"Nếu còn làm giám đốc, tôi không để làm sân golf trong sân bay"
Trong số những cựu binh quyết liệt phản đối việc xây dựng sân golf trong sân bay TSN có thể kể đến cựu phi công Lê Trọng Sành (85 tuổi), nguyên Trưởng phòng Quản lý bay, sân bay TSN.
Khoảng 6 năm trước ông Sành cùng một số cựu chiến binh là cán bộ sĩ quan, anh hùng lực lượng vũ trang lên tiếng phản bác việc xây dựng sân golf trong sân bay này. Tại các cuộc tiếp xúc cử tri, các cuộc họp liên quan đến sân bay TSN ông đều tham gia góp ý, đề nghị bỏ sân golf.
Cách đây 2 năm ông Sành bị tai biến, liệt nửa người nhưng vẫn dõi theo từng động tĩnh về sân bay TSN trong việc xây dựng sân bay Long Thành. Có lần khi nghe tin về việc xây dựng sân bay Long Thành, không mở rộng sân bay TSN, ông Sành nghẹn ngào trăn trở.
Bởi ông cho rằng sân bay TSN còn có thể mở rộng được nếu thu hồi sân golf, còn làm sân bay Long Thành sẽ rất tốn kém, để lại gánh nợ cho con cháu.
Thời gian gần đây sức khỏe không cho phép nhưng mỗi lần có cuộc họp liên quan sân bay TSN ông Sành đều nhờ đồng đội của mình hỗ trợ đưa đi. Phần lớn ý kiến, đơn thư của ông đều không được phúc đáp, trả lời thỏa đáng.
Mặc dù vậy, ông không nản lòng mà vẫn thường xuyên thu thập các tài liệu, bài báo liên quan đến sân bay, sân golf trong sân bay để lên tiếng khi có dịp.
Tại kỳ họp Quốc hội lần này, ông được động viên phần nào vì các đại biểu đã lên tiếng về sân golf trong sân bay. Theo ông Sành, việc này cần phải quyết liệt xử lý triệt để để trả lại đất cho sân bay, phục vụ mở rộng nâng cấp sân bay TSN.
Còn cựu chiến binh Đào Khắc Khởi (80 tuổi), nguyên thiếu tá thuộc Tổng cục hậu cần, nhận định việc xây dựng sân golf này vi phạm Luật Đất đai. Từ năm 2011, ông cùng các cựu chiến binh khác đã gửi đơn khắp nơi đề nghị bỏ sân golf. Bản thân ông sức khỏe yếu lại không biết đi xe máy nên việc đi lại họp hành, hay gửi thư từ ông đều phải đi bằng xe ôm.
Việc này ngốn của ông không ít chi phí bởi mỗi lần gửi thư tốn không dưới 100.000 đồng. Riêng từ khi kỳ họp Quốc hội diễn ra đến nay ông đã tốn hơn 1 triệu đồng tiền gửi thư từ đi khắp nơi, đó còn chưa kể tiền in ấn tài liệu trong những năm qua.
“ Người ta nói tôi ăn mì tôm nói chuyện chính trị là đúng thật vì buổi sáng tôi chỉ dám ăn mì tôm. Tôi dùng đồng lương ít ỏi của mình để theo đuổi vụ việc đến cùng. Theo vụ này phải cái đầu nóng, trái tim lạnh”, ông Khởi chia sẻ.
Cựu chiến binh Đào Khắc Khởi cho hay, gia đình, bạn bè nhiều lần khuyên ông bỏ cuộc vì "một con én chẳng làm nên mùa xuân" nhưng ông vẫn kiên quyết theo đuổi đến cùng. Ông tâm sự rằng, ra chiến trường, sống đến ngày hôm nay đã là hạnh phúc rồi nhưng với tinh thần người lính trong thời bình nếu thấy cái gì đúng thì phải ủng hộ, cái gì sai thì cần quyết liệt đấu tranh.
Một số cựu chiến binh ngụ tại quận Tân Bình, TP.HCM từng có thời gian gắn bó với sân bay TSN cũng quyết liệt phản đối xây dựng sân golf trong sân bay, đồng thời cho rằng cần phá bỏ sân golf để sử dụng đất đúng mục đích. Lý do các cựu binh đưa ra là sân golf này là một trong những nguyên nhân gây ngập cho sân bay, gây ảnh hưởng đến môi trường trong khu vực và ảnh hưởng đến an toàn bay. Việc tồn tại sân golf khiến sân bay TSN không thể mở rộng, nâng công suất khai thác lên được.
“Nếu tôi còn làm giám đốc sân bay thì sẽ không bao giờ có chuyện cho làm sân golf trong đó. Việc tồn tại sân golf trong sân bay không đơn giản chỉ là có sân golf mà còn có nhiều công trình khác như nhà hàng, khách sạn. Rất tiếc khi làm sân golf trong sân bay họ chẳng hỏi ý kiến của bên hàng không, không quân.
Từng có 15 năm làm giám đốc sân bay tôi rất bất ngờ khi thấy sân bay bị tắc nghẽn, bị ngập lụt, trước kia không bao giờ có những chuyện đó”, cựu chiến binh Phan Tương, nguyên giám đốc sân bay TSN chia sẻ.
End of content
Không có tin nào tiếp theo