"Một chữ cũng có thể khiến doanh nghiệp mất cả tỷ đồng"
Theo ông Hiếu, quản lý là trách nhiệm của cơ quan nhà nước, nhưng làm sao để có được phương pháp quản lý rẻ nhất, ít tác động lên chi phí và tiết kiệm thời gian nhất cho doanh nghiệp.
"Một chữ chúng ta viết ra có thể gây chi phí cả tỷ đồng cho doanh nghiệp, cho xã hội. Vì vậy, cái quan trọng nhất là chúng ta đưa ra quy định gì, viết ra cái gì, vừa phải đảm bảo đòi hỏi ngày càng cao của xã hội vừa phải thực sự giảm được chi phí cho doanh nghiệp", ông nói.
“Tôi đã từng chứng kiến có doanh nghiệp khóc ngay trong cuộc hội thảo vì thủ tục”, ông Hiếu nói và cho biết, một sản phẩm phải đợi 30 ngày chưa bán được ra thị trường thì có thể bị đối thủ cạnh tranh chiếm lĩnh thị trường, doanh nghiệp rơi vào nguy cơ phá sản.
Cũng theo Phó Viện trưởng CIEM, thời gian qua lần đầu tiên chúng ta thống kê và đưa ra các con số về giấy phép con. “Tôi không cho rằng nhiều có nghĩa là xấu và ít có nghĩa là tốt. Cái đáng bàn ở đây là chúng ta nhìn về mặt nội dung. Chủ trương của Chính phủ hiện nay là chúng ta đang thúc đẩy sự cạnh tranh, thúc đẩy sự sáng tạo, để có thể đưa doanh nghiệp Việt Nam vào giai đoạn cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu”, ông Hiếu nói.
Tuy nhiên qua kiểm tra rà soát, ông Hiếu cho biết có rất nhiều điều kiện kinh doanh có tác động ngược lại, cản trở cạnh tranh, cản trở sự sáng tạo, tăng rủi ro cho doanh nghiệp. Chính vì thế, Chính phủ đang quyết tâm bãi bỏ những điều kiện kinh doanh đang đi ngược lại sự thúc đẩy sáng tạo, sự cạnh tranh của doanh nghiệp.
“Ở đây bãi bỏ điều kiện kinh doanh là thay đổi tư duy quản lý nhà nước, bãi bỏ tư duy quản lý can thiệp sâu vào hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, thúc đẩy doanh nghiệp cạnh tranh, sáng tạo. Đó là thông điệp chính của cuộc cải cách lần này”, ông Hiếu nhấn mạnh.
Vị này cho biết thêm, hiện nay nước ta có hơn 500.000 doanh nghiệp hoạt động, nhưng sắp tới có thể là 1 triệu, 2 triệu, 3 triệu. Do vậy việc kiểm soát cả tiền kiểm và hậu kiểm, là điều không thể. Chính vì vậy, các bộ, ngành buộc phải phân loại được loại doanh nghiệp, sản phẩm dịch vụ, kèm theo đó là các nguy cơ gây rủi ro thấp hay cao.
Một điều quan trọng nữa theo ông Hiếu, đó là từ trước đến nay, chúng ta đang quên vai trò của người tiêu dùng, của xã hội trong việc tham gia giám sát.
“Nhà nước không phải là người duy nhất giám sát, mà cần thúc đẩy sự tham gia giám sát của xã hội. Đây là điều rất quan trọng trong việc quản lý rủi ro. Chúng ta nên chuyển hẳn cách quản lý từ việc trói doanh nghiệp, chuyển sang việc tạo ra môi trường linh hoạt, tạo điều kiện cho doanh nghiệp”, ông Hiếu nói.
End of content
Không có tin nào tiếp theo