Tin tức - Sự kiện

'Kiểm toán như ông vua, muốn làm gì thì làm'

Các đại biểu Quốc hội cũng nêu ra thực tế hiện nay có một số cán bộ kiểm toán làm việc chưa công tâm khiến các đơn vị lo sợ.

Chiều 29/10, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận ở tổ về Dự án Luật kiểm toán nhà nước (sửa đổi).

Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) cho biết đã nhận được phản ánh của nhiều địa phương cho rằng đội ngũ kiểm toán thường xuyên gây sức ép.
 
Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng)
 
"Về địa phương người ta kêu cái đội ngũ kiểm toán này lắm. Kiểm toán như ông vua, muốn làm gì thì làm”, đại biểu Nguyễn Bá Thuyền nói.
 
Vị đại biểu này cũng cho biết, các địa phương so sánh lực lượng kiểm toán này với thanh tra. “Thanh cha (thanh tra), thanh mẹ, thanh dì, hễ nhận phong bì là nói thanh kiu (thank you)”. Nếu vẫn còn có hành động này xảy ra thì lực lượng kiểm toán sẽ mất lòng tin đối với nhân dân.
 
“Không làm được việc này thì các địa phương kêu kinh lắm. Đi đâu cũng hành thế thì khổ lắm”, đại biểu Nguyễn Bá Thuyền nhắc lại những chia sẻ của các địa phương.
 
Vì vậy, ông Thuyền cho rằng cần phải xây dựng đội kiểm toán viên có bản lĩnh, tinh thông nghiệp vụ, liêm khiết và trong sáng về đạo đức, lối sống. 
 
Bên cạnh đó, kết quả kiểm toán cần phải đem ra sử dụng công khai, minh bạch. “Kiểm toán có khi vứt một đống cho đại biểu Quốc hội rồi cũng có người đọc, người không đọc. Vì vậy không có tác dụng. Năm nào cũng phải kiểm toán thì chi phí rất lớn, rất tốn kém”, đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng nêu ý kiến.
 
Kiểm toán nhà nước
 
Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền cho rằng không nên kiểm toán tất cả doanh nghiệp. Kiểm toán nhà nước chỉ cần kiểm toán các doanh nghiệp nhà nước và các doanh nghiệp có 50% vốn nhà nước chi phối. Ngoài ra, tất cả các doanh nghiệp khác kiểm toán là do kiểm toán độc lập sẽ đảm nhiệm.
 
Vấn đề nợ công cũng phải được kiểm toán một cách công khai, minh bạch. Trình bày trước Quốc hội, đại diện Chính phủ cho rằng nợ công vẫn ở mức an toàn nhưng người dân không thực sự yên tâm.
 
“Cần phải kiểm toán xem tất cả nợ công thực sự của mình là bao nhiêu và cần phải công khai, minh bạch”, đại biểu Thuyền nêu ý kiến.
 
Bên cạnh đó, kết quả kiểm toán phải công khai, minh bạch “chứ cứ kiểm toán xong lại bảo phải bí mật số liệu thì chẳng có ý nghĩa gì. Đề nghị công bố công khai cho nhân dân được biết”.
 
Đối với nhiệm kỳ của tổng kiểm toán nhà nước, ông Thuyền đề nghị nhiệm kỳ cùng với với nhiệm kỳ Quốc hội là 5 năm, hết 5 năm thì bầu lại. 
 
Cũng có cùng quan điểm này, đại biểu Nguyễn Hữu Quang (Thanh Hóa) cho rằng, hiện nay, kết luận của kiểm toán vẫn chỉ là những kiến nghị, chưa có giá trị hành chính và pháp lý để xử lý đơn vị vi phạm. 
 
Do đó, đại biểu đề nghị, cần nâng cấp giá trị báo cáo, kết luận của kiểm toán nhà nước lên một mức cao hơn để các đơn vị được kiểm toán phải thực hiện. 
 
Bên cạnh đó, đại biểu Quang cũng đề nghị cần tăng cường trách nhiệm, trình độ chuyên môn và phẩm chất đạo đức của cán bộ kiểm toán.
 
Góp ý cho dự thảo luật, đại biểu Huỳnh Phước Lộc (TP. Hồ Chí Minh), cho rằng, dự thảo Luật cần có điều khoản chế tài cụ thể để nâng cao giá trị pháp lý của kết luận kiểm toán, tránh tình trạng cùng một vấn đề kiểm toán nhưng kiểm toán năm sau lại đưa ra những kết luận khác với năm trước.
Theo VTC News
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo