Tin tức - Sự kiện

“Mạnh tay” với doanh nghiệp du lịch “chui”

Thống kê từ Sở VHTTDL thành phố HCM cho thấy, thành phố hiện có 809 Cty du lịch có đăng ký hoạt động với Sở. Trong đó có 351 đơn vị có giấy phép lữ hành nội địa và 458 đơn vị có giấy phép lữ hành quốc tế. Tuy nhiên, số Cty lữ hành “chui” xuất hiện ngày càng nhiều, với nhiều hình thức tinh vi ảnh hưởng không nhỏ tới các doanh nghiệp lữ hành làm ăn chân chính.

(DDDN) Ông Nguyễn Đức Chí - Phó trưởng phòng Lữ hành - Sở VHTTDL cho biết, mỗi tuần phòng Lữ hành phối hợp với Thanh tra Sở đã kiểm tra, lập biên bản và xử phạt hàng chục đơn vị sai phạm với nhiều lỗi thường thấy như: Có giấy chứng nhận kinh doanh do Sở Kế hoạch và Đầu tư cấp là tổ chức tour mà không đăng ký hoạt động lữ hành với Sở VHTTDL, phớt lờ quy định phải có giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế hoặc nội địa và nộp tiền ký quỹ... nhưng vẫn không thể dẹp hết Cty du lịch sai phạm.


Vì đâu nên nỗi

Theo ông Trần Văn Long - GĐ Cty Du lịch Việt, các Cty lữ hành “chui” hoạt động rầm rộ xuất phát từ nhu cầu mua tour giá rẻ của du khách. Đặc biệt, hiện có 2 tuyến mà du khách rất quan tâm là tuyến Thái Lan và Campuchia. Trong đó, Thái Lan được coi là điểm đến được ưa thích. Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2013 đã có 1.459 du khách đăng ký đi tour sang Thái Lan, tăng 28% so với cùng kỳ năm ngoái.

Các công ty hoạt động chui hình thành theo từng mùa. Trong mùa cao điểm họ xuất hiện rầm rộ, qua mùa cao điểm họ biến mất gây ra sự cạnh tranh không lành mạnh. Nhiều Cty nhỏ đưa ra mức giá thấp không tưởng khiến cho các Cty lớn không thể cạnh tranh được về giá. Đây chính là nguyên nhân chính dẫn tới vụ việc Cty du lịch bỏ rơi hơn 700 khách tại Thái Lan vừa qua.

Đồng quan điểm này, ông Nguyễn Minh Mẫn, GĐ Tiếp thị Truyền thông Cty Du lịch Vietravel chia sẻ: Hiện nay, những tour lớn thường do các Cty du lịch uy tín đảm nhận, còn những Cty nhỏ hầu như chỉ sao chép các chương trình, tìm kiếm một đối tác nào đó ở nước ngoài rồi bán khách. Trong khi họ không đảm bảo đủ điều kiện tổ chức tour, thậm chí không có đội ngũ hướng dẫn viên, cộng với việc đối tác bên kia không có đủ năng lực xử lý thì sự cố như của Travel life vừa rồi cũng mới chỉ là khởi đầu.

Thực tế, DN du lịch “chui” hoạt động rầm rộ một mặt vì lợi nhuận mà họ thu được là quá lớn, mặt khác là họ qua mặt cơ quan quản lý nhà nước và đánh lừa du khách có vẻ như quá dễ dàng.

Hiện mức xử phạt cho những trường hợp vi phạm hiện nay là quá nhẹ, không đủ để răng đe. Do đó, các Cty này cứ vô tư hoạt động, khi nào bị bắt thì đóng phạt như phủi bụi, rồi đóng cửa Cty, mở một Cty mới...

Chính quyền vào cuộc

Mới đây, Sở VHTTDL TP HCM đã có văn bản về việc hợp tác với một số cơ quan liên quan để kiểm tra hoạt động lữ hành từ nay cho đến hết năm 2013. Trong đó, nhấn mạnh vấn đề  các điểm tham quan, những quận, huyện có nhiều đơn vị hoạt động kinh doanh lữ hành… để kiểm soát lượng khách đi tour.

Sở cũng đưa ra yêu cầu: Tất cả DN kinh doanh lữ hành, đại lý du lịch sau khi được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh tại Sở Kế hoạch và Đầu tư phải đảm bảo đầy đủ điều kiện kinh doanh lữ hành, đại lý du lịch theo Luật Du lịch, và thông báo cho Sở trong vòng 15 ngày trước khi bắt đầu hoạt động kinh doanh du lịch...

Đồng thời, trong quá trình hoạt động, phải chấp hành nghiêm chỉnh, đúng và đầy đủ các quy định của pháp luật; không hoạt động kinh doanh khi chưa có đủ giấy phép, điều kiện theo luật định và chưa được cơ quan quản lý chấp thuận; Chọn đối tác có thương hiệu, uy tín để hợp tác kinh doanh, tổ chức chương trình du lịch cho khách; Đảm bảo có các phương án dự phòng nhằm triển khai trong trường hợp xảy ra sự cố bất ngờ cho các đoàn khách mình phục vụ; Phải nhanh chóng báo cáo Sở và các cơ quan chức năng có liên quan để được hỗ trợ kịp thời khi xảy ra sự cố trong quá trình thực hiện chương trình du lịch cho khách… Các trường hợp vi phạm, đặc biệt đối với các DN chưa đủ điều kiện kinh doanh lữ hành nhưng hoạt động trái phép sẽ bị xử lý nghiêm.

Sở cũng đã kiến nghị với Tổng cục Du lịch và Bộ VHTTDL xem xét việc bắt buộc treo giấy xác nhận có chức năng kinh doanh lữ hành nội địa hoặc giấy phép hoạt động lữ hành quốc tế (nếu có) lên bảng hiệu của đơn vị lữ hành. Theo đó, nếu kiến nghị này được thông qua sẽ tạo ra sự phân biệt rạch ròi giữa những đơn vị lữ hành làm ăn chân chính và những Cty du lịch “chui”. Điều ấy không chỉ giúp khách hàng an tâm để mua tour của những Cty đã được thẩm định, đây còn là căn cứ để người dân nhận diện và tố giác kịp thời với các cơ quan chức năng về các Cty du lịch “chui”.

Tuy nhiên, câu hỏi mà các DN đặt ra là ngành du lịch có đủ nhân lực để làm việc này. Bởi thực tế, từ trước tới nay, mặc dù Sở đã dành 2 ngày/ tuần để làm công tác kiểm tra, xử phạt các đơn vị lữ hành “chui” nhưng vẫn không thể nào xuể vì địa bàn TP quá rộng. Bên cạnh đó, sự phối hợp giữa ngành du lịch với Sở Kế hoạch và đầu tư cũng như với các địa phương để phát hiện các DN kinh doanh lữ hành trái phép có được chặt chẽ cũng đang là một dấu hỏi...
 
 
N.Thành
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo