Thị trường

“Một cái xúc xích, bảy Bộ quản lý”

Đây là dẫn chứng mà TS.Đặng Đức Đạm, Phó Chủ tịch Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh doanh (BDI) nêu ra khi đề cập đến những thách thức đặt ra đối với quá trình thực hiện Chiến lược tăng trưởng xanh.

TS.Đặng Đức Đạm - Phó Chủ tịch BDI phát biểu khai mạc

 

Tọa đàm “Chiến lược tăng trưởng xanh” do Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh doanh (BDI) phối hợp với viện Hanns Seidel Stiftung (HSF) diễn ra vào ngày 31/10 thu hút sự quan tâm của các chuyên gia kinh tế trong bối cảnh kinh tế xanh, tăng trưởng xanh đang là xu hướng của toàn cầu.

Phân tích những thách thức đặt ra đối với chiến lược tăng trưởng xanh, tất cả các chuyên gia đều khẳng định, nâng lực công nghệ Việt Nam còn thấp và chưa theo hướng xanh. TS.Nguyễn Đại Lai, nguyên Phó vụ trưởng Vụ Chiến lược phát triển ngân hàng (Ngân hàng Nhà nước) nhận định rằng: “ Sau 29 năm đổi mới, cả quá trình dài dằng dặc như vậy nền kinh tế chúng ta vẫn chỉ là mô hình tăng trưởng thô. Nói theo cách nôm na của các cụ là đào mồ cuốc mả, làm tất cả những gì có thể làm được trên bề nổi còn bề chìm thì không có!”. Đó là một nền kinh tế “nâu”, khai thác và sử dụng quá nhiều năng lượng từ nhiên liệu hóa thạch và các nguồn tài nguyên thiên nhiên.

Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia kinh tế lo ngại khi số lượng thiết bị công nghệ cũ của Trung Quốc đã và đang hoạt động tại các đơn vị sản xuất trong nước. TS. Đặng Đức Đạm nhấn mạnh, Việt Nam từng có hai bài học cay đắng về công nghệ. Thứ nhất là từng xây dựng rất nhiều xi măng lò đứng bằng công nghệ lạc hậu của Trung Quốc. Thứ hai là nhập khẩu máy móc đặc biệt là các loại máy để sản xuất thép. Tại Việt Nam, theo thống kê của Hiệp hội thép có tới 55% nhà máy thép sử dụng thiết bị cũ của Trung Quốc, chủ yếu sản xuất thô. Ông cảnh tỉnh: Đừng để Việt nam là “đất lành” cho công nghệ phế liệu Trung Quốc!

Công nghệ xanh được xem như chìa khóa của tăng trưởng xanh, thông qua việc sản xuất và ứng dụng  thiết bị, hệ thống tiết kiệm năng lượng, thân thiện với môi trường. Hàn Quốc là một trong những quốc gia đầu tiên đặt tăng trưởng xanh trong chiến lược quốc gia của mình. Năm 2009, chính phủ nước này đã đầu tư 85 tỷ USD vào công nghệ năng lượng sạch và đưa ra kế hoạch tăng trưởng xanh; tạo hơn 1 triệu việc làm mới và củng cố nhành công nghiệp xuất khẩu công nghệ sạch.

Một trong những trở ngại khác của thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh là bất cập về cơ chế quản lý của nhà nước. Sự chồng chéo giữa các quan quản lý, nạn phong bì “lót tay” làm doanh nghiệp thiệt hại hàng tỉ đồng. T.S Đạm có dẫn ra câu chuyện của một doanh nghiệp Đức chuyên sản xuất xúc xích từ công nghệ và nguyên liệu nhập khẩu có chứng từ đảm bảo chất lượng. Nhưng để vào Việt Nam phải cần qua 7 Bộ quản lý (bộ Y tế, bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, bộ Công thương, bộ Tài nguyên và Môi trường, bộ Tài chính (cùng với Tổng cục Thuế và Tổng cục Hải quan), bộ Khoa học Công nghệ và bộ Công an). Hay chuyện “cha chung không ai khóc” trong xử lý rác thải khi có tới 3 Bộ quản lý vấn đề này.

Liên quan đến vấn đề vốn hỗ trợ tăng trưởng xanh, TS. Đặng Đức Đạm đưa ra ý kiến sử dụng nguồn vốn cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước. Nguồn vốn thu được từ cổ phần hóa sẽ đầu tư cho các bệnh viện, cải cách giáo dục, phát triển công nghệ cao, ứng phó với biến đổi khí hậu, đầu từ cho nông thôn, nông dân, vùng biển đảo và miền núi.

Ông Axel Neubert – Trưởng đại diện viện HSF tại Hà Nội chia sẻ kinh nghiệm về nguồn tài trợ: “Không có bữa trưa nào mà không tốn phí. Chắc chắn tăng trưởng theo kinh tế xanh sẽ mất phí. Ở châu Âu, giá một lít xăng cao gấp 2 lần Việt Nam. Việt Nam hay Indonesia không có thuế đánH vào giá xăng, thậm chí các bạn còn trợ cấp cho giá xăng. Vấn đề ở đây là người dân nghèo chưa chắc đã được hưởng lợi từ kinh tế xanh. Bởi vì chỉ có 5% người dân nghèo sử  dụng xăng. Ví dụ cho thấy chính sách xăng chưa chắc là chính sách đúng.”

TS.Đặng Đức Đạm mong muốn tọa đàm “Chiến lược tăng trưởng xanh” sẽ góp phần gióng lên hồi chuông trong toàn xã hội về triển khai chiến lược tăng trưởng xanh, kinh tế xanh.

Một khách mời chia sẻ trước khi buổi tọa đàm khép lại: “Tôi làm nhà thương mại tôi chỉ mơ thấy là dân ta nhất là dân nghèo được ăn bữa cơm cho an toàn. Đấy là tăng trưởng xanh. Bây giờ các bà nội trợ bảo đi chợ không biết mua cái gì ăn cái gì. Tôi cho cái đó hiện nay đang là nhức nhối của xã hội chúng ta. Cho nên muốn tăng trưởng xanh thì hãy lo tăng trưởng ăn xanh đã!”

 

 Ngày 25 tháng 9 năm 2012, Thủ tướng Chính phủ ra quyết định phê duyệt “ Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2011 – 2010 và tầm nhìn đến 2050” với 3 mục tiêu cụ thể: Tái cấu trúc và hoàn thiện thể chế kinh tế theo hướng xanh hóa các ngành hiện có và khuyến khích phát triển các ngành kinh tế sử dụng hiệu quả năng lượng và tài nguyên với giá trị gia tăng cao; Nghiên cứu, ứng dụng ngày càng rộng rãi  công nghệ tiên tiến nhằm sử dụng hiệu quả hơn tài nguyên thiên nhiên, giảm cường độ phát thải khí nhà kính, góp phần ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu; Nâng cao đời sống nhân dân, xây dựng lối sống thân thiện với môi trường  thông qua tạo nhiều việc làm từ ngành công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ xanh, đầu tư vào vốn tự nhiên, phát triển hạ tầng xanh.”

Thu Hà
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo