Xã hội

'Hô biến' thịt trâu Ấn Độ bốc mùi hôi thối thành thịt bò tươi Việt Nam

(DNVN) - Vì lòng tham, chủ cơ sở giết mổ và kinh doanh thịt bò mua thịt trâu Ấn Độ hư hỏng, bốc mùi... rồi trộn lẫn vào thịt bò để bán ra thị trường với giá cao.

Theo tin tức trên báo Tuổi Trẻ, Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (PC49) Công an tỉnh Bình Thuậnvừa bắt giữ đường dây đưa thịt trâu Ấn Độ về Bình Thuận để làm giả thịt bò.

Thông tin ban đầu cho biết, khoảng 18h ngày 4/2, tổ kiểm tra liên ngành mà nòng cốt là Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường, công an tỉnh Bình Thuận bất ngờ kiểm tra và phát hiện trên ô tô BS: 53M-1118 do ông Nguyễn Văn Hòa (tạm trú P. Phú Trinh, TP. Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận) làm chủ đang lưu thông trên QL 1A (đoạn qua xã Hàm Kiệm, huyện Hàm Thuận, Bình Thuận) có nhiều thùng thịt không rõ nguồn gốc.

PC49 Công an tỉnh Bình Thuận phá đường dây thịt trâu Ấn Độ giả thịt bò trong ngày cận Tết. Ảnh: báo Tuổi Trẻ

Chi cục Quản lý thị trường Bình Thuận cho biết có 16 thùng thịt, tổng trọng lượng là 318kg được đóng gói cẩn thận, ghi tên nhãn hiệu bằng tiếng nước ngoài. Trên thùng có dán giấy ghi tiếng Việt là thịt trâu đông lạnh, xuất xứ từ Ấn Độ và 2 thùng xương bò.

Số thịt nói trên hư hỏng nặng, có màu tái nhợt và thâm đen, bốc mùi hôi thối. Trên xương bò có dòi nằm lẫn trong các sớ thịt.

Chủ số hàng này là bà Trần Thị Thu Hương, tên thường gọi là Ý (30 tuổi, trú tại thôn Văn Lâm, xã Hàm Mỹ, huyện Hàm Thuận Nam), chủ cơ sở giết mổ và kinh doanh thịt bò có quy mô lớn tại huyện Hàm Thuận Nam.

Bà Hương khai rằng, số thịt trâu Ấn Độ này bà mua của một bạn hàng từ Đồng Nai với giá 100.000 đồng/kg rồi trộn lẫn với thịt bò do cơ sở bà giết mổ để bán ra thị trường với giá 250.000 - 280.000 đồng/kg.

Giòi bò lúc nhúc trong xương đã bốc mùi hôi thối của lô hàng thịt trâu Ấn Độ. Ảnh: báo Tuổi Trẻ

Theo hồ sơ của công an, cơ sở giết mổ và kinh doanh thịt bò của bà Ý và một vài cơ sở khác tại thôn Văn Lâm mua thịt trâu Ấn Độ nhập khẩu trôi nổi rồi tẩm với tiết bò để có màu đỏ và mùi giống thịt bò. Sau đó, thịt bò giả được phân phối tại các chợ trong TP.Phan Thiết và các huyện lân cận.

 

Chưa hết, nguồn thịt bò giả nằng còn được cung cấp cho các cơ sở nấu thức ăn tiệc cưới, quán ăn và đặc biệt là các quán bò né đang hoạt động rầm rộ tại TP. Phan Thiết gần đây, theo báo Công An TP. HCM.

Trung tá Trương Sĩ Trung - chỉ huy tổ kiểm tra cho biết: “Thịt trâu Ấn Độ có màu đen sẫm, không đỏ tươi như thịt bò Việt Nam, người tiêu dùng nên chú ý đặc điểm này để tránh bị lừa. Riêng số thịt trâu hư hỏng nói trên sẽ bị tiêu hủy và chủ số hàng này sẽ bị xử phạt nghiêm theo quy định của pháp luật”.

Nên đọc
Tùng Bách (T/h)
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo