“Hà Nội sẽ chọn giải pháp tối ưu nhất cho Đàn Xã Tắc”
Dự án xây cầu vượt qua Đàn Xã Tắc đang trở thành một chủ đề được đông đảo nhân dân Thủ đô quan tâm, khi phía các cơ quan quản lý của thành phố nghiêng về phương án xây dựng cầu để đảm bảo thông tuyến giao thông vành đai 1, và vẫn bảo tổn Đàn Xã Tắc.
Nói một cách chính xác là xây cầu vượt, hạn chế tối đa việc làm ảnh hưởng tới Đàn Xã Tắc. Còn ở chiều ngược lại, một số nhà nghiên cứu văn hóa dân gian và các giáo sư sử học cho rằng, cần phải rất thận trọng, vì đây là nơi linh thiêng của đất nước.
Trả lời những thắc mắc của báo chí về việc tại sao cứ phải xây cây cầu theo hướng này, ông Long cho biết, đường vành đai 1 không thể không xây dựng, nhưng bên cạnh đó Hà Nội cũng quan tâm tới vấn đề bảo tồn di tích. “Chắc chắn Hà Nội sẽ chọn ra giải pháp tối ưu nhất cho Đàn Xã Tắc trong thời điểm hiện nay”, ông Long nói.
Trước ý kiến gợi ý rằng, có nên xây dựng Đàn Xã Tắc thành một khu du lịch của Thủ đô, như một khu ở Trung Quốc? Ông Nguyễn Hoàng Long trả lời: “Nếu Đàn Xã Tắc xây dựng đầy đủ như Đàn ở Trung Quốc thì có lẽ phải cần đến diện tích bằng nửa quận Đống Đa.
Nếu dành diện tích để tái hiện lại Đàn Xã Tắc thì tiền ở đâu? Quy mô thế nào? Khảo sát ra làm sao? Cần di dời bao nhiêu hộ dân…?. Vì vậy, Đàn Xã Tắc có bảo tồn không? Bảo tồn đến mức độ nào? Quy mô đến đâu? Đây là câu hỏi rất khó trả lời”.
Ông Long cho rằng “bây giờ chưa ai có thể nói được Đàn Xã Tắc rộng bao nhiêu hécta, quy mô ra làm sao, có bao nhiêu đất cát, bao nhiêu đá…”.
Vị Phó Ban tuyên giáo Thành ủy cũng nhắc lại vấn đề thời sự của Thủ đô nhiều năm qua là nạn ùn tắc giao thông. “Khi triển khai xây dựng, khu vực Đàn Xã Tắc nay mai sẽ có một cây cầu hiện đại, thuận tiện về giao thông, phù hợp, hài hòa với cảnh quan đô thị.
Đó sẽ là “một món quà cho dân” và cũng là cách bảo tồn tốt nhất. Còn để duy trì bảo tồn khu di tích thì có thể xây dựng bia đá, kết hợp với khuôn viên cây xanh ở đó sẽ hợp lý. Thành phố luôn lắng nghe mọi ý kiến của người dân, các nhà khoa học, giới chuyên gia góp ý về vấn đề này. Trên cơ sở đó, chúng ta sẽ tìm ra được giải pháp trung hòa giữa hai thái cực bảo tồn và phát triển”, ông Long nói.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Hoàng Long cũng cho hya, Luật Thủ đô sẽ có hiệu lực từ tháng 7, trong đó có Luật di sản, tất cả những công trình liên quan đến yếu tố bảo tàng, bảo tồn cần phải được triển khai theo đúng pháp luật.
“Hiện có rất nhiều kênh tiếp nhận thông tin về những vấn đề liên quan đến Đàn Xã Tắc, gồm: Sở Văn hóa thể thao và du lịch – đơn vị quản lý trực tiếp vấn đề này; Liên hiệp các hội KHKT thành phố; Bộ phận tư vấn về văn hóa xã hội của Mặt trận tổ quốc, ban văn hóa xã hội HĐND thành phố; Cuối cùng các ý kiến đóng góp, kiến nghị có thể gửi trực tiếp cho lãnh đạo thành phố. Về vấn đề Đàn Xã Tắc tuần trước thành phố đã tổ chức họp bàn, dự kiến trong tuần này sẽ tiếp tục tổ chức thêm một cuộc họp nữa”, ông Long cho hay.
Trước đó, tại cuộc họp giao ban báo chí Thành ủy vào chiều 15/4, ông Nguyễn Hoàng Long cũng đã thể hiện quan điểm: “Chúng ta không bắn súng lục vào quá khứ, nhưng rõ ràng chúng ta phải thiên về một lựa chọn có lợi hơn. Một đô thị muốn có giao thông hiện đại để phục vụ cho chính đời sống của nhân dân thì phải có các đường vành đai.
Hà Nội mới có 3 đường vành đai, và phần lõi tức là đường vành đai 1 thì đang vướng vì nhiều lý do và Ban quản lý dự án các công trình trọng điểm của thành phố đã được giao nhiệm vụ là tìm mọi phương án để thông được vành đai 1 thì mới cải thiện được tình hình giao thông căng thẳng trong nội đô nhiều năm qua”.
Cũng tại buổi giao ban báo chí do Thành ủy Hà Nội tổ chức chiều 23/4, ông Trần Việt Trung - Phó Chủ tịch UBND quận Đống Đa cho biết: “Đàn Xã Tắc nằm trong phạm vi dự án cầu vượt, do BQL dự án các công trình trọng điểm thành phố triển khai.
Quận Đống Đa đã tiến hành chủ trương thu hồi đất theo quyết định của thành phố, hiện còn 3 trường hợp chưa chấp nhận phương án đền bù, dù quận đã áp dụng chính sách đặc thù. Các hộ dân này không nằm trong phạm trù dự án đường vành đai 1, mà thuộc chủ trương mở rộng Đàn Xã Tắc. Dự án hiện đang tạm dừng triển khai vì liên quan đến di tích Đàn Xã Tắc. Quận Đống Đa sẽ tiếp tục đối thoại với các hộ dân để sớm hoàn thành giải phóng mặt bằng, giao đất sạch cho chủ đầu tư”.
Những diễn biến mới nhất liên quan tới dự án xây cầu vượt qua Đàn Xã Tắc tiếp tục “nóng” hơn khi Hiệp hội Vận tải Hà Nội có công văn gửi UBND TP Hà Nội ủng hộ phương án xây cầu vượt. Tuy nhiên, quan điểm của Hiệp hội Vận tải Hà Nội đang bị các nhà sử học phản bác, do nội dung công văn có đoạn: “Đàn Xã Tắc có thể là phế tích của một triều đại phong kiến đã bị phá hủy, nhưng cho rằng đây là khu tâm linh trời và đất của đất nước ta là ngộ nhận. Tâm linh là ở trong tâm thức của con người, khu vực Đàn Xã Tắc không thể coi là văn hóa tâm linh của người Việt. Bởi lẽ khu vực này đã biến mất mà không ai đoái hoài, ghi nhớ”.
End of content
Không có tin nào tiếp theo