“Nền kinh tế vẫn có những điểm sáng”
Kinh tế Việt Nam năm 2013 được dự báo ra sao? Liệu những khó khăn của năm 2012 có còn tiếp tục ảnh hưởng tới nền kinh tế trong năm 2013? Bên lề hội thảo “Dự báo và chính sách kinh tế Việt Nam 2013” diễn ra vào ngày 30/11, TS. Nguyễn Đức Kiên, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã chia sẻ xung quanh chủ đề này.
Ông đánh giá thế nào về tình hình kinh tế Việt Nam trong năm 2012?
Nền kinh tế của Việt Nam qua 11 tháng đầu năm 2012 cũng giống bức tranh kinh tế chung của thế giới và khu vực với chủ đề chung là màu xám. Nhưng nhìn ra xa hơn và nhìn vào những yếu tố vi mô thì trong nền màu xám đã có ánh sáng màu hồng trong tương lai.
Năm 2012 là năm có tốc độ tăng trưởng kinh tế thấp nhất trong 10 năm liên tiếp. Nhưng nếu nhìn riêng từng quý trong năm 2012 thì thấy quý sau tăng trưởng hơn quý trước. Điều này cho thấy nền kinh tế có dấu hiệu tự chuyển biến, cộng thêm sự tác động của điều hành chính sách kinh tế vĩ mô.
Vậy “ánh sáng màu hồng” ít ỏi trong bức tranh kinh tế Việt Nam năm 2012 là gì, thưa ông?
Nếu so sánh 6 tháng đầu năm 2007 với 6 tháng đầu năm của 2012 thì thấy rằng, 6 tháng của năm 2007, Việt Nam thu hút được khoảng 8 tỷ USD vào nền kinh tế để tăng dự trữ nhưng phải bơm một lượng tiền rất lớn ra thị trường và tạo ra áp lực lạm phát cho năm 2008 và năm 2009.
Còn năm 2012, cũng với lượng tiền khoảng gần 10 tỷ USD nhưng đảm bảo được lượng tiền hút vào, không tác động lớn đến tăng giá hàng tiêu dùng và các yếu tố vĩ mô khác. Như vậy, trong 5 năm, chúng ta đã rút được kinh nghiệm, bài học trong điều hành kinh tế vĩ mô từ năm 2007 đến năm 2011 và tạo được tiền đề cho năm 2012. Đây chính là điểm sáng!
Một điểm sáng khác được xem là yếu tố thành công mà Việt Nam đạt được trong năm 2012 là vẫn ổn định được giá trị của VND, làm tăng niềm tin của người dân vào điều hành vĩ mô của Chính phủ. Tỷ giá phản ánh rất chân thật tốc độ tăng giá tiêu dùng, chỉ số CPI đã được giữ và giảm dần.
Đây là tiền đề quan trọng cho năm 2013 và cả giai đoạn 2013-2015 dần dần đưa tốc độ tăng trưởng vượt qua tốc độ tăng của chỉ số giá tiêu dùng. Như vậy đảm bảo được tăng trưởng thật và đời sống của người dân cũng được củng cố.
Thành công tiếp theo của năm 2012 là các chính sách an sinh xã hội trong bối cảnh thu ngân sách rất khó khăn. Nhìn vào số thu ngân sách Nhà nước năm 2012 thấy chưa bao giờ số lượng các địa phương hụt thu ngân sách lớn như hiện nay.
Điều may mắn giúp chúng ta giữ được tỷ lệ bội chi cân bằng là giá dầu thô đã tăng so với giá dự toán là 8 USD/thùng và sản lượng khai thác vượt dự toán đã góp phần bù lại được hụt thu của các địa phương.
Theo ông, những khó khăn nào trong năm 2012 sẽ tiếp tục ảnh hưởng trong năm 2013?
3 điểm nhấn quan trọng nhất, tồn tại nhất của năm 2012 sẽ tiếp tục kéo dài sang năm 2013 là: hàng tồn kho cao, lãi suất cho vay của ngân hàng đối với các doanh nghiệp cao và số lượng doanh nghiệp bị phá sản lớn.
Tuy lãi suất đến cuối năm 2012 đã giảm nhưng đối với các lĩnh vực sản xuất thực sau khi trừ chi phí để còn lãi 14 - 15% trả nợ lãi vay ngân hàng đối với các nhà quản trị doanh nghiệp là cực kỳ khó khăn.
Bên cạnh đó, lần đầu tiên trong tháng 11/2012, số lượng doanh nghiệp dừng sản xuất và phá sản lớn hơn số lượng doanh nghiệp đăng ký mới. Điều này như một tín hiệu cảnh báo: nếu năm 2013 những chính sách vĩ mô không điều hành tốt thì số lượng người lao động bị mất việc làm sẽ tăng lên rất lớn.
Khi doanh nghiệp đóng cửa sẽ không có nguồn thu ngân sách, sẽ phải bội chi. Khi bội chi hoặc phải đi vay hoặc phải làm một cách nào đó để chi thì áp lực lên ổn định kinh tế vĩ mô trong năm 2013 từ những vấn đề của năm 2012 sẽ rất lớn.
Ông có thể chia sẻ định hướng điều hành chính sách lãi suất năm 2013 của Chính phủ sẽ như thế nào?
Sang năm 2013, chúng ta phải xác định được đâu là nút thắt, đâu là điểm tắc để có thể tác động vào và tạo hiệu ứng lan tỏa đối với nền kinh tế. Tôi nghĩ rằng, một trong những vấn đề là phải giải quyết được mối liên hệ giữa các tổ chức tín dụng với các doanh nghiệp.
Trong mối liên hệ đó có thể nhìn vào nhiều chiều, trong đó có việc đáp ứng nguồn vốn cho các doanh nghiệp.
Chúng ta không thể duy ý chí để nói là sẽ dừng lại hết các khoản vay tín dụng ngân hàng cho các doanh nghiệp vì nền kinh tế của Việt Nam trong 10 năm qua tăng trưởng là do đầu tư và gắn liền với tăng trưởng tín dụng.
Tôi nghĩ rằng trong năm 2013, vấn đề quan trọng nhất là tạo được sự gắn kết trách nhiệm cộng sinh. Bây giờ ngân hàng nợ xấu rất lớn nhưng phải yêu cầu doanh nghiệp có chỉ số báo cáo tài chính rất đẹp thì mới cho vay tiếp mà lại quên một điều là doanh nghiệp “xấu” như thế là do một thời các ngân hàng đã nới lỏng chính sách tín dụng.
Hiện nay, những dự án, công trình đang trong hoàn cảnh đó, nền kinh tế vĩ mô đang khó khăn, ngân hàng phải thấy rõ trách nhiệm với doanh nghiệp, với xã hội và phải tính toán bài toán kinh tế là nếu ngân hàng có dừng cho vay thì có đòi được nợ hay không.
Đến thời điểm này, Bộ Luật Dân sự quy định không được cho vay quá 150% lãi suất cơ bản, nhưng hiện tượng này vẫn còn diễn ra. Chúng ta có thể áp dụng các biện pháp hành chính bên cạnh điều hành theo quy luật của nền kinh tế thị trường, và chúng ta vẫn còn dư địa dành cho các biện pháp quản lý khác.
Đoàn Huế (Theo Thời báo Kinh tế Việt Nam)
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Dự án Aeon Mall Cần Thơ được chấp thuận
Chủ trung tâm hội nghị Gem Center, White Palace bị xử phạt
Hội chợ đặc sản 2024: Cầu nối đưa sản phẩm Việt vươn xa
Xăng giảm giá
Giá ngoại tệ ngày 22/11/2024: USD đạt đỉnh 13 tháng, chạm mốc 107,05 điểm
Giá nông sản ngày 22/11/2024: Cà phê, hồ tiêu đồng loạt tăng mạnh