“Đặt mình vào vị trí người dân để quyết định về Sông Tranh 2”
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam thông tin về cuộc họp mới đây tại Chính phủ, tại đó Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã nghe báo cáo của các cơ quan liên quan về tình hình tại thủy điện Sông Tranh 2 sau trận động đất 4,7 độ richter vừa qua. Ông Đam cho biết, trong cuộc họp, dù các cơ quan chức năng khẳng định độ an toàn của đập thủy điện nhưng Thủ tướng vẫn nhấn mạnh yêu cầu không cho tích nước.
Thủ tướng cũng chỉ đạo thuê thêm một tư vấn nước ngoài có tên tuổi, uy tín trong lĩnh vực để đánh giá một cách tổng thể công trình.
Về vấn đề động đất, Bộ trưởng Vũ Đức Đam lưu ý, theo báo cáo của cơ quan chức năng, chủ đầu tư đã tiến hành lắp đặt các thiết bị theo dõi tại công trình. Các nhà khoa học cũng khẳng định động đất kích thích là hiện tượng thường thấy ở các công trình thủy điện, có thể sẽ kéo dài trong một số năm. Cường độ của động đất cũng được dự báo là ở mức an toàn đối với thủy điện.
“Tuy nhiên, Chính phủ rất chia sẻ với lo lắng, khó khăn của người dân sống trong khu vực đó. Thủ tướng cũng nhắc khi xem xét vấn đề phải tự đặt mình vào vị trí người dân sống ở đó và yêu cầu các cơ quan đảm bảo để người dân có chỗ ở ổn định, an toàn. Còn việc thủy điện này sẽ được khai thác thế nào, có cho tích nước tối đa hay chỉ ở mức đập tràn (161m) thì cần cân nhắc, quyết định trên cơ sở những quan điểm đánh giá thực sự khách quan. Thủ tướng đã yêu cầu thuê thêm tư vấn nước ngoài đánh giá một lần nữa, thật cẩn thận. Trên cơ sở đó mới có kết luận, quyết định cuối cùng” - Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ nhấn mạnh quan điểm của Thủ tướng.
Đối với những tranh luận, nghi ngại đến thời điểm này về thủy điện Đồng Nai 6, 6A, Bộ trưởng Vũ Đức Đam phân tích, thủy điện này cũng không phải ngoại lệ về nguyên tắc phải đảm bảo an toàn hồ đập, an toàn tính mạng người dân. Đây là yêu cầu cao nhất đối với việc thực hiện một dự án thủy điện. Dự án có hiệu quả bao nhiêu mà không đảm bảo an toàn tính mạng người dân cũng không được thực hiện.
Ngoài ra, nhiều yêu cầu khác cũng cần đảm bảo như chính sách tái định cư, để người dân có cuộc sống tốt hơn; không gây ảnh hưởng quá lớn với môi trường; hiệu quả mang lại (không chỉ là hiệu quả về việc phát điện mà xét cả hiệu quả xã hội, môi trường). Quy trình thi công cũng như vận hành hồ đập sau đó cũng phải đặc biệt tuân thủ quy định theo luật định.
Thủy điện Đồng Nai 6, 6A liên quan đến việc “xâm lấn” Vườn quốc gia Cát Tiên. Hiện dự án đang ở khâu trình Bộ TN-MT xem xét báo cáo đánh giá tác động môi trường. Dự án chưa được trình lên Chính phủ.
Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ khẳng định, Chính phủ xác định không đánh đổi môi trường vì mục đích kinh tế, càng không bao giờ đánh đổi bất cứ lợi ích gì nếu liên quan đến an toàn, sinh mạng của người dân.
“Sau khi Bộ TN-MT trình, Chính phủ sẽ xem xét. Khi đó, ngoài việc đảm bảo các yêu cầu chung còn phải xét thêm nhiều yếu tố cụ thể. Nếu dự án có các vấn đề thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội thì phải trình lên Quốc hội xem xét” - ông Đam trả lời câu hỏi về nghi vấn dự án “đi ngược” lại nhiều quy định của luật, vượt “tầm tay” Chính phủ.
Hồng Lĩnh (Theo Dân Trí)
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Vừa đi xe đạp vừa nghe điện thoại bị phạt bao nhiêu tiền?
Làng Tom Sara Đà Nẵng được trao giải thưởng Du lịch Cộng đồng ASEAN
Thủ tướng Phạm Minh Chính dự phiên thảo luận 'ASEAN gắn kết để vươn xa'
Thủ tướng yêu cầu bảo đảm an toàn thực phẩm dịp Tết và lễ hội xuân
Chủ tịch FPT: Dược phẩm là một trong những ngành sẽ ứng dụng AI nhiều nhất