“Ngâm” tiền hỗ trợ, rồi “khốn khổ” tìm học sinh để chi trả tiền chính sách
Vừa qua, phòng GD-ĐT huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai mới chi trả xong tiền hỗ trợ trong hai năm học 2015-2016 và 2016-2017cho học sinh nghèo theo Nghị định 86/2015/NĐ-CP (Nghị định 86), ngày 2-10-2015 của Chính phủ, nội dung quan trọng xoay quanh chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập từ năm học 2015-2016 đến năm học 2020-2021.
Phó chủ tịch huyện “tuýt còi”
Để thực hiện Nghị định 86, liên Bộ GD-ĐT, Tài chính, LĐ-TB-XH cũng ban hành Thông tư liên tịch số 09, hướng dẫn thực hiện và nêu rõ các đối tượng là trẻ em học mẫu giáo và học sinh phổ thông mồ côi cả cha lẫn mẹ; trẻ em học mẫu giáo và học sinh phổ thông bị tàn tật, khuyết tật thuộc diện hộ cận nghèo; trẻ em học mẫu giáo và học sinh phổ thông có cha mẹ thuộc diện hộ nghèo được hỗ trợ chi phí học tập.
Huyện Mang Yang là một trong những huyện nghèo của tình Gia Lai được hưởng lợi từ nghị định này. Tuy nhiên, liên tục trong 2 năm học, các em học sinh được thụ hưởng lại không được hưởng lợi từ chế độ này theo quy định.
Cuối năm 2017, trong một lần đi tiếp xúc cử tri, ông Krung Dam Đoàn, Phó Chủ tịch UBND huyện Mang Yang đã nghe người dân phản ánh hiện nay trên địa bàn một trong những nguyên nhân học sinh bỏ học và đi học không đều là do cấp tiền hỗ trợ không kịp thời.
“Lúc đó tôi mới giật mình, nhắn tin hỏi ngay một số hiệu trưởng xem cụ thể như thế nào. Tiền hỗ trợ mà không đến được tay các em học sinh thì chết. Sau đó, các trường mới báo lại chưa được cấp tiền nên chưa thể chi trả” – ông Đoàn nói và cho biết do lúc đó mới về nhận nhiệm vụ được thời gian ngắn, cứ nghĩ dòng tiền chính sách được nhà nước hỗ trợ phải đến ngay tay học sinh, không ngờ lại bị “tắc” lại như vậy.
Sau đó, ông đã chỉ đạo có ý kiến chỉ đạo phòng GD-ĐT khẩn trương thực hiện chế độ theo Nghị định 86.
Việc chậm chi trả đã một phần ảnh hưởng đến công tác duy trì sĩ số của các trường.Theo văn bản chỉ đạo, dù UBND huyện đã ban hành Quyết định số 155/QĐ-UBND ngày 23-10-2017 và Quyết định số 168/QĐ-UBND ngày 5-12-2017 về việc xuất ngân sách tạm để cấp kinh phí cho phòng GD-ĐT để thực hiện chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập theo Nghị định 86 nhưng phòng GD-ĐT chưa triển khai.
Để duy trì sĩ số học sinh, hạn chế tình trạng học sinh bỏ học trên địa bàn, đề nghị Phòng GD-ĐT tiến hành kiểm điểm các cá nhân có liên quan trong việc chậm triển khai Nghị định 86. Đồng thời, khẩn trương triển khai thực hiện theo đúng quy định. “Nếu cử tri không ý kiến, tôi không chỉ đạo thì không biết hiện nay đã chi trả chưa” – ông Đoàn đặt vấn đề.
Thầy cô tìm học sinh trả chế độ
Một cô giáo đang dạy tại trường mầm mon huyện Mang Yang cho biết sau khi Phòng GD-ĐT huyện tổ chức chi trả, nhà trường đã phải rất vất vả tìm học sinh để trả vì có học sinh đã bỏ học, gia đình học sinh đã mất sổ hộ nghèo phải về địa phương xin xác nhận; một số học sinh theo cha mẹ chuyển chỗ ở đi nơi khác. “Lúc được hưởng các em đang học mẫu giáo, nhưng khi trả thì các em đã học tới lớp 2 rồi. Các em được nhận tiền một cục thì thích, nhưng giáo viên chúng tôi phải chạy ngược chạy xuôi” – cô giáo này nói.
Hiệu trưởng một trường THCS trên địa bàn huyện Mang Yang chia sẻ, trong những năm học qua, việc duy trì sĩ số của học sinh luôn là bài toán khó không chỉ đối với nhà trường mà đối với cả huyện. Nơi đây là địa bàn vùng sâu, vùng xa, đông người đồng bào dân tộc thiểu số nên nhiều em học sinh nghỉ học để đi làm rẫy cùng cha mẹ. Do đó, có tiền từ Nghị định 86 cũng là một trong những phần thúc đẩy học sinh tới lớp. Nhưng khi chậm trễ trong chi trả tiền hỗ trợ chi phí học tập cho các em đã dẫn đến việc mục đích ban đầu không thực hiện được.
Một hiệu trưởng THCS khác cho biết, may nắm nằm ở địa bàn thuận lợi, số lượng học sinh được hưởng chế độ ít nên nhà trường không mất nhiều thời gian đi tìm học sinh để trả tiền. “Đến thời điểm này, nhà trường cũng đã chi trả đầy đủ và đúng đối tượng được hưởng.
Ngay cả các em học sinh lớp 9 đã ra trường, nhà trường cũng phối hợp với các thôn, làng để mời các gia đình lên nhận tiền hỗ trợ này” vị hiệu trưởng này nói và thừa nhận nếu tiền hỗ trợ về kịp thời thì sẽ hiệu quả hơn, chứ giờ như một số em học sinh đã ra trường rồi nghỉ học thì số tiền đó giờ để chi tiêu sinh hoạt gia đình chứ không còn là hỗ trợ chi phí học tập nữa.
Ông Hồ Văn Diệp-Trưởng phòng GD-ĐT huyện Mang Yang cho biết, nguyên nhân của sự chậm trễ là do thời điểm năm 2016 có sự thay đổi nhân viên kế toán nên công việc không được liền mạch. Bên cạnh đó, văn bản của Sở GD-ĐT chỉ ghi cấp học được nhận hỗ trợ chi phí học tập là các em mẫu giáo và THCS mà không có bậc tiểu học nên phải chờ hướng dẫn vì sợ cấp trừ đối tượng tiểu học sẽ tạo dư luận không tốt.
Ngoài ra, còn do một số trường tìm hiểu không kỹ văn bản nên lập danh sách học sinh được nhận chế độ không đúng, phải rà soát lại nên dẫn đến việc chậm trễ.Cũng theo ông Diệp, tổng số tiền không kịp thời chi trả cho các em học sinh trong năm học 2015-2016 và 2016-2017 trên địa bàn huyện là hơn 6 tỷ đồng.
End of content
Không có tin nào tiếp theo