"Ngọc tỉ" giống ấn tín ở Nghệ An bán tràn lan ở Hà Nội
Liên quan đến việc ông Trương Văn Sửu (55 tuổi) cùng vợ vào trang trại của gia đình ở Nghệ An để đào đất thì bất ngờ phát hiện một vật lạ giống ấn tín của vua chúa thời phong kiến. Vật thể có hình vuông, trên chóp có 9 đầu rồng chụm lại với nhau, được làm bằng kim loại có màu đen, vàng, mặt trước và mặt dưới có dòng chữ Hán. Trọng lượng nặng khoảng 1,6 kg.
Nghi ngờ đây là ấn tín của vua nên đã khiến rất nhiều những chuyên gia nghiên cứu, dân chơi đồ cổ cảm thấy tò mò.
Đề tìm hiểu kỹ hơn về những thông tin này, PV Đất Việt đã tìm kiếm, khảo sát một số cửa hàng đồ đồng mỹ nghệ, phong thủy của Hà Nội. Không khó để tìm được những chiếc ấn giống hệt chiếc tìm thấy ở Nghệ An.
Trên trang mua sắm trực tuyến Taobao của Trung Quốc, chỉ cần với một từ khoá “Cửu long kim tỷ” sẽ cho ra những mẫu mã giống hệt chiếc ấn được tìm thấy tại Nghệ An. Chiếc ấn này được bán với giá từ 600.000 đồng đến 1 triệu đồng.
Anh Nguyễn Thành Vinh, chủ một cửa hàng đồ đồng mỹ nghệ trên Giải phóng, Hà Nội tỏ ra ngạc nhiên trước thông tin nghi vấn chiếc ấn “Cửu long kim tỷ” là ấn của vua chúa phong kiến.
“Cửa hàng của tôi bán đồ đồng hơn chục năm nay, tôi chẳng lạ gì cái ấn này. Hiện ở cửa hàng có cả chục chiếc như thế. Mẫu ấn từ Trung Quốc, một số làng nghề đúc đống của ta đúc lại và rao bán khắp các cửa hàng đồ đồng. Người ta thường mua ấn Cửu long kim tỷ về bày ở phòng làm việc, phòng đọc sách với quan niệm sẽ được thăng quan, tiến chức”, anh Vinh nói. Giá mỗi chiếc ấn đồng ở cửa hàng của anh Vinh dao động từ 1- 1,5 triệu đồng/ chiếc tùy theo kích thước.
Cùng là người đam mê và tìm hiểu lâu năm về cổ vật, anh T. cũng cho rằng, đồ vật được tìm thấy ở Nghệ An không có vẻ gì là đồ cổ. "Đây nhìn rõ là đồ đồng Đài Loan (Trung Quốc), đúc theo khuôn kiểu mới, không phải kiểu làm ấn tín thời xưa. Thực ra khu vực ở các tỉnh miền Trung như Nghệ An, Hà Tĩnh là nơi có nhiều thông tin tìm thấy cổ vật, đồ nội phủ ngự dụng nhà Lý, Trần song thực tế chỉ là đồ giả" - anh T. chia sẻ với PV.
Mặc dù đây chỉ là những nghi ngờ và phán đoán của người dân. Để biết chính xác, hiện tại vật trên đang được niêm phong trong hộp giấy, xung quanh đóng 14 con dấu của UBND xã Nghi Lâm (huyện Nghi Lộc) và khoảng 10 dấu điểm chỉ ngón tay cất giữ ở viện bảo tàng Nghệ An để đợi đưa ra hướng xử lý.
Chia sẻ với PV báo PL TP.HCM, ông Nguyễn Đức Kiếm và ông Phan Văn Hùng (Giám đốc, Phó Giám đốc Bảo tàng Nghệ An) cho biết, bảo tàng Nghệ An đang làm báo cáo sự việc gửi lên Sở VH-TT&DL tỉnh để báo cáo ra Cục Di sản văn hóa (Bộ VH-TT&DL) để xin ý kiến xử lý.
Hiện tại, có 2 phương án được đề xuất, xin ý kiến của Sở VH-TT&DL tỉnh Nghệ An.
Phương án 1, để nguyên niêm phong trả về cho chủ phát hiện hiện vật, bởi đây là đồ phong thủy giả cổ, không có giá trị, vị trí trong bảo tàng.
Phương án 2 là thành lập hội đồng giám định có đầy đủ thành phần để giám định xem vật trên có đúng đồ cổ hay không. Nhưng việc thành lập hội đồng giám định thì UBNĐ tỉnh Nghệ An phải ra quyết định rồi ra Hà Nội mời Hội Di sản, Hội Cổ vật Quốc gia, chuyên gia đầu ngành về, rất tốn kém..." - ông Hùng cho biết.
End of content
Không có tin nào tiếp theo