Quốc tế

“Mùa xuân Crimea”: Sức mạnh của lá bài dân tộc kiểu Putin

Ukraine mất Crimea vì sao? Đơn giản đó là vì họ đã sai lầm trong chính sách đại đoàn kết dân tộc, còn ông Putin thì lại làm quá tốt điều đó.

Nga đã giải rất tốt bài toán đoàn kết các dân tộc ở Crimea



Vấn đề người Tatar: Nguy cơ gây bất ổn trên bán đảo Crimea


Chúng ta nên biết, tại Crimea có trên 58% là người Nga, 24% là người Ukraine nhưng cơ bản là sinh sống ở đây đã lâu và có xu hướng thân Nga, 12% là người Tatar và một số cộng đồng dân cư khác sinh sống. Với đa số dân là người Nga và thân Nga, việc Crimea về với Nga không phải là vấn đề quá khó.

Tuy nhiên, nếu không giải quyết tốt mối quan hệ sắc tộc, tôn giáo thì những hệ lụy của nó mới là điều làm người Nga lo lắng, bóng ma của một cuộc nội chiến hoặc chí ít là một cuộc chiến tranh du kích chống lại người Nga là nguy cơ hiển nhiên, Kiev sẽ có một “quân bài tẩy” để mặc cả với Moscow, đồng thời sẽ tạo cớ cho phương Tây thò tay vào can thiệp.

Về ngôn ngữ, 97% dân Crimea nói tiếng Nga, 77% coi tiếng Nga là tiếng mẹ đẻ, sống hoàn toàn theo phong tục Nga. Vì thế, người Tatar hầu như bị cô lập trong cộng đồng xã hội Crimea nên họ đã thành lập Quốc hội và lực lượng tự vệ có vũ trang riêng để bảo vệ cộng đồng.

Người Tatar tuân thủ các luật lệ của đạo Hồi - dòng Sunni, đối lập với phần lớn dân chúng Crimea theo Chính thống giáo Nga. Trong cuộc tranh chấp nước cộng hòa Crimea giữa Ukraine và Nga, người Tatar trong vùng có thể sẽ là bên gánh chịu thiệt thòi nhiều nhất. Xét về quá khứ dưới thời Liên bang Xô viết thì người Tatar có lý do để lo lắng.

Trong Thế chiến II, khoảng 20.000 người Tatar đã liên kết với Đức Quốc xã trong khi nhiều người khác chiến đấu cho Hồng quân. Viện dẫn lý do người Tatars bắt tay với phát xít Đức, lãnh đạo Liên Xô đã ra lệnh trục xuất cả nhóm sắc tộc này đến Siberia và Trung Á vào năm 1944, họ chỉ được quay lại Crimea sau khi Liên bang Xô viết tan rã năm 1991.

Vào thời điểm lực lượng thân Nga chiếm giữ một số trụ sở chính phủ và các công trình quan trọng tại Symferopol - thủ phủ của nước cộng hòa tự trị này, hàng ngàn người Tatar đã chạy đến thành phố nằm sát biên giới Ba Lan là Lviv để sinh sống. Những người ở lại thành lập các nhóm tự vệ để “bảo vệ cộng đồng người Tatar”.

Trong khi chính quyền lâm thời Crimea tuyên bố không công nhận chính phủ mới tại Kiev thì Mejlis (Quốc hội không chính thức) của cộng đồng người bản địa Tatar trên bán đảo cũng tuyên bố không công nhận chính quyền mới thân Nga ở Crimea. Họ không muốn thấy bóng ma của thời kỳ Xô viết quay trở lại.

Mejlis Crimea cũng khẳng định, người Tatar theo đạo Hồi chiếm 12% dân số toàn bán đảo (tổng số hơn 2 triệu) thề trung thành với chính quyền trung ương ở Kiev và quyết định tẩy chay cuộc trưng cầu dân ý do chính quyền thân Nga tổ chức.

Lúc đó, lãnh đạo địa phương của nhóm Hồi giáo Thổ Nhĩ Kỳ trong khu vực cho biết họ đang xem xét một cuộc trưng cầu dân ý để gia tăng quyền tự chủ của mình. Còn thủ lĩnh tinh thần Mustafa Dzhemilev của người Tatar, cũng là một nghị sĩ trong quốc hội Ukraine, nói rằng họ muốn là một phần của Ukraine.

Sau đó vào đầu tháng 4-2014, tại Bakhchisaray, thủ đô lịch sử của Tatar, một hội đồng đại diện cho 300.000 người Hồi giáo Tatar thiểu số đã bỏ phiếu ủng hộ mạnh mẽ việc “tìm quyền tự chủ dân tộc và lãnh thổ” ở Crimea. Ngoài ra, Majlis đã kêu gọi cộng đồng quốc tế triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hiệp Quốc tại Crimea.

Cộng đồng người Tatar đã trải qua những tháng năm vô cùng lận đận: Mất quyền bình đẳng dân tộc dưới thời Liên Xô - Tìm lại được chỗ đứng ở Crimea sau khi Liên bang Xô Viết sụp đổ - Xây dựng một cuộc sống ổn định sau khi Ukraine độc lập - đứng trước nguy cơ bị kỳ thị sắc tộc như dưới thời Liên bang Xô viết.

Một cơn sóng ngầm đã nổi lên trên bán đảo Crimea mà nếu giải quyết không tốt Nga có thể sẽ gặp rất nhiều rắc rối.

Tuy nhiên, chính quyền mới thân Nga lên cầm quyền ở Crimea đã lường trước được sự lo ngại nhiều hơn là giận dữ của cộng đồng người Tatar, hiểu được họ lo lắng về một sự kỳ thị như dưới thời Liên Xô là phản ứng tự nhiên để bảo vệ quyền được sống bình đẳng của mỗi dân tộc, nên đã có những hành động kịp thời và đúng đắn.

Những biện pháp đúng của ông Putin và chính quyền Crimea

Nhằm ngăn chặn khả năng phương Tây và Kiev tìm cách lôi kéo người Tatar ở Crimea vào cuộc chiến chống chính quyền, ngay trước khi cuộc trưng cầu dân ý diễn ra, chính quyền mới đã liên tiếp đưa ra những động thái trấn an tư tưởng và cam kết đảm bảo cuộc sống bình đẳng cho mọi dân tộc ở nước cộng hòa này sau khi sát nhập vào Nga.

Ngày 10/03, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (Thủ tướng) tạm quyền Crimea Sergey Aksenov đã trân trọng gửi lời mời người Tatar ở Crimea tham gia vào tất cả các cơ quan quyền lực nhà nước tự trị, để xây dựng “một nước cộng hòa Crimea tốt đẹp hơn”.

Chính quyền mới đồng thời cam kết giành cho cộng đồng Mejlis Crimea một ghế phó thủ tướng, hai ghế bộ trưởng và các vị trí cao trong các ban ngành khác. Với cộng đồng người thiểu số, chưa bằng 1/5 số lượng người Nga và chưa bằng bằng 1/8 tổng dân số, đây có thể coi là một sự “hậu đãi”.

Thủ tướng Aksenov còn khẳng định là chính phủ mới ở Crimea sẽ tôn trọng quyền bình đẳng của các dân tộc, quyền tự do phát triển con người và quyền tự do ngôn ngữ của mỗi dân tộc. Tất cả các dân tộc sống trên bán đảo, kể cả người Ukraine và người Tatar sẽ có thể phát triển ngôn ngữ của họ.

Tiếp theo, ngày 12-03, Tổng thống Nga Putin đã đích thân điện đàm với nghị sĩ Verkhovna Rada (Quốc hội) Ukraine - ông Mustafa Dzhemilev - cựu lãnh đạo Hội đồng Mejlis Tatar ở Crimea, người đã lên tiếng bày tỏ quan ngại về tương lai của đồng bào mình ở bán đảo này.

Tổng thống Nga lên án mạnh mẽ cuộc đảo chính tại Ukraine diễn ra vào tháng 2 vừa qua, lật đổ chính phủ của ông Viktor Yanukovich và đưa những thế lực bài Nga lên nắm quyền. Từ đó, tiếng Nga bị loại bỏ, người dân nói tiếng Nga bị bài xích, cô lập và gạt khỏi đời sống chính trị Ukraine.

Tổng thống Putin hứa với ông Dzhemilev rằng, bản thân ông sẽ làm tất cả những gì thuộc về trách nhiệm của mình để không một người dân Tatar nào ở Crimea phải chịu thiệt thòi. Cùng với tiếng Nga, nhân dân trên bán đảo sử dụng phổ biến cả ngôn ngữ Ukraine và tiếng Tatar nên chính quyền mới sẽ luật hóa việc sử dụng song song cả 2 thứ tiếng này.

Đại diện của người Tatar ở Nga cũng đã đến Crimea để bàn bạc về tình hữu nghị và hợp tác trong lĩnh vực kinh doanh, văn hóa và tôn giáo giữa cộng đồng người Hồi giáo Thổ Nhĩ Kỳ ở “chính quốc” và trên bán đảo. Chính quyền Crimea cũng tuyên bố sẽ phân bổ 20% ngân sách để phát triển kinh tế và đời sống văn hóa tinh thần cho người Tatar.

Những chủ trương và biện pháp mà Tổng thống Putin và chính quyền bán đảo áp dụng đã giúp cho nước cộng hòa này giữ vững được sự ổn định. Tuy trong thời điểm ban đầu người Tatar còn nghi ngờ và cũng đã lên tiếng đòi quyền tự trị nhưng sau đó họ đã chấp thuận sống hòa đồng trong “Đại gia đình các dân tộc Crimea”.

Sự bình yên đáng ngạc nhiên của Crimea trước, trong và sau cuộc “Trưng cầu dân ý” và trong gần một năm sau khi bán đảo sáp nhập về Nga đã làm các phóng viên các hãng thông tấn quốc tế có mặt ở đây ngạc nhiên, còn phương Tây và Kiev thì thất vọng.

Trái ngược với thái độ bài Nga kịch liệt của chính quyền mới Kiev, chính việc dung hòa quyền lợi của người Nga và cả người nước ngoài định cư ở đây đã khiến Crimea yên ổn phát triển, trái ngược với những dự đoán của các nhà phân tích chính trị là bán đảo này sẽ nhanh chóng hỗn loạn vì sự chống đối của người gốc Ukraine và Tatar.

Những biện pháp của Nga quả thực là điều rất cần thiết, có tác dụng ổn định tình hình chính trị - kinh tế - xã hội ở Crimea trong giai đoạn quá độ, chuyển tiếp sang chủ thể quốc gia mới bởi nếu không giải quyết tốt vấn đề sắc tộc, tôn giáo thì rất có thể Crimea lại rơi vào bất ổn chính trị trong thời gian hậu sáp nhập.

Tổng thống Putin đã từng khẳng định: Việc Crimea trở về với nước Nga là đúng đắn và hợp với lòng dân, chỉ cần hợp với lòng dân thì mọi quyết định đều là đúng đắn. Những gì diễn ra hiện nay tại đông nam Ukraine cho thấy hành động lúc đó của Nga là chính xác. Nếu không trở về Nga, hẳn Crimea hiện nay đã loạn lạc và đầu rơi máu chảy như Donbass.

Việc giải quyết tốt vấn đề bình đẳng cùng phát triển giữa các dân tộc Nga, Ukraine và Tatar trên bán đảo bên bờ biển Đen là một bài học lớn đối với mọi quốc gia, dân tộc trong giải quyết vấn đề sắc tộc, tôn giáo.

Điều này chúng ta sẽ tìm hiểu trong kỳ sau có tiêu đề “Mùa xuân Crimea”: Bài học xương máu đại đoàn kết dân tộc.

Báo Đất Việt
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo