“Không thể mãi đi dưới cái 'bóng' của Trung Quốc”
Những tác động nhiều chiều của tình hình Biển Đông với kinh tế Việt Nam tiếp tục được chỉ ra tại Tọa đàm do Báo Đầu tư tổ chức ngày 10/7 về nội dung trên. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng lúc này là Việt Nam nên hành xử thế nào?
Tác động đến đâu?
Xây dựng 3 kịch bản về quan hệ kinh tế Việt Nam - Trung Quốc, trong đó xấu nhất là Trung Quốc đơn phương ngừng các quan hệ mậu dịch, du lịch, đầu tư với Việt Nam; kịch bản trung bình là tiếp tục hành động gây hấn trên biển, phá rối quan hệ giữa hai bên, nhằm gây thiệt hại lớn nhất cho Việt Nam; và kịch bản thứ ba là giữ nguyên hiện trạng, GS-TSKH Nguyễn Mại, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về Hợp tác và Đầu tư cho rằng, dù sẽ xảy ra ở kịch bản nào, thì Việt Nam vẫn cần tính toán kỹ để lường trước tình hình và có giải pháp ứng phó kịp thời.
Thực tế cho thấy, sau sự kiện Trung Quốc đặt giàn khoan Hải Dương 981 trên vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam và sau đó là hàng loạt diễn biến phức tạp khác, kinh tế Việt Nam đã bị ảnh hưởng. Dễ thấy nhất, theo ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó vụ trưởng Vụ Lữ hành (Tổng cục Du lịch), lượng du khách quốc tế, đặc biệt từ Trung Quốc và cả khách từ Nhật Bản, Hàn Quốc, khu vực ASEAN…, tới Việt Nam sụt giảm mạnh.
“Nhiều khách quốc tế đã hủy tour đến Việt Nam, dòng vốn đầu tư vào du lịch Việt Nam có dấu hiệu chững lại, doanh nghiệp du lịch gặp khó khăn…, thậm chí tình hình Biển Đông đã tác động tiêu cực đến hình ảnh điểm đến Việt Nam an toàn và hấp dẫn”, ông Tuấn nói và dẫn số liệu được Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) công bố mới đây để chứng minh cho thực tế này.
“Tình hình Biển Đông có thể còn diễn biến phức tạp và kéo dài. Nếu ngành du lịch không có các giải pháp nhạy bén, kịp thời và đúng hướng, thì du lịch Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng mạnh do sụt giảm lượng khách trong năm 2014”, ông Tuấn nhận định.
Trong khi đó, sự sụt giảm về kim ngạch xuất nhập khẩu trong hai tháng 5 và 6 cũng đã được chỉ ra. Cụ thể, theo số liệu của Tổng cục Thống kê, kim ngạch xuất khẩu tháng 5 và tháng 6 ước giảm lần lượt là 5,28% và 2,5% so với tháng trước đó; trong đó, xuất khẩu sang Trung Quốc giảm lần lượt là 6,9% và 2,5%.
Nhìn ở góc độ đầu tư, TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) lại cho rằng, sẽ ít có khả năng Trung Quốc dừng đầu tư ở Việt Nam, mà đáng lo ngại hơn là những ảnh hưởng đến môi trường đầu tư. “Luồng đầu tư dịch chuyển từ Trung Quốc sang các nước khác hiện nay có thể sẽ ít vào Việt Nam hơn. Về trung và dài hạn, cần cân nhắc yếu tố này”, ông Cung nói.
Nhận diện quan hệ Việt - Trung
Những tác động nêu trên có lẽ chủ yếu mang tính ngắn hạn. Đó là thực tế, bởi thông tin cả từ Bộ Công thương lẫn Tổng cục Du lịch đều khẳng định, từ tháng 7, kể cả du lịch và xuất nhập khẩu đều đã có những tín hiệu khả quan hơn.
Tuy nhiên, một cách thẳng thắn, TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, phải nhìn những tác động của tình hình Biển Đông với kinh tế Việt Nam trong cả ngắn hạn và dài hạn. “Phải nhìn sự kiện gây hấn ở Biển Đông của Trung Quốc không phải là sự kiện đơn lẻ, mà là một chuỗi và có thể kéo dài, để hiểu rõ và có những tác động trong dài hạn và có đối sách để xử lý”, ông Thiên nói và cho rằng, vấn đề lớn nhất đối với Việt Nam hiện nay chính là sự lệ thuộc nhiều vào Trung Quốc.
Điều này, trên thực tế, không phải là lần đầu tiên được nhắc tới. Bởi một điều rất rõ ràng là, Việt Nam đang nhập siêu rất lớn từ Trung Quốc. Tốc độ tăng nhập siêu từ Trung Quốc trong vòng 12 năm qua lớn tới mức ông Thiên cảm thấy “khủng khiếp”: gấp trên 100 lần. 6 tháng đầu năm nay, con số này là 13,1 tỷ USD, vẫn tăng mạnh so với cùng kỳ năm ngoái.
Tất nhiên, đúng như ông Trần Thanh Hải, Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) đã nói, phải nhìn cả khía cạnh tích cực của nhập siêu - nhờ nhập siêu lớn từ Trung Quốc mới có xuất siêu sang các thị trường khác, song việc Việt Nam đang phụ thuộc quá lớn vào nguồn nguyên liệu, máy móc, thiết bị nhập khẩu từ thị trường này là điều rất đáng bàn.
Hiện có tới 46,3% nguyên liệu dệt may; 70,8% điện thoại và linh kiện; 50% phân bón; 35,2% máy móc, thiết bị… được Việt Nam nhập khẩu từ Trung Quốc.
“Chúng ta không có công nghiệp hỗ trợ, do vậy hoàn toàn phụ thuộc vào Trung Quốc. Và đây là sự lệ thuộc về cấu trúc, chứ không đơn thuần là về mặt hàng nữa”, ông Thiên nhận định.
Chưa kể, nhắc đến chuyện nhiều công trình trọng điểm quốc gia, 17 - 18 nhà máy nhiệt điện, nhiều nhà máy xi măng… do nhà thầu Trung Quốc thực hiện, dù đấu thầu rẻ, nhưng lại đắt về thời gian và chi phí, do công trình thường thi công kéo dài, làm đội dự toán, ông Thiên cho rằng, phải làm rõ cả sự “đắt giá” này, để tránh nguy cơ tụt hậu. Để tiến tới cơ bản trở thành một nước công nghiệp hóa vào năm 2020, các công trình trọng điểm của Việt Nam phải sớm được đưa vào vận hành.
Mặc dù vậy, trên một khía cạnh khác, dẫn con số về thương mại hai chiều năm 2013 là 49,2 tỷ USD, 6 tháng đầu năm 2014 là 28,1 tỷ USD, GS-TSKH Nguyễn Mại lại cho rằng, giữa Trung Quốc và Việt Nam đã nảy sinh quan hệ “tùy thuộc” về thương mại, chứ không phải là biểu hiện sự lệ thuộc của kinh tế Việt Nam vào Trung Quốc. “Có chăng chỉ một phần trong mối quan hệ đó là lệ thuộc do tư tưởng và tập quán ỷ lại của một số doanh nghiệp Việt Nam”, ông Mại nói.
Hành xử cách nào?
Có chung quan điểm với GS-TSKH Nguyễn Mại, nhìn một cách rộng hơn trong thương mại quốc tế, ông Trần Thanh Hải đã nhắc đến một sự phụ thuộc lẫn nhau trong quan hệ kinh tế, thương mại toàn cầu. “Không quốc gia nào có thể thoát khỏi sự phụ thuộc lẫn nhau. Ngoài Trung Quốc, chúng ta còn phụ thuộc vào các thị trường khác nữa. Ví dụ, hàng năm, Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ 23,87 tỷ USD, như vậy cũng là phụ thuộc vào thị trường này. Vì thế, không thế phủ nhận vai trò nhập khẩu từ Trung Quốc. Trung Quốc là công xưởng của thế giới, không chỉ Việt Nam, mà nhiều quốc gia khác cũng nhập khẩu từ thị trường này. Vấn đề hiện nay là phải tránh sự phụ thuộc quá lớn vào một thị trường, phải tạo được sự độc lập về mặt kinh tế, trong đó có thương mại”, ông Hải nói.
Cần xây dựng được một nền kinh tế độc lập, tự chủ cũng là điều được các chuyên gia kinh tế đồng tình khi bàn về những tác động của tình hình Biển Đông với kinh tế Việt Nam. Ở góc nhìn ngắn hạn, TS. Nguyễn Đình Cung cho rằng, dù Trung Quốc ít có khả năng cấm vận thương mại với Việt Nam, mà thay vào đó có thể là dựng lên các rào cản thương mại, thì Việt Nam cũng vẫn có cơ hội để “hóa giải” những tác động này, như điều chỉnh thị trường bằng cách xuất khẩu thông qua nước thứ ba vào Trung Quốc, hay tìm các nguồn cung thay thế.
“Ví dụ với thị trường nguyên phụ liệu dệt may, Trung Quốc hiện chỉ chiếm khoảng 22% thị trường bông, 27% thị trường xơ nhận tạo, 31% thị trường sợi nhân tạo toàn cầu. Có nghĩa là, không quá khó để Việt Nam tìm nguồn cung thay thế. Thậm chí, về lâu dài có thể còn tốt hơn, nếu xét về trình độ công nghệ, độ an toàn, và ngày cả độ “rẻ hơn” trong dài hạn”, ông Cung nói.
Một cách hành xử quan trọng khác, với tầm nhìn dài hạn, cũng đã được TS. Trần Đình Thiên nói tới, sau khi nhấn mạnh rằng, việc Trung Quốc gây hấn ở Biển Đông sẽ là một câu chuyện dài. “Không thể mãi đi dưới cái ‘bóng’ của Trung Quốc. Nếu lệ thuộc mãi vào thị trường là rất nguy hiểm. Vì thế, phải nhân cơ hội này, dù là Trung Quốc có giữ nguyên quan hệ kinh tế, thương mại với Việt Nam đi chăng nữa, cũng phải nhanh chóng thay đổi cấu trúc của nền kinh tế”, ông Thiên nói và hiến kế rằng, chỉ có một cách để Việt Nam đi lên đó là thực hiện đúng lộ trình thị trường hóa, xây dựng kinh tế thị trường một cách triệt để và cách đi là bằng sự đột phá bằng thể chế, chứ không phải là bằng các ưu đãi con con, khiến không thể thu hút “những người làm ăn lớn”.
Phân tích kỹ hơn, TS. Nguyễn Đình Cung cho rằng, điều quan trọng trong việc tránh lệ thuộc vào Trung Quốc không phải chỉ là “thoát” về thương mại, đầu tư, mà cần một sự thay đổi về tư duy để có một nền kinh tế mạnh và năng động.
“Thay đổi trước hết phải là tự do dân chủ trong kinh tế; thực sự tháo bỏ các nút thắt thể chế đang cản trở cải cách đột phá chuyển mạnh sang kinh tế thị trường đầy đủ, hiện đại”, ông Cung đề xuất.
Trong khi đó, ở một khía cạnh khác, theo ông Lê Anh Tuấn, Giám đốc Nghiên cứu Công ty Quản lý quỹ Dragon Capital, điều quan trọng là tập trung vào cải cách các vấn đề của nội tại nền kinh tế. “Đó mới là vấn đề quan trọng”, ông Tuấn nói.
Theo Báo Đầu tư
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Hội chợ đặc sản 2024: Cầu nối đưa sản phẩm Việt vươn xa
Xăng giảm giá
Giá ngoại tệ ngày 22/11/2024: USD đạt đỉnh 13 tháng, chạm mốc 107,05 điểm
Giá vàng trong nước ngày 22/11: Tiếp tục tăng mạnh
Giá vàng thế giới: Tăng mạnh, đạt đỉnh hơn một tuần qua
Giá nông sản ngày 22/11/2024: Cà phê, hồ tiêu đồng loạt tăng mạnh
Cột tin quảng cáo