Tin tức - Sự kiện

“Luật ngầm” trên Quốc lộ 5

"Luật ngầm", "làm luật", "chờ làm luật"... là những hành động mà cánh lái xe quá tải hoặc lãnh đạo các doanh nghiệp có xe ôtô chở hàng quá tải đang tiếp tục thực hiện để xe quá tải tiếp tục lưu thông vượt mặt các trạm cân, trạm kiểm soát.

Xe xếp hàng chờ qua trạm cân Hải Dương.

Ngày 19.4, PV lên một chiếc xe container xuất phát từ Hải Phòng đi Hà Nội. Tài xế tên Điệp khẳng định trên quốc lộ (QL5) có 2 trạm cân, nhưng hôm nay chỉ có trạm cân đặt tại Hải Dương hoạt động, còn trạm cân Hải Phòng đã được di chuyển cân tuyến đi Quảng Ninh. Không chỉ có anh Điệp, các tài xế khác đều nắm được lịch trình, biết rõ thời điểm cân, địa điểm của những trạm cân di động trên các tuyến đường mà xe mình sẽ phải đi qua.

Trên đường đi, anh Điệp không ngại ngần chia sẻ: "Hôm nay em lên Hà Nội lấy một container 40 feet về Hải Phòng. Xe của em chắc chắn quá tải, nhưng em... vô tư vì trạm cân tại Hải Dương chỉ cân xe chiều đi từ Hải Phòng, còn xe của em từ Hà Nội về không có trạm cân".

Qua trạm cân: 1 triệu đồng/xe?

Tại cổng Khu công nghiệp Vinashin Lai Vu (nằm sát QL5) có hơn 10 xe container, xe tải, xe chở xăng dầu lặc lè hàng đang đỗ. Cách đó khoảng 1km là trạm cân của lực lượng liên ngành tỉnh Hải Dương đặt tại khu vực gần trạm thu phí Ba Hàng. Các lái xe đang ngồi vạ vật tại mấy quán nước chè đều đang chờ một “tín hiệu” để qua trạm cân. Tài xế xe tải mang BKS tỉnh Thái Nguyên đang đỗ tại đây cho biết, xe của anh chở gạo đi Cao Bằng; xe chỉ được thiết kế chở 30 tấn, nhưng chủ hàng đóng cho xe anh tải trọng... 60 tấn.

Theo lời các lái xe, họ đều đỗ ở đây đã gần nửa ngày chờ qua trạm cân. Phóng viên Lao Động đưa ra thắc mắc: "Trước đây trạm cân hoạt động theo giờ, theo ca thì có thể tranh thủ “giờ vàng” lúc lực lượng liên ngành nghỉ giải lao để qua trạm. Bây giờ, lực lượng liên ngành túc trực 24/24 giờ thì các anh chờ ở đây thì cũng vậy thôi?". Trước câu hỏi “ngô nghê” đó, các lái xe buông một câu gọn lỏn: “Chờ làm luật”.

Khoảng 15 phút sau, một lái xe tải sau khi được cử đi giải quyết “công việc” quay lại thông báo: Thằng chủ quán cơm ở ngay sát trạm cân nhận "thầu" cho xe qua trạm. Nó ra giá 1 triệu/xe, khi nào xe qua an toàn thì giao tiền”.

Không thể chứng kiến toàn bộ quy trình “làm luật” của cánh lái xe, nhưng khoảng 1 giờ sau quay lại, chúng tôi không còn thấy những chiếc xe tải lặc lè chở hàng đỗ chờ qua trạm cân nữa. Tại trạm cân liên ngành Hải Dương cũng không có xe nào phải dừng lại để san tải. Có lẽ bằng "cách nào đó", những chiếc xe quá tải trên đã thoát trạm cân liên ngành với lực lượng liên ngành đông đủ, thiết bị tối tân.

Khi ngồi trên cabin xe container của anh Điệp, tôi nghe cuộc điện thoại của người lái xe này với lãnh đạo Cty. Anh Điệp từ chối đêm hôm đó chở một chuyến hàng từ Hải Phòng đi Hà Nội với lý do xe quá tải, qua trạm cân sẽ bị bắt. Tuy vậy, ngày hôm sau anh Điệp điện thoại lại cho tôi nói: “Đêm qua em vẫn phải đi chuyến hàng đó. Lãnh đạo Cty em cầm đầu “làm luật” để cả đoàn xe 20 chiếc quá tải qua trạm cân an toàn”.

Lái xe mong “làm nghiêm thực sự”

Theo tâm sự của các lái xe, đại đa số họ đều ủng hộ chủ trương cân tải trọng xe. Họ đều là những người làm công ăn lương, phải chạy xe quá tải không tăng thu nhập của họ, trong khi đó họ phải đối mặt với một loạt vấn đề như thiếu an toàn, bị xử phạt nặng. Việc một chiếc xe có quá tải hay không thì từ chủ hàng tới chủ xe, lái xe đều biết. Tuy vậy, khi bị lực lượng chức năng xử lý thì lái xe chính là người đầu tiên lãnh hậu quả. Họ bị tước giấy phép lái xe, phải đi học lại luật đồng nghĩa với việc họ mất thu nhập trong mấy tháng.

Tại sao lái xe vẫn chấp nhận chạy quá tải? Theo họ, điều này xuất phát từ chính sự làm nghiêm... nửa vời của lực lượng chức năng. Trong một Cty, một địa phương, có những lái xe quá tải vẫn “qua” được trạm cân, lái xe khác cũng phải theo vì nếu không nhận chở, chủ xe sẽ giao cho người khác. 

Theo Lao Động
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo