Quốc tế

“Hồ sơ Panama”: Trụ sở công ty luật Mossack Fonseca bị khám xét

(DNVN) - Chính quyền El Salvador ngày 8/4 đã bất ngờ đột kích trụ sở hãng luật đang là trung tâm của bê bối “Hồ sơ Panama”.

Hơn 11,5 triệu tài liệu, chứng từ thuế rò rỉ từ hãng luật có trụ sở tại Panama này cho thấy một loạt bằng chứng đáng nghi cho các hoạt động rửa tiền, trốn thuế của hơn 140 quan chức, người nổi tiếng hàng đầu thế giới. Vụ việc được gần 400 nhà báo trên 76 quốc gia chung tay điều tra và phanh phui.

Bộ trưởng Tư pháp El Salvador - ông Douglas Melendez, người chỉ huy vụ đột kích hôm 8/4 cho biết, chính quyền quyết định vây ráp văn phòng này sau khi hãng luật có dấu hiệu di dời cơ sở vào tối hôm 7/4. Văn phòng của Mossack Fonseca tại El Salvador không được liệt vào danh sách chi nhánh của hãng luật này trên website.

Trụ sở công tu luật Mossack Fonseca bị khám xét. 

Theo đó, chính quyền El Salvador đã giữ khoảng 20 máy tính, một số tài liệu và thẩm vấn 7 nhân viên.

“Tại thời điểm này, chúng tôi chưa thể kết luận bất kỳ tội danh nào”, ông Melendez nói, đồng thời cho biết chính quyền sẽ phân tích những tài liệu thu thập về khía cạnh tài chính, kế toán cũng như pháp lý. Ông cũng cho biết, có khả năng chi nhánh địa phương của hãng này ở El Salvador hỗ trợ xử lý thông tin cho nhiều khách hàng trên toàn thế giới.

Đây là một trong số rất nhiều bước điều tra của chính quyền nhiều nơi trên thế giới, sau khi 11,5 triệu tài liệu, hay còn gọi là “Hồ sơ Panama” vỡ lở, tiết lộ nhiều hoạt động hợp pháp hóa gửi tiền, lập công ty bình phong… của hãng luật Mossack Fonseca trong suốt 4 thập kỷ qua.

"Hồ sơ Panama" đã buộc Chính phủ một số nước phải tiến hành điều tra. Chúng đã buộc Thủ tướng Iceland Sigmundur David Gunnlaugsson phải từ chức chỉ 2 ngày sau khi thông tin bị tiết lộ. Chính phủ Nga thậm chí còn ngờ vực có vai trò giật dây của phương Tây ở đằng sau.

Những phanh phui trong khuôn khổ "Hồ sơ Panama" có quy mô và mức độ lớn nhất từ trước đến nay trên thế giới về tiết lộ thông tin và về vấn đề rửa tiền, trốn thuế và lậu thuế. Khối lượng đồ sộ 11,5 triệu tài liệu bao gồm thư điện tử, bản sao chụp hộ chiếu, giao dịch tài khoản, công văn giấy tờ các loại có dung lượng 2,7 terabyte.

 

Vụ Wikileak năm 2010 chỉ có khối lượng tài liệu 1,7 GB, vụ Offshore năm 2013 có 260 GB, vụ ở Luxemburg năm 2014 chỉ có 4 GB hay ở Thuỵ Sỹ năm 2015 có 3,3 GB.

Vụ việc bắt đầu từ cách đây một năm. Tờ nhật báo Nam Đức được một nguồn ẩn danh cung cấp cho dữ liệu lấy được từ hệ thống máy tính và lưu trữ của hãng luật Mossack Fonseca đóng trụ sở ở Panama. "Chúng tôi muốn những hành vi phạm tội này được công bố công khai" - tất cả những gì mà tờ báo Nam Đức và thế giới bên ngoài biết được cho tới nay về nguồn cung cấp thông tin này là chỉ mỗi yêu cầu đó.

Một năm sau đó, với sự tham gia và hợp tác của 400 nhà báo đến từ 80 quốc gia do Hiệp hội nhà báo điều tra quốc tế giới thiệu, tờ báo này làm nên vụ phanh phui lớn nhất từ trước tới nay trên thế giới.

Danh sách những đối tượng bị phanh phui, cho dù chưa hoàn chỉnh, nhưng cũng rất ấn tượng. Ngoài ông Gunnlaugsson, trong đó thấy có tên Tổng thống Argentina Mauricio Macri, Vua Salman của Ả Rập Saudi, Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko, người đứng đầu Tiểu vương quốc Abu Dhabi Khalifa bin Zayed al-Nahyan, Thủ tướng Qatar Hamad bin Jassim bin Jabor Al-Thani, gia đình đương kim Tổng thống Azerbaijan Ilham Alijew, cộng sự thân cận của Tổng thống Nga Vladimir Putin là Sergei Roldugin....

Nên đọc
Thu Phương (Theo Reuters)
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo