"Hậu" sáp nhập: Ngân hàng tăng mạnh lợi nhuận
Chỉ 2-3 năm sau "kết hôn", một số ngân hàng đã ghi nhận mức tăng trưởng khả quan về thu nhập, lợi nhuận, cải thiện chỉ số an toàn vốn...… Mục tiêu của các đề án sáp nhập là ngân hàng sẽ phải "khỏe" hơn, để có thể tăng tốc phát triển trong giai đoạn "hậu" sáp nhập.
Đến nay, ba thương vụ sáp nhập, hợp nhất ngân hàng đầu tiên đã đi đúng định hướng của Đề án tái cơ cấu hệ thống ngân hàng và có kết quả khả quan. Đó là Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB), Ngân hàng TMCP Sài Gòn-Hà Nội (SHB), Ngân hàng TMCP Đại chúng Việt Nam (PVcombank). Kết quả kinh doanh của 3 ngân hàng có thay đổi theo hướng tích cực, tăng trưởng tốt, ổn định và lành mạnh hơn.
Lợi nhuận ấn tượng
Thương vụ hợp nhất đầu tiên là ba ngân hàng hợp thành Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) hồi cuối năm 2011. Đến nay, ngân hàng đã hoạt động ổn định, an toàn. Theo chia sẻ của ông Võ Tấn Hoàng Văn, Tổng Giám đốc SCB, vấn đề đáng lo nhất là nợ xấu đã được kiểm soát. Tỷ lệ nợ xấu chỉ còn 0,5%, một con số đáng mơ ước với ngay cả các ngân hàng lớn nhất.
Đồng thời, suốt ba năm qua, SCB đã thực hiện trích lập dự phòng rủi ro theo đúng quy định, nên lợi nhuận trên báo cáo ở mức thấp, không chia cổ tức cho cổ đông, nhưng về lâu dài, lợi nhuận SCB sẽ có nguồn "bứt phá"!
Đơn cử, lợi nhuận trước thuế năm 2014 đã đạt 119 tỷ đồng và lãi sau thuế 60%, tăng gấp đôi so với năm trước. Tính đến cuối năm 2014, tổng tài sản đạt 242.222 tỷ đồng (tăng hơn 33%). Đến ngày 7/5/2015 vừa qua, SCB đã tăng vốn thành công lên 14.295 tỷ đồng.
Năm 2012, ở thời điểm sáp nhập, Ngân hàng TMCP Sài Gòn-Hà Nội đã khiến cổ đông "choáng" vì tỷ lệ nợ xấu cao nhất hệ thống (trên 9%). Đó là do SHB phải "ôm" thêm khối nợ xấu rất lớn và lỗ lũy kế vài nghìn tỷ từ Habubank chuyển sang. Các chỉ số tài chính của SHB bị ảnh hưởng rõ rệt, nhất là lợi nhuận lao dốc, chạm "đáy" ở mức 26 tỷ đồng.
Thế nhưng, chỉ chừng hai năm sau đó, những nỗ lực tái cơ cấu, xử lý nợ xấu, ổn định kinh doanh… đã giúp nhà băng này dần lấy lại "phong độ", cải thiện lợi nhuận. Lợi nhuận năm 2014 đã tăng mạnh, lên mức 1.012 tỷ đồng (trước thuế) và 790,7 tỷ đồng (sau thuế). Cổ đông SHB vẫn còn may mắn vì năm 2014 đã có cổ tức với tỷ lệ 7% (năm 2013 không có cổ tức).
Nhờ tích cực bán nợ xấu, tăng tín dụng, thu nợ… SHB đã giảm mạnh tỷ lệ nợ xấu, từ mức trên 9% xuống còn 2,31% (cuối năm 2014). Khối nợ xấu 1.228 tỷ đồng từ nhóm khách hàng Vinashin đã được "dọn dẹp" khỏi báo cáo tài chính và hiện còn phải tiếp tục xử lý một số khoản nợ khác nữa.
Thương vụ thứ ba là Tổng công ty tài chính cổ phần dầu khí Việt Nam - PVFC - được chọn "kết duyên" với Ngân hàng WesternBank theo hình thức hợp nhất (tháng 9/2013) để trở thành ngân hàng (vốn điều lệ 9.000 tỷ đồng).
Thời gian đầu, tên gọi mới là Ngân hàng TMCP Đại chúng Việt Nam (PVcombank) còn khá lạ lẫm cùng với việc chuyển mô hình từ công ty tài chính sang ngân hàng là khối lượng công việc rất lớn.
Nhưng, kết quả kinh doanh từng quý, từng năm của PVcombank đã có những thay đổi tích cực ở giai đoạn "hậu" hợp nhất. Đơn cử, tại ngày 31/12/2014, tổng tài sản tăng nhanh lên mức 102.000 tỷ đồng, huy động tiền gửi tăng gần 45%, đạt 71.033 tỷ đồng.
Dư nợ cho vay tăng nhẹ 4%, đạt 41.604 tỷ đồng. Số dự phòng rủi ro nợ cho vay đã giảm đáng kể, xuống còn 763 tỷ đồng. Tổng vốn chủ sở hữu tăng nhẹ, lên mức 9.709 tỷ đồng. Năm 2014, lợi nhuận trước thuế đạt 129 tỷ đồng và lãi sau thuế 181 tỷ đồng.
Cải thiện "sức khỏe" tài chính
Hội đồng quản trị (HĐQT) các ngân hàng đã sáp nhập, hợp nhất đều xác định nhiệm vụ trọng tâm là phải đẩy mạnh tái cơ cấu, sắp xếp lại hệ thống, nhân sự, ổn định kinh doanh…
Lãnh đạo PVcombank từng chia sẻ, sau hợp nhất, toàn bộ hệ thống mới và cũ đã "hòa hợp", ổn định và từng bước cải thiện "sức khỏe" của ngân hàng non trẻ. Lợi nhuận ở thời gian đầu không thể đòi hỏi con số "đẹp" ngay được.
Còn Ngân hàng SCB - dù đã "tự đi" được sau mấy năm Ngân hàng Nhà nước "đỡ đầu", hiện vẫn phải dồn sức tái cơ cấu hoạt động tài chính và xử lý nợ xấu. Đồng thời, năm 2015, ngân hàng tăng cường quản trị rủi ro theo tiêu chuẩn quốc tế, ứng dụng công nghệ thông tin trong điều hành và phát triển kinh doanh, để tạo nền tảng phát triển bền vững.
Nguy cơ đổ vỡ ở các ngân hàng yếu kém, có nợ xấu lớn, mất vốn… hiện đã được loại bỏ. Các cổ đông, nhà đầu tư và khách hàng cũng yên tâm hơn khi nhìn thấy một ngân hàng biến mất để đổi lấy sự phát triển tốt hơn của ngân hàng mới ra đời. Vì đó là quy luật tất yếu, có điều lựa chọn phương án "chuyển hóa" sao cho phù hợp nhất!
Hiện nay, làn sóng sáp nhập ngân hàng thứ hai đã bắt đầu và có những bước đi mạnh dạn hơn. Từ những thông tin mơ hồ, thiếu kiểm chứng, đến nay, đã có thêm 5 thương vụ sáp nhập ngân hàng đã được định đoạt.
Cụ thể, MaritimeBank - MekongBank đã được NHNN chấp thuận sáp nhập. Còn 4 thương vụ khác mới ở giai đoạn bước đầu tìm hiểu, hoặc đang xây dựng và trình đề án sáp nhập, gồm: Vietinbank-PGbank, SHB - Công ty tài chính VVF, BIDV - MHB, Vietcombank và một ngân hàng.
Điều kỳ vọng là các ngân hàng lớn, khỏe hơn sẽ đủ sức để "ôm" các ngân hàng yếu, gánh vác nhiệm vụ tái cơ cấu đã bước vào giai đoạn nước rút theo Đề án 254 của Chính phủ.
Theo TBKD
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo