Tin tức - Sự kiện

“Lạnh người” đá bẩn tràn lan quán nước vỉa hè

Cầm cốc nước mía từ cô chủ quán rồi “tu” nhanh một hơi để giải khát, tôi suýt nôn khi ngửi thấy mùi tanh xộc lên. Nhìn xuống cốc nước, mới để ý một lớp váng đang nổi lên và xác kiến chết đóng băng trong những viên đá lạnh…
Nắng nóng, đá lạnh được xem như cứu cánh giúp mọi người giải khát nhanh nhất, nhất là giữa thời tiết trên 40 độ C như mấy hôm nay thì nhu cầu dùng đá lạnh lại càng cao. Thế nhưng, không phải quán nước nào cũng có đá sạch để bán.
 
 
Ngồi uống nước mía ở một quán nước trên đường Đại Cồ Việt, tôi không khỏi giật mình khi thấy một tảng đá lớn đang được chặt nhỏ bằng chiếc dao đã hoen rỉ, tróc vẩy. Mồ hôi của ông chủ hàng nước cũng rơi lã chã trên mặt cây đá.


Những tảng đá lớn được chặt trên một tấm bạt mỏng đã nhàu nhĩ trải ra giữa nền đất ẩm thấp, khi chặt, viên đá nào té ra ngoài tấm bạt, dính đất bẩn thì chủ quán cũng chẳng hà hấn gì nhặt lên bỏ vào thùng xốp để sử dụng như thường.
 
 
Chỉ cần nhìn thoáng qua cũng biết đây là đá cây - loại đá thuộc diện "Nghiêm cấm sử dụng cho giải khát" theo quy định của Sở Y tế Hà Nội, nêu rõ trong Công văn số 981. Thế nhưng, không ít các quán nước hiện nay vẫn "chuộng" dùng loại đá này bởi giá thành của nó. 
 
 
Được hỏi vì sao không dùng đá viên để khỏi mất công chặt đá, một chủ quán trà đá trên đường Khâm Thiên nhanh nhảu nói: "Gớm, trà đá 2000 ngàn/cốc, nếu dùng đá viên thì còn lời lãi gì nữa. Với cả đá cây lâu tan hơn, đá viên nhanh tan lắm. Không phải chỉ dùng cho khách đâu, gia đình tôi vẫn uống bằng đá cây này mấy năm nay nay, có ai bị làm sao đâu?" - Cái "lí" của người bán hàng khiến ai nghe cũng chỉ biết lắc đầu ngao ngán.
 
 
Được biết 1kg đá sạch hiện giờ đắt gấp đôi, gấp ba đá cây, bên cạnh đó đá cây dễ bào nhỏ hơn so với đá viên, vì vậy loại đá được liệt vào hàng cấm này vẫn "ung dung" được cho vào nước uống ở các quán nước, đặc biệt các quán chè, nước mía lại càng sử dụng chủ yếu loại đá cây này.
 
 
Đá đã bẩn, khâu bào đá ở các quán chè còn "kinh dị" hơn: "Tôi hãi thực sự khi thấy cô chủ quán chè trên đường Lê Văn Lương đặt một tảng đá lạnh trên tấm ván ố bẩn, một tay cầm một chiếc khăn như khăn lau bàn để giữ đá, còn tay cầm dụng cụ bào cũng đã hoen rỉ để bào.
 
 
Nhìn chủ quán bào đá mà lạnh cả người, hết muốn ăn chè luôn." - Chị Mai Phương, nhân viên một công ty bảo hiểm nói.
 
 
Đến các cơ sở sản xuất đá cây trên đường Lê Duẩn, Tam Trinh, Nguyễn Trãi hay Dịch Vọng Hậu... đều thấy cảnh người mua bán đá cây diễn ra tấp nập cả ngày. Vào những ngày trời nóng, các "lò" đá cây này phục vụ khách mệt nghỉ. Giả mua đá để "mục sở thị" thì mới biết nước chủ yếu sử dụng để làm đá là nước được bơm lên từ giếng khoan, và những khung sắt để đựng đá cũng đều rỉ sét vàng ố. Không cần nói cũng biết khi rỉ sét này hòa tan, ngấm vào nước sẽ làm nhiễm độc cả cây đá như thế nào, thế nhưng loại đá này vẫn bán chạy mỗi ngày. 
 
 
Ngoài nơi sản xuất đá cây lớn, vẫn có những nơi "phân phối" đá cây mọc ở nhiều nơi để tiện cho khách mua đá. Những nơi "phân phối" này xếp đá vào một góc vỉa hè, trùm bạt lên để giữ đông cho đá, thỉnh thoảng khi chưa có khách thì người bán còn... ngồi lên các tảng đá "cho mát", khiến không ít người đi qua phải há hốc vì độ "vô tư" của người bán. 
 
 
Đây là nơi cấp đá lạnh cho cả một khu phố.
 
Đá cây được "giữ lạnh" trong những tấm bạt cáu bẩn, bốc mùi.
 

Vì nhiều khách tỏ ra "kỳ thị" đá tảng đập nhỏ, nên khi đến các quán nước, thấy có sử dụng đá viên thực khách lại yên tâm uống nước mà không hề biết rằng đó vẫn chưa chắc là đá sạch. Các cơ sở sản xuất đá cây cũng cố "ăn theo" làm ra loại đá viên đang dần phổ biến vài năm gần đây.

 

Tuy nhiên, loại đá này cũng chỉ là nước giếng khoan đóng băng, được làm cẩu thả nên nhìn loại đá viên này thường vụn, không mang khuôn nguyên vẹn, viên lớn, viên bé rất lộn xộn.

 
Trời nắng nóng, tôi dừng ở một quán trà chanh trên đoạn Ngã Tư Sở. Ly trà chanh mát lạnh được bê ra, tôi vội "tu" nhanh một hơi để giải khát. Bỗng một mùi tanh xộc lên, vội nhìn xuống cốc nước thì tôi mới để ý một lớp váng nổi lên và xác kiến chết đóng băng trong những viên đá lạnh… Không phải hỏi cũng biết những viên đá này được đập nhỏ ra từ đá cây, được đóng bằng nước giếng khoan tanh chát.
 
  
Tôi định nói với chủ quán về những viên đá "kiến chết đóng băng", thì lại thấy chủ quán hớt hải sục tay vào thùng xốp, bốc đá bỏ vào cốc để bán nước cho những vị khách mới. Những vị khách kia cũng vội vàng cầm lấy ly trà chanh rồi uống vô tư, chẳng hề biết rằng mình vừa uống một thứ nước hỗn tạp giữa nhiều loại vi khuẩn.
 
 
Không chỉ một quán trà chanh này, mà còn rất nhiều quán giải khát, nước mía, trà đá... đang sử dụng loại đá bẩn này. Vậy là vào mùa hè, không những người đân phải đối mặt với cái nắng nóng gay gắt mà còn cả những nguy cơ bệnh tật đến ngay từ cốc nước giải khát thường ngày nơi vỉa hè...
 
 
 
Theo Sức khỏe & Đời sống
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo