“Đừng trách chúng tôi chê bệnh viện quê”
Những câu chuyện chưa bao giờ lên báo
3 trường hợp thai phụ tử vong xảy ra trong thời gian ngắn đã khiến dư luận xôn xao. Nhiều độc giả cũng đã chia sẻ những câu chuyện của họ xung quanh vấn đề gây tranh cãi này. Trên 1 diễn đàn, thành viên Xuha cũng chia sẻ câu chuyện tương tự: “Ở quê em năm ngoái có 1 trường hợp con chết ngạt vì sự tắc trách của bác sĩ. Bé nặng 4kg, sản phụ không đẻ thường được mà bác sĩ vẫn không cho mổ. Trường hợp đó không thấy đưa lên báo chí vì gia đình sản phụ cũng không làm rùm beng lên”.
Trên diễn đàn dành Webtretho, một độc giả cũng chia sẻ: “Trường hợp của tôi 9 năm trước đây cũng gần như tương tự. Tôi có dấu hiệu sinh, vào viện, yêu cầu được mổ nhưng bác sỹ bảo mẹ khỏe, con khỏe, đẻ được và nhấn mạnh “cứ yên tâm”. Vào đó 1 ngày, đi lại lay lắt, tiêm mấy mũi kích đẻ nhưng tôi vẫn không đẻ được và rồi cuối cùng phải mổ. Lúc đó thì con trai 3,9kg, suýt có vấn đề vì nước ối đã cạn”.
Ở phần phản hồi của báo Người lao động online, một độc giả cũng bức xúc: “Chị tôi sinh con, mổ lần 1, mẹ tròn con vuông. Một tuần sau, đáng ra được ra viện về, người khác thì không sao, chị tôi thì đau quằn quại. Đem đi chiếu chụp lại, vẫn sót một phần... chưa khâu, thế là mổ lại. Những vụ như thế không phát điên lên mới là lạ nên đừng trách gia đình nọ kia. Không phản ứng thế mới là vô tâm, vô cảm với người thân vừa nằm xuống của mình”.
Trên VietNamNet, phụ huynh HuongNguyen cũng chia sẻ: “Đã hai lần trải qua cảm giác tột cùng lo lắng khi bước lên bàn sinh mổ, tôi hiểu những hi sinh mà các bà mẹ phải chịu đựng. Quá đau đớn khi vẫn còn nhiều trường hợp phải chịu cảnh chia lìa mãi mãi như thế này”.
Bạn đọc ở địa chỉ Truongquang_cong…@yahoo.com cũng bức xúc “tố”: “Tại bệnh viện đa khoa tỉnh D. cũng đã để xảy ra những cái chết oan uổng cho thai phụ. Đơn cử trong vòng một tuần có ba ca làm thai phụ chết vào trung tuần tháng 01/2012. Để giải quyết cá nhân bác sĩ trực đã đền tiền từ 40 - 120 triệu đồng cho thân nhân các thai phụ xấu số do các bác sỹ tay nghề và y đức quá tệ”.
“Đừng trách chúng tôi chê bệnh viện quê”
Nhiều độc giả bức xúc cho rằng, nếu cách đây mấy chục năm thì những trường hợp đáng tiếc trên còn có hiểu được, nhưng y học tiên tiến như ngày nay mà vẫn còn những câu chuyện “thai phụ chết, người nhà tố bác sĩ tắc trách” như thế này thì thật đau lòng. Không ít độc giả đã không cầm được nước mắt, chia buồn cùng gia đình nạn nhân khi cứ tưởng được đón thêm 1 thành viên mới mà giờ lại mất đi 2 người.
Quá lo lắng trước trình độ, thái độ của một bộ phận bệnh viện tuyến dưới, nhiều độc giả bày tỏ quan điểm họ sẽ đầu tư tiền và thời gian để đến với các bệnh viện tuyên trên nhằm tìm sự an toàn cho người bệnh và sự yên tâm cho người thân đi cùng.
Bạn đọc có nickname TitvaRo chia sẻ trên 1 diễn đàn: “Thời buổi bây giờ hễ con bị làm sao là mình vội gọi taxi đưa ra bệnh viện trên Hà Nội. Mình chả dám cho con khám chữa ở bệnh viện huyện, tỉnh. Bác sĩ tuyến dưới nghiệp vụ hạn chế, thái độ tắc trách. Làm sao có phụ huynh nào yên tâm được”.
Bạn đọc Hùng ở địa chỉ Email: Thung…@gmail.com cho rằng: “Những sự việc như trên là lời giải thích xác đáng cho câu hỏi “vì sao người dân không dám điều trị ở Bệnh viện tuyến dưới”. Điều trị đối với các bệnh viện, bác sỹ đơn giản chỉ là một công việc, đôi khi xảy ra sơ sẩy họ có thể coi là tai nạn nghề nghiệp. Có thể họ cũng áy náy nhưng rồi bác sỹ sẽ nhanh chóng quên đi, nhưng gia đình và những người thân của nạn nhân thì còn đó những nỗi đau. Nên biện pháp tốt nhất mà người dân lựa chọn là lên bệnh viện tuyến trên, có vất vả, xa xôi nhưng lại an toàn”.
Bạn đọc Hoàng Linh cũng đồng tình: “Đây là 1 trong những nguyên nhân gây ra "thảm" cảnh: bệnh viện tuyến dưới thì vắng hoe, tuyến trên thì nằm ngồi điều trị cả ở ngoài hành lang. Không biết đến bao giờ mới hết cảnh bệnh nhân đổ xô lên các bệnh viện lớn khám, bỏ tiền và thời gian để mua sự yên tâm”. Tuy nhiên, bên cạnh những ý kiến bày tỏ thái độ bức xúc, phẫn nộ nhiều bạn đọc cũng tỏ ra khi bình tĩnh khi phân tích sự việc.
Bạn đọc Nguyễn Thanh Sơn cho rằng: “không thể tiên lượng 100% cho một ca sinh”. Theo Thanh Sơn, việc sinh theo phương pháp nào là do bác sĩ quyết định, xin chia sẻ những mất mát mà mỗi gia đình của 3 sản phụ đã tử vong nhưng nên thông cảm cho những bác sỹ nếu họ thực hiện tốt quy chế chuyên môn và việc tử vong chỉ do nguyên nhân không thể lường trước được. Hãy bình tĩnh chờ kết quả của cơ quan giám định pháp y thì sẽ rõ”.
Một độc giả khác cũng phân tích nguyên nhân khiến người nhà nạn nhân đã có những hành vi gây náo loạn trên. Bạn đọc này viết: “Không phải ai vào bệnh viện chết cũng là do lỗi bác sĩ. Nhưng nhìn thực tế ngày nay thấy rất nhiều thái độ, phong cách... của bác sĩ nên người ta có "thành kiến". Sự việc xảy ra chỉ như giọt nước tràn ly”
Trên Webtretho, thành viên WPTL cũng cho rằng: “Thai phụ tử vong bất thường là chuyện đau buồn và rõ ràng là phải làm rõ nguyên nhân. Nhưng bao vây bệnh viện, đe dọa bác sĩ làm ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng của bao nhiêu người khác là việc làm không thể chấp nhận được”.
Mặc dù có nhiều ý kiến trái nhiều xung quanh vụ việc gây xôn xao dư luận trên nhưng nhiều bạn đọc đều đồng tình rằng, lại thêm một lần nữa họ cảm thấy hoài nghi, lo lắng trước một bộ phận không nhỏ y bác sĩ tắc trách và non về nghiệp vụ, đặc biệt là ở các bệnh viện tuyến dưới.
Theo Vietnamnet
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Bộ LĐ-TB&XH sẽ rà soát, đề xuất Chính phủ mức tăng lương tối thiểu vùng phù hợp
Đà Nẵng: Cuộc thi ‘Hồn phố’ thu hút giới trẻ
Giáo dục tiếng Hàn trong bối cảnh xã hội siêu kết nối
Năm 2025, EVNCPC xây thêm 70 nhà tình nghĩa tại miền Trung - Tây Nguyên
Năm 2025, phấn đấu nâng hạng ga quốc nội sân bay Đà Nẵng chuẩn 4 sao Skytrax
Nâng cao nhận thức về mối đe doạ của kháng thuốc