Tin tức - Sự kiện

"Đừng ảo tưởng Long Thành sẽ cạnh tranh được với Suvarnabhumi"

Theo tiến sĩ Nguyễn Thiện Tống, Long Thành có thể cạnh tranh thế nào với những cảng hàng không lớn của khu vực như Changi, Suvarnabhumi... khi mà dịch vụ và giá cả chúng ta đều thua kém họ?

Khung cảnh bên trong sân bay Tân Sơn Nhất.

 

Ngày 21/3 tại TP.HCM, Hội tư vấn, quản lý khoa học và công nghệ TP.HCM (HASCON) đã tổ chức buổi hội thảo khoa học “Xây mới sân bay Long Thành hay nâng cấp sân bay Tân Sơn Nhất”.

Với sự tham gia của 170 đại biểu, trong đó có gần 100 nhà khoa học, chuyên gia, Hội thảo đã đưa ra những ý kiến, đề xuất nhà giải quyết vấn đề đang được tranh luận rộng rãi hiện nay là nên hay không nên xây sân bay Long Thành, trong khi sân bay Tân Sơn Nhất vẫn con khả năng mở rộng.

Là một trong những diễn giả được chờ đợi nhất, tiến sĩ Nguyễn Thiện Tống – Nguyên Chủ nhiệm bộ môn Kỹ thuật hàng không (trường đại học Bách khoa TP.HCM) cho biết: Bộ Giao thông vân tải (GTVT) không nên kỳ vọng sân bay Long Thành sẽ trở thành cảng trung chuyển của khu vực, thậm chí ông thẳng thắn gọi đó là điều “ảo tưởng”.

Theo ông hiện nay trong khu vực đang có nhiều cảng hàng không lớn, hiện đại như Changi (Singapore), Suvarnabhumi (Thái Lan), hay Kuala Lumpur (Malaysia), và liệu Long Thành có thể cạnh tranh được với những nơi này, trong khi dịch vụ và giá cả chúng ta đang thua kém họ.

Tiến sĩ Tống cho biết hiện nay ông chưa thấy hãng hàng không nào sử dụng Tân Sơn Nhất làm sân bay trung chuyển cho họ tới các nước trong khu vực. Trong khi đó dự án chỉ đặt ra mục tiêu trung chuyển rất chung chung, không nói cụ thể đến việc phải cạnh tranh với những sân bay nào.

Cũng theo ông thì các báo cáo của Bộ GTVT từ giữa năm 2013 đến nay chỉ là “xào lại”, mà không đưa ra thêm được những số liệu, luận điểm có ý nghĩ về mặt khoa học. Đánh giá về đề án này ông cho rằng nó “không bằng luận văn tốt nghiệp của một sinh viên”.

Trao đổi với PV Infonet sau buổi hội thảo, TS Tống nói thêm: “Tôi đọc bốn văn bản chính thức của dự án, và một tờ trình bổ sung nhưng quanh đi quẩn lại cũng chỉ bằng đó thôi. Họ chỉ làm dày lên bằng những văn kiện, văn bản hành chính mà thiếu đi những số liệu căn cứ khoa học cụ thể.

Trước đây tôi có đọc báo cáo của sân bay Sydney. Đây là một nghiên cứu có ý kiến của rất nhiều chuyên gia, và gần 60 tài liệu tham khảo, riêng về thống kê có tới 10 báo cáo và họ đều dựa vào những thống kê độc lập. Họ làm rất kỹ, tôi đọc mà thấy mắc cỡ khi so sánh với cái (báo cáo - PV) của mình”.
Khung cảnh bên trong sân bay Tân Sơn Nhất.

Trong khi đó ông Nguyễn Bách Phúc (Chủ tịch HASCON) cho rằng Bộ GTVT nói sân bay Tân Sơn Nhất không thể nâng cấp là không đúng. Theo ông Phúc, với quỹ đất 1.500 ha, Tân Sơn Nhất có thể nâng công suất lên tới 80 triệu hành khách mà chỉ tốn khoảng 3 tỷ USD.

Theo tính toán của ông thì quá trình nâng cấp sẽ được chia ra làm hai giai đoạn. Giai đoạn 1 sẽ tận dụng khu đất của sân golf để nâng công suất lên 56 triệu hành khách/năm (tốn 2 tỷ USD). Giai đoạn 2 tiếp tục sử dụng quỹ đất của một số đơn vị quân đội để nâng tiếp lên 80 triệu hành khách (tốn 1 tỷ USD).

Trong khi đó ông Lê Trọng Sành – nguyên Trưởng phòng quản lý sân bay Tân Sơn Nhất đánh giá. Nếu xây thêm đường băng và một nhà ga quốc tế cùng chỗ đậu cho khoảng 40 máy bay thì mức khai thác của sân bay có thể lên đến 45 triệu hành khách/năm.

Bên cạnh những ý kiến trên thì nhiều phát biểu, tham luận của các đại biểu cũng tỏ ra không đồng tình với phương án xây mới sân bay Long Thành. Họ đều cho rằng công suất của sân bay Tân Sơn Nhất còn có thể mở rộng, và việc đầu tư một số tiền rất lớn vào sân bay Long Thành trong điều kiện kinh tế còn khó khăn là không nên.

“Đặt trường hợp sân bay Long Thành có lời khi hoạt động, thì với điều kiện kinh tế hiện nay chúng ta cũng không nên xây, vì còn cần đầu tư vào nhiều thứ thiết thực hơn rất nhiều, và khả năng đáp ứng của Tân Sơn Nhất chưa được khai thác hết”. – tiến sĩ Nguyễn Thiện Tống nói.

Theo Infonet
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo