“Người nghèo nhất là người cần nhiều thứ để sống”
Tổng thống “ba không”
Cách xưng tụng này không nhằm ý phê phán Tổng thống Uruguay, Jose Mujica, là người thiếu trách nhiệm hay không biết điều hành đất nước, gây mất lòng dân chúng Uruguay, mà chủ yếu là để nói về tinh thần tiết kiệm, thắt lưng buộc bụng của ông.
“Ba không” ở đây có nghĩa là “không dinh thự, không chuyên cơ và không đoàn xe hộ tống”. Nếu phải tìm nhà lãnh đạo gương mẫu trong thời thắt lưng buộc bụng của thời buổi kinh tế khủng hoảng tràn lan hiện nay thì đó chắc chắn là Mujica. Ông đã từ chối việc ở trong dinh thự đặc biệt dành riêng cho Tổng thống để dọn về ở tại một ngôi nhà nhỏ trong nông trại riêng của gia đình, còn Dinh Tổng thống ông bảo “dùng cho những người vô gia cư ở”.
Ông không dùng chuyên cơ dành cho Tổng thống mà chọn cách đi máy bay bình dân giá rẻ để tiết kiệm ngân sách; không đi xe chuyên dùng chở Tổng thống với đoàn xe mô tô hộ tống mà tự lái chiếc Volkswagen Beetle cũ kỹ và chỉ có 2 cận vệ đi theo. Chưa hết, ông còn dành ra đến 90% trong khoản lương tháng 12.500 USD của mình để tặng cho các dự án an sinh xã hội, chỉ giữ lại 1.250 USD mỗi tháng để tiêu dùng cá nhân.
“Tôi sống như thế là đủ rồi. Thu nhập của nhiều người Uruguay khác còn thấp hơn nhiều lắm” – ông nói. Hưởng ứng hành động cao cả của chồng, Đệ nhất phu nhân Lucia Topolansky, một Thượng nghị sĩ cũng trích một phần lương tháng để đóng góp vào quỹ trợ giúp người nghèo.
Mujica, vị Tổng thống thiên tả ôn hòa của Uruguay, không chỉ từ chối danh hiệu “Tổng thống nghèo nhất thế giới” mà còn sẵn sàng “mắng” ai đó một trận nếu cứ khăng khăng bảo ông làm “gương mẫu” cho các lãnh đạo khác trên thế giới noi theo về tinh thần tiết kiệm, thắt lưng buộc bụng một cách hiệu quả của mình, mặc dù trong thâm tâm ông vẫn muốn nhiều người nên chọn lối sống khiêm nhường và tiết kiệm hơn.
Đã dấn thân vào chốn trần ai đầy thị phi, ganh ghét và đua chen, Mujica thừa kinh nghiệm để hiểu một cách sâu sắc cái chân lý rằng tự nhần mình “gương mẫu” để cho người khác noi theo là một điều ngu ngốc nhất trần đời.
“Nếu tôi yêu cầu người ta sống giống như tôi, họ sẽ giết tôi mất” – Mujica hóm hỉnh trả lời báo chí tại ngôi nhà nhỏ chỉ có một phòng ngủ giữa cánh đồng hoa cúc vàng tươi ở ngoại ô thủ đô Montevideo. Ngôi nhà đó giống như “túp lều tranh” để cặp “đệ nhất phu thê” của chính trường Uruguay cư ngụ.
Mujica năm nay 78 tuổi, đã từng trải qua cuộc sống nghèo khó để hiểu rõ được những người dân nghèo ở quê hương ông phải sống trong các điều kiện khó khăn như thế nào. Ông từng tham gia phong trào du kích cách mạng Tupamaros (Phong trào Giải phóng dân tộc) vào những năm cuối thập niên 60 thế kỷ trước, với những hoạt động đấu tranh vì lợi ích dân nghèo, lấy của nhà giàu chia cho dân nghèo bị áp bức bất công ở những vùng nông thôn, vùng núi.
Trải qua những năm tháng đấu tranh trong lực lượng du kích, Mujica đã từng 4 lần bị bắt và cầm tù, không ít lần bị lực lượng an ninh Uruguay bắn trọng thương, nhưng ông vẫn không từ bỏ con đường đấu thanh và quan điểm thiên tả.
Cho đến khi trúng cử vào Quốc hội năm 1994, Mujica vẫn không thay đổi quan điểm và lối sống, chỉ đi làm bằng chiếc xe hiệu Vespa cà tàng trong khi nhiều nghị sĩ khác đi làm bằng xe hơi có tài xế riêng. Thắng cử năm 2009 và chính thức nhậm chức Tổng thống Uruguay vào đầu năm 2010, Mujica tiếp tục sống trong điều kiện hạn hẹp của bản thân, không màng đến những điều kiện sang trọng dành cho nguyên thủ quốc gia.
Đồng thời, ông cũng quyết liệt chống lại chủ nghĩa tiêu thụ thái quá, vốn là một trong những nguyên nhân gây đói nghèo và bất công trong xã hội. Lối sống và quan điểm của Mujica đã nhận được sự hoan nghênh của không chỉ thành phần thiên tả, thế giới tiến bộ và cả phái bảo thủ, hữu khuynh, vốn thường hay phê phán các vị lãnh đạo thiên tả của châu Mỹ Latinh và thế giới.
Jonathan Watts, phóng viên Tờ Guardian mô tả bề ngoài của ông Mujica như sau: “Khi tôi đến gần ngôi nhà của vợ chồng ông, tôi chỉ thấy có 2 vệ sĩ đậu xe canh gác cạnh con đường dẫn vào nhà, bên cạnh họ là con chó 3 chân của ông tên là Manuela”. Ấn tượng đầu tiên khi Watts tiếp xúc với Mujica là ông chỉ mặc bộ quần áo cũ bạc màu, mang đôi dép mòn cũ, trông bộ dạng ông chẳng khác nào những lão nông dân miền quê khó tính, sẵn sàng sỉ mắng những kẻ đột nhập vào nhà mà không báo trước. Bộ dạng và cách ăn mặc đó sẽ khiến cho nhiều người không nghĩ rằng ông đường đường là một Tổng thống, nguyên thủ quốc gia của Uruguay.
Một người dùng trên Facebook gần đây đã đăng hình ảnh chụp ông Mujica và Đệ nhất phu nhân Lucia khi hai người đi uống cà phê tại một quán vỉa hè kèm theo câu bình phẩm: “Mujica bác lại câu hỏi của phóng viên tờ Guardian: những ai xem ông là người nghèo là không hiểu ý nghĩa của sự giàu có”. “Tôi không phải là Tổng thống nghèo nhất. Người nghèo nhất là người cần nhiều thứ để sống” – Mujica nói.
Các nguyên thủ tỉ phú
Trái ngược với hình ảnh vị Tổng thống “nhà nghèo” của Uruguay là những lãnh đạo giàu có, với hàng tỉ USD trong túi. Đó là Tổng thống Chile Sebastian Pinera, Thủ tướng Liban Najib Mikati và Thủ tướng Gruzia Bidzina Ivannishvili. Trong đó, Tổng thống Chile được xem là Tổng thống giàu có nhất thế giới, với thu nhập sau thuế năm 2012 đạt 2,4 tỉ USD. Ông Pinera có được số tài sản kếch xù này nhờ vào việc kinh doanh, đầu tư trong các lĩnh vực khác nhau như bất động sản, du lịch và tài chính ngân hàng (Pinera là người có công phát triển hệ thống thẻ ngân hàng Chile trong thập niên 80 thế kỷ trước).
Ông từng nắm trong tay những tài sản lớn, như Công ty Viễn thông Chilevision, 27% cổ phần trong LAN, một trong những hãng hàng không lớn nhất châu Mỹ Latinh; và 13% câu lạc bộ bóng đá giàu truyền thống Colo Colo của Uruguay. Khi lên nhậm chức vào tháng 3/2010, Pinera buộc phải bán đi các cổ phần trong các công ty nói trên theo luật định để tránh xảy ra tình trang “xung đột lợi ích”.
Theo Tạp chí Forbes, kể cả sau khi đã bán các cổ phần nói trên, tài sản của ông Pinera vẫn không ngừng gia tăng lên theo từng năm, từ 1 tỉ USD năm 2009 đã tăng lên 2,2 tỉ USD vào năm 2010 và còn tiếp tục tăng.
Ngoài Tổng thống Chile Pinera, Thủ tướng Liban Najib Mikati cũng là một trong những nhà lãnh đạo chính phủ giàu nhất thế giới, với tài sản ước tính khoảng 3 tỉ USD. Ông Mikati là một trong những người sáng lập ra Công ty Viễn thông Investcom. Vào tháng 6/2006, ông và các đồng sự đã bán công ty này cho Tập đoàn Nam Phi MTN Group với giá 5,5 tỉ USD. Hiện ông là người giàu thứ 446 trên thế giới.
Trong khi đó, Thủ tướng Gruzia Bidzina Ivannishvili được xem là Thủ tướng giàu nhất thế giới, xếp hạng 153 trên danh sách của tạp chí Forbes, với trị giá tài sản khoảng 6,4 tỉ USD. Tài sản của Thủ tướng Ivannishvili chủ yếu kiếm được trong thời gian ông sinh sống và làm ăn ở Nga, mở đầu với việc thành lập Ngân hàng Russian Credit Bank. Ivannishvili đã bán Russian Credit Bank trước khi trở về tham gia chính trị tại Gruzia.
Thủ tướng có thu nhập từ lương “khủng” nhất thế giới chính là Thủ tướng Singapo Lý Hiển Long, cho đến gần đây vẫn còn lĩnh lương đến 2,8 triệu USD/năm. Cách đây một năm, nhằm nêu gương trong công cuộc chống bất công xã hội, ông Lý Hiển Long đã tự cắt giảm 28% lương. Tuy nhiên, với mức lương còn lại hiện hưởng 1,7 triệu USD/năm, ông Lý Hiển Long vẫn là “quán quân” thế giới về thu nhập từ lương.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Bộ LĐ-TB&XH sẽ rà soát, đề xuất Chính phủ mức tăng lương tối thiểu vùng phù hợp
Năm 2025, EVNCPC xây thêm 70 nhà tình nghĩa tại miền Trung - Tây Nguyên
Đà Nẵng: Cuộc thi ‘Hồn phố’ thu hút giới trẻ
Báo động tình trạng kháng kháng sinh tại Việt Nam
Nâng cao nhận thức về mối đe doạ của kháng thuốc
Giáo dục tiếng Hàn trong bối cảnh xã hội siêu kết nối