Chứng khoán

"Gánh nặng bán lẻ" kéo Phố Wall hạ sâu

Các chỉ số chính trên thị trường chứng khoán Mỹ tiếp tục lùi xa khỏi các ngưỡng cao kỷ lục trong phiên giao dịch ngày 3/12, khi nhà đầu tư tìm cách chốt lời trước những dấu hiệu cho thấy mùa mua sắm không như kỳ vọng.

Khối lượng giao dịch toàn thị trường ở mức khá thấp, với khoảng 5,28 tỷ cổ phiếu được chuyển nhượng trên cả ba sàn New York, American và Nasdaq - Ảnh: Getty.

Nhóm cổ phiếu bán lẻ và hàng tiêu dùng không thiết yếu nằm trong số những cổ phiếu giảm điểm mạnh nhất trong ngày. Đáng chú ý nhất là cổ phiếu của Amazon.com giảm tới 2% xuống còn 384,66 USD. Đây là một trong những cổ phiếu có mức giảm sâu nhất thuộc chỉ số S&P 500. Chỉ số S&P lĩnh vực bán lẻ giảm 0,8% cho thấy mùa mua sắm cuối năm được khởi động khá nhạt nhẽo.

Chỉ số S&P lĩnh vực hàng tiêu dùng không thiết yếu cũng giảm 0,9%, bất chấp doanh số tiêu thụ xe hơi tại Mỹ trong tháng 11 tăng trưởng tốt hơn dự báo. Giá cổ phiếu của hãng xe Ford Motor giảm mạnh tới 2,9% xuống còn có 16,56 USD, trong khi giá cổ phiếu của tập đoàn General Motors trượt giảm 2,5% xuống còn 38,14 USD, gây ra các ảnh hưởng tiêu cực cho thị trường trong ngày.

Mặc dù theo hãng comScore, doanh thu bán lẻ trực tuyến của Mỹ trong ngày "Thứ hai không gian ảo" (Cyber Monday, ngày mua sắm online lớn nhất trong năm) có thể đạt tới 2 tỷ USD, mức cao nhất kể từ khi comScore tiến hành thu thập thông tin này, song theo giới phân tích, đây có lẽ chỉ là niềm mơ ước mà thôi, còn trên thực tế, doanh số bán lẻ ngày này tại Mỹ năm nay rất đáng lo.

Tuy nhiên, một số chuyên gia phân tích lại cho rằng, tình trạng đi xuống ba phiên liên tiếp của thị trường chứng khoán Mỹ chỉ là tạm thời, do số liệu kinh doanh bán lẻ hiện đang rất mù mờ. Họ tin rằng, những số liệu này khi trở nên rõ ràng hơn vào cuối mùa kinh doanh, giới đầu tư sẽ có lý do để thúc đẩy thị trường vượt lên theo đúng xu hướng tăng trưởng kể từ đầu năm giao dịch đến nay.

Kết thúc ngày giao dịch 3/12, chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm mạnh 94,15 điểm, tương ứng với mức giamr 0,59%, xuống còn 15.014,62 điểm. Đây là lần đầu tiên sau nhiều ngày, Dow Jones rời khỏi ngưỡng 16.000 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm nhẹ 5,75 điểm, tương ứng với mức 0,32%, xuống 1.795,15 điểm. Chỉ số này đã tăng 8 tuần liên tiếp và hiện còn tăng 25,9% tính từ đầu năm.

Cũng không thoát khỏi xu thế chung, chỉ số Nasdaq Composite cũng giảm 8,06 điểm, tương ứng với mức giảm 0,20%, xuống chốt phiên giao dịch ở mức 4.037,20 điểm.

Tuy nhiên, thị trường hôm qua cũng chứng kiến sự đi lên đầy bất ngờ của cổ phiếu hãng xe điện Tesla Motors khi tăng tới 16,5% lên 144,70 USD cùng khối lượng giao dịch lớn. Ngoài ra còn có cổ phiếu của Apple, hãng sản xuất điện thoại iPhone, máy tính bảng iPad, cũng tăng mạnh được 2,7% lên mức 566,32 USD sau khi ngân hàng UBS nâng cấp cổ phiếu của hãng lên mức "mua".

Khối lượng giao dịch toàn thị trường ở mức khá thấp, với khoảng 5,28 tỷ cổ phiếu được chuyển nhượng trên cả ba sàn New York, American và Nasdaq. Số mã giảm điểm vượt trội so với số tăng trên sàn giao dịch New York với tỷ lệ 3/2, trong khi trên sàn giao dịch Nasdaq, gần 8 mã giảm điểm, với có 5 mã tăng điểm.

Theo giới phân tích, hiện thị trường cũng đang chú ý tới động thái của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) trong việc tiếp tục duy trì hay cắt giảm dần các biện pháp hỗ trợ kinh tế Mỹ. Phiên liền trước, thị trường đã đón nhận các thông tin như sản xuất, chi phí xây dựng cho thấy nền kinh tế đã mạnh hơn. Hiện nhà đầu tư đang trông chờ bản báo cáo số liệu việc làm sẽ công bố vào cuối tuần.

Theo VnEconomy
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo