Xã hội

“Không có gì quý hơn độc lập, tự do”

“Không có gì quý hơn độc lập tự do” đó không chỉ là lý tưởng, lẽ sống mà còn là một học thuyết cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. “Độc lập – Tự do” là nguồn sức mạnh, biểu tượng sáng người của sự nghiệp cách mạng Việt Nam và là chân lý mọi thời đại để xây dựng sự tiến bộ của nhân loại.

Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt quốc dân đồng bào đọc Bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Ngày 28/1/1941, sau 30 năm bôn ba ở nước ngoài tìm đường cứu nước Nguyễn Ái Quốc đã nước để trực tiếp lãnh đạo cách mạng cùng toàn dân giành thắng lợi cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945.

Thắng lợi vang dội của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công đã mở ra một kỷ nguyên mới cho dân tộc Việt Nam – kỷ nguyên độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội, đã làm thay đổi căn bản vị thế của đất nước ta trên trường quốc tế, đưa nhân dân ta từ chỗ bị áp bức, bóc lột trở thành chủ nhân của đất nước.

Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt quốc dân đồng bào đọc Bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Bản Tuyên ngôn độc lập của Việt Nam, do Chủ tịch Hồ Chí Minh trực tiếp soạn thảo, là một văn kiện lịch sử – chính trị – pháp lý quan trọng đầu tiên khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa.

Bản Tuyên ngôn độc lập không chỉ là sự đúc kết những văn kiện pháp lý mà chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết trước đó, như bản “Yêu sách của nhân dân An Nam (1919)”, “Bản án chế độ thực dân Pháp (1925)”, “Đây “công lý” của thực dân Pháp ở Đông Dương”,… mà còn là sự kế thừa và phát triển những giá trị pháp lý đã được ghi nhận trong các bản tuyên ngôn nổi tiếng trong lịch sử nhân loại.

 

Mở đầu bản Tuyên ngôn độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhắc đến tư tưởng vĩ đại của Thô-mát Giép-phơ-xơn trong Tuyên ngôn độc lập năm 1776 của nước Mỹ, rằng: “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”. Đồng thời, Người cũng nhắc đến tư tưởng của các nhà triết học Pháp thế kỷ thứ XVIII trong Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền năm 1791 của nước Pháp, rằng: “Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi; và phải luôn luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi”.

Dựa trên cơ sở pháp lý, đạo lý mà Pháp, Mỹ và cả thế giới không thể phủ nhận, Hồ Chí Minh đã suy rộng ra, nâng quyền con người lên thành quyền dân tộc: “Tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng; dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do” đó là lẽ phải không ai có thể chối cãi được. Bằng tư duy sáng tạo, vượt thời đại, Người đã thay thế từ “tất cả mọi người” thành từ “tất cả các dân tộc”. Sự thay thế ngôn từ này là chính xác, bởi lẽ, nước mất độc lập thì tất yếu người dân mất tự do, hạnh phúc; chừng nào nước vẫn còn giặc ngoại xâm chiếm đóng thì chừng đó không có gì bảo đảm cho nhân quyền.

Do đó, độc lập dân tộc là điều kiện kiên quyết để bảo đảm và phát huy quyền con người trong bất kỳ thời kỳ nào. Sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của nhân dân Việt Nam do Đảng Cộng sản lãnh đạo là sự thống nhất biện chứng giữa giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội, giai cấp và giải phóng con người.

Người khẳng định ý chí đanh thép: “Một dân tộc gan góc chống ách nô lệ của Pháp hơn 80 năm nay, một dân tộc đã gan góc đứng về phe Đồng minh chống phát xít mấy năm nay, dân tộc đó phải được tự do! Dân tộc đó phải được độc lập”; quan điểm đó của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được Đại hội đồng Liên hợp quốc ghi nhận trong Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (1966), đánh dấu sự phát triển của pháp luật quốc tế, theo đó “tất cả các dân tộc đều có quyền tự quyết. Xuất phát từ quyền đó, các dân tộc tự do quyết định thể chế chính trị của mình và tự do phát triển kinh tế, xã hội và văn hóa”.

Kết thúc bản bản Tuyên ngôn độc lập, dân tộc Việt Nam trịnh trọng tuyên bố với thế giới: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”. Đó không chỉ là một lời tuyên bố mà chính là “lời thề giữ nước” – lời thề quyết giữ chính quyền cách mạng, bảo vệ độc lập, tự do của đất nước. Lời thề ấy đã thể hiện ý chí quyết tâm của toàn dân tộc, sẵn sàng hy sinh để bảo vệ thành quả quý giá, lớn lao nhất: Quyền độc lập, tự do, quyền tồn tại của một quốc gia, dân dân tộc độc lập. Độc lập tự do là một chân lý của mọi thời đại.

 

Thắng lợi của Cách mạng tháng Tám và sự ra đời của Ban Tuyên ngôn Độc lập ngày 2/9 đã mở ra một kỷ nguyên mới cho dân tộc Việt Nam.

Từ thực tiễn các cuộc cách mạng, trong Hồi ký “Những năm tháng không thể nào quên”, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã viết: “Bản án chế độ thực dân Pháp” đã có từ 30 năm trước đây. Nhưng hôm nay mới chính là ngày chế độ thực dân Pháp bị đưa ra cho toàn dân Việt Nam công khai xét xử. Lịch sử đã sang trang. Một kỷ nguyên mới đã bắt đầu: Kỷ nguyên Độc lập, Tự do, Hạnh phúc…cả dân tộc hồi sinh”.

Một nhà nghiên cứu nước ngoài, giáo sư, tiến sĩ Singô Sibata, khi nghiên cứu bản Tuyên ngôn Độc lập của nước Việt Nam đã khẳng định: “Cống hiến nổi tiếng của Cụ Hồ Chí Minh là ở chỗ, Người đã phát triển quyền lợi của con người thành quyền lợi của dân tộc. Như vậy, tất cả mọi dân tộc đều có quyền tự quyết định lấy vận mệnh của mình và tất cả mọi dân tộc đều có thể và cần phải thực hiện nền độc lập tự chủ. Sự khẳng định này, gắn liền với những cống hiến lý luận về vấn đề dân tộc và thuộc địa, có được điều đó là do Cụ Hồ Chí Minh đã nhận thức đầy đủ những đặc thù dân tộc của các nước thuộc địa và phụ thuộc”.

Lịch sử và nhân chứng đã khẳng định rằng: Hồ Chí Minh luôn luôn nêu cao ngọn cờ đấu tranh vì độc lập tự do, thống nhất cho dân tộc Việt Nam và các dân tộc khác trên thế giới. Người còn là hiện thân của khát vọng hòa bình cho dân tộc Việt Nam, hòa bình cho nhân loại, hòa bình cho hợp tác giữa Việt Nam với các nước trên thế giới. Khát vọng này của Người chẳng những thể hiện rõ trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1946 – 1954), mà còn thể hiện nổi bật trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước kéo dài hơn 20 năm của dân tộc Việt Nam 1954 – 1975).

Trong công cuộc đổi mới, khát vọng “Không có gì quý hơn độc lập tự do” là động lực to lớn cổ vũ toàn dân tộc, đồng tâm nhất trí, triệu người như một, năng động, sáng tạo, tận dụng thời cơ, vượt qua thách thức, đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, phát triển đất nước nhanh, bền vững, quyết tâm thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược là “Xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”, vì dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội.

Đã hơn 70 mùa thu đã trôi qua, nhưng mùa thu Cách mạng năm 1945 vẫn luôn nâng đôi cánh đưa Đảng và nhân dân ta vượt qua mọi bão táp phong ba, chung tay xây dựng cơ đồ mới xán lạn tương lai.

 

Nên đọc


Theo Nguyễn Văn Thanh/Moitruong.net
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo