Tin tức - Sự kiện

“Lão già” Trần Đăng Khoa phát hoảng vì ý thức giao thông của người trẻ

“Tai nạn giao thông nhiều, hình ảnh Thủ tướng Đức chạy quanh hồ Gươm thật thanh bình, nhưng thanh bình vậy mà người chết vì giao thông còn nhiều hơn chiến tranh"
Nhà thơ Trần Đăng Khoa đã thốt lên như vậy trong Chương trình tọa đàm cũng giới trẻ có tên “Vì bạn còn có ngày mai” do Học viện Lãnh đạo FPT (FLI) phối hợp cùng với Công ty TUV Nord Việt Nam tổ chức.
 
Chương trình có nhiều sinh viên các trường đại học tại Hà Nội, các bạn trẻ FPT và nhiều thanh niên đang trong độ tuổi tham gia giao thông. Đến muộn so với dự kiến, Nhà thơ Trần Đăng Khoa thanh minh ngay là “bị tắc đường”. Chẳng thế ông không chúc điều gì ngoài chúc các bạn trẻ an toàn khi tham gia giao thông.
 
Nhà thơ Trần Đăng Khoa tham gia chương trình với thông điệp gửi các bạn trẻ tham gia giao thông an toàn.
 
“Tôi không chúc các bạn hạnh phúc mà chỉ chúc các bạn an toàn – đi an toàn vì đằng sau các bạn là người yêu, là vợ con, bố mẹ, anh em, các em. Chúng ta có an toàn thì chúng ta có ngày mai, chúng ta có tất cả. Tôi đưa ra lời chúc kỳ khôi như thế vì chẳng có nơi nào ở Việt Nam vì tai nạn giao thông khủng khiếp thế. Phải công nhận trong thời gian gần đây Hà Nội thanh bình vô cùng nhưng những người chết vì tai nạn giao thông còn kinh hơn thời chiến tranh” Nhà thơ Trần Đăng Khoa nói.
 
Dẫn ra nhiều ví dụ điển hình vì tai nạn giao thông xảy ra bất ngờ cho giới trẻ hiểu được mức độ nguy hiểm của thực trạng vi phạm an toàn giao thông, “lão già” Trần Đăng Khoa cho biết, có những người ở trong nhà cũng bị chết vì tai nạn giao thông, người phụ nữ đang ngủ trưa cũng bị xe tải đâm, ất ơ không biết thế nào. 
 
GS. Nguyễn Văn Đạo – GS hàng đầu toán học của Việt Nam, thế giới biết đến ông nhưng lại chết vì tai nạn giao thông khi đang đi bộ thể dục.
 
Một nhà toán học quốc tế nổi tiếng sang bên kia đường đi đúng luật giao thông của Mỹ và chết vì tai nạn. Thậm chí còn có chuyên gian sang nước ta giúp đất nước cải tiến tình hình giao thông, chưa kịp giúp cũng bị chết vì giao thông.
 
“Một người bạn nước ngoài của tôi đến Việt Nam, tôi đi đón bà tại sân bay Nội Bài, bà kinh hoàng khi thấy cảnh giao thông hỗn loạn, bà hoảng sợ vô cùng. Tôi có khuyên bà rằng không có gì đáng sợ đâu, chúng tôi cũng có quy luật của chúng tôi đấy. Tôi có nói với bà quy luật muốn đi an toàn ở Việt Nam là: chỉ có nhìn trước, thằng đằng sau kệ nó; nhìn về phía trước, đi về tương lai chứ không để ý quá khứ. Chỉ cần tránh thằng đằng trước, thằng đằng sau sẽ phải tránh tôi, nếu theo quy luật này bạn sẽ an toàn” Nhà thơ Trần Đăng khoa rút ra bài học.
 
Theo nhà văn Trang Hạ, một phần cũng do môi trường giao thông Việt Nam không ủng hộ việc cư xử tử tế.
 
Chia sẻ thêm về giao thông Việt Nam, ông nói tiếp đây là điều không vui lắm, nhưng tai nạn giao thông như vậy, những người đứng đầu đã từng đưa ra các chính sách, quy định “kinh hồn”. Lấy ví dụ quy định xe đi ngày chẵn ngày lẻ, xe chính chủ, cấm nhà báo không chụp ảnh cảnh sát giao thông, dự thảo quy định xe tắc-xi phải đủ 4 người…Đó là những quy định kỳ khôi! Dù chỉ dừng lại ở dự thảo, rất may có báo chí và dư luận lên tiếng đã điều chỉnh được.
 
Đi nhiều, học hỏi nhiều từ các nước trên thế giới, “lão già” Trần Đăng Khoa rất ấn tượng với trật tự giao thông tại Nga. Ông cho biết, người Nga chủ yếu đi tàu điện ngầm. Nhờ thơ mong rằng ở Việt Nam có tàu điện ngầm, nhưng nếu xây dựng thì rất khó, nếu làm theo quy mô như các nước chắc chúng ta sẽ mất…10 năm nhưng đào tạo người ý thức tham gia giao thông tốt chắc mất nửa thế kỷ!
 
“Muốn giải quyết bài toán giao thông ở Việt Nam thì chỉ có xây dựng tàu điện ngầm nhưng tôi sợ nhất, kinh nhất là rút ruột công trình, bớt xén tư vật liệu. Cũng có thể tôi đã già nên hơi bi quan về điều đó! Tôi trông chờ các bạn trẻ đưa nước ta lên tầm cao mới!” Nhà thơ bày tỏ.
 
Nhắn với các bạn sinh viên, giới trẻ trong độ tuổi tham gia giao thông chẳng may bị va quệt, hoặc bị người khác đâm xe, nhà văn Trang Hạ cho rằng, có 1 số người trong đám đông tự cho mình có quyền được nổi giận. Cố gắng đừng trở thành người nổi giận. Chúng ta có thể cư xử đẹp như văn phòng, nơi công sở… nhưng sao khi tham gia giao thông thì cư xử lại hoàn tác khác?
Theo nhà văn Trang Hạ, một phần cũng do môi trường giao thông Việt Nam không ủng hộ việc cư xử tử tế.
 
“Đứng trước vạch đèn đỏ, nếu bạn vượt thì nhiều người sẽ vượt theo, nếu bạn dừng thì nhiều người sẽ dừng. Nhiều người không phải họ không biết tín hiệu mà họ luôn sợ thiệt hơn nhưng nưgời khác. Những lúc như vậy bạn cần phải phải tự bật đèn đỏ trong lòng. Khi bạn nghĩ còn nhiều điều tốt đẹp chờ mình vào ngày mai, tương lai của bạn đang ở phía trước thì bạn sẽ điều chỉnh được tâm thế, cách ứng xử với tín hiệu giao  thông” Nhà văn Trang Hạ khuyên.
 
Theo ủy ban an toàn giao thông quốc gia, trong năm 2013 có 29.385 vụ tai nạn trong đó 9.369 người chết. Năm 2014, trong 9 tháng đầu năm toàn quốc có 18.697 vụ tai nạn giao thông, chết 6.758 người.
 
 

 Chương trình tọa đàm “Vì bạn còn có ngày mai”, do FPT và Công ty TUV Nord Việt Nam phối hợp tổ chức. Đây là một trong những hoạt động thuộc dự án GOsmart “Thúc đẩy phát triển bền vững thông qua chương trình an toàn giao thông đường bộ” do Tuv Nord Việt nam thực hiện. 

 

Thông qua tọa đàm này, dự án truyền tải thông điệp: Thế hệ trẻ ngày nay cần phải có trách nhiệm với cuộc sống của bản thân và cả xã hội. Trách nhiệm đó không cần là những điều “đao to búa lớn” hay để lại những thành tựu vĩ đại, mà được thể hiện ngay từ những việc nhỏ, suy nghĩ và hành động trong cuộc sống hàng ngày, trong đó có việc ý thức đúng và hành xử có trách nhiệm khi tham gia giao thông. 

Theo Giáo dục Việt Nam
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo