòng mấy cây số để lên đồi, lên nương được.

Chúng tôi còn phải mang vác sản phẩm, cây cối... mà đi vòng xa như vậy lại đồi núi và hiện chưa có đường gom thì chúng tôi làm sao đi được? Thử hỏi cả đoạn đường dài mà lại rào như thế này thì người dân chúng tôi không có cánh để bay lên đồi được...

Sự bức xúc của người dân sống dọc đường cao tốc là có cơ sở. Chỉ tính riêng huyện Văn Yên người dân đề nghị làm bổ sung 26 đoạn đường gom dân sinh chủ yếu vào các khu vực SX và 7 điểm đường liên thôn trong quá trình thi công xe chở vật liệu của nhà thầu cày nát đến nay vẫn chưa sửa chữa.

Khi mưa xuống các con đường dân sinh trở thành ao hồ người dân không thể đi lại được. Ngay trong quá trình thi công nhiều nơi dân đã mang cây cối và vần đá ra đường ngăn cản xe ô tô thi công đi qua.

Ông Hoàng Văn Mừng nói với đoàn công tác: Dân chúng tôi không có cánh để bay lên đồi được...
 

Huyện Văn Yên phải vận động, thuyết phục người dân tạo điều kiện thuận lợi cho nhà thầu. Khi đường cao tốc đã cơ bản hoàn thành, trong khi đó các con đường ngang nhà thầu vẫn chưa sửa chữa khiến người dân càng thêm bức xúc.

Theo Nông nghiệp Việt Nam
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo