Tin tức - Sự kiện

"Người nhện" đánh đu với mạng sống giữa Thủ đô

Cuối năm, các toàn nhà cao tầng ở Việt Nam đều có nhu cầu "trung tu lại nhan sắc" nên mới sinh ra nghề “người nhện” chuyên lau chùi kính trên các tầng cao đầy nguy hiểm.

Đóng vai “người nhện” bất đắc dĩ

Cận tết, đi dọc các tuyến phố như Cầu Giấy, Trần Duy Hưng…(Hà Nội), người đi đường nhiều phen thót tim với hình ảnh của những “người nhện” chênh vênh, lơ lửng trên những tòa nhà cao hàng chục tầng để làm công việc vệ sinh cửa kính.
 
Với thiết bị đơn sơ gồm dây thừng cỡ lớn, ghế đu, khóa an toàn, dây an toàn (dạng áo mặc toàn thân), họ phải bám đu thân mình cả một ngày trên khắp các tòa nhà mong kiếm được đồng lương về lo cuộc sống gia đình.
 
Gặp anh Nguyễn Văn Hùng – một “người nhện” quê Quảng Xương (Thanh Hóa) khi anh vừa kết thúc công việc trên tòa nhà 15 tầng. Bước xuống từ chiếc ghế đu, toàn thân anh ướt nhẹp bởi nước rửa sau một ngày dài làm việc, anh Hùng cười nói: “Công việc này ban đầu sợ lắm, chỉ dám nhận việc ở những tòa nhà dưới chục tầng. Nhưng làm mãi rồi thành quen. Nhiều phen đang làm thì gió mùa đông bắc về, trời nổi gió, cũng thót tim. Biết là nguy hiểm nhưng bây giờ việc ít, mình không có việc cố định nên đành đeo bám với cái nghề này”.
 
Dù biết nguy hiểm rình rập, nhưng vì cuộc sống mưu sinh, nhiều người đã đánh liều với mạng sống của mình để gắn bó với công việc
 
Cũng như anh Hùng biết bao "người nhện" khác giữa thủ đô vẫn phải ngày đêm bám trụ với cái nghề đùa với tử thần này. Ở độ cao gần 200 mét, lơ lửng bên ngoài tòa nhà, họ chỉ có một chiếc dây thừng cỡ lớn, treo mình lơ lửng với đủ thứ đồ nghề gồm xô đựng nước, hóa chất, khăn lau chùi... chỉ một sơ suất nhỏ cũng khiến mất mạng.
 
Với kinh nghiệm nhiều năm lơ lửng trên các tòa nhà cao tầng ở thủ đô, anh Mạnh – một thợ lau kính có đã gắn bó 5 năm với công việc này chia sẻ: “Khi leo cao, mình nên tập trung vào công việc, hạn chế việc nhìn xuống dưới, sẽ bị hoa mắt, chóng mặt. Trong lúc lau kính không nên với quá xa rất dễ bị ngã. Nhưng quan trọng nhất là phải kiểm tra kỹ dây đai an toàn trước khi bắt đầu công việc”.
 
Nguy hiểm luôn rình rập nhưng những người gắn bó với công việc này đa phần không được đóng bảo hiểm xã hội. Khi sự cố, tai nạn xảy ra đành đổ lỗi cho “số phận”. “Chúng tôi ai cũng mong muốn tìm được công việc phù hợp hơn sẽ chuyển nghề bởi cái nghề này bạc quá, không biết trước được ngày mai”, anh Hùng ngậm ngùi.
 
Vào mùa “người nhện”
 
Công việc của “người nhện” tấp nập nhất vào khoảng tháng 11 đến tết âm lịch. Hầu hết các tòa nhà đều tìm người vệ sinh kính để đón giáng sinh và năm mới.
 
Theo anh Lê Quốc Hưng – Công ty Không gian xanh (Từ Liêm, Hà Nội) chuyên vệ sinh kính các tòa nhà cao tầng cho biết “Vào dịp tết công việc tăng lên 4 – 5 lần so với ngày thường. Mỗi ngày, công ty tôi thực hiện 5, 6 hợp đồng lau chùi các tòa nhà. Số tiền công trung bình mỗi người nhận được phụ thuộc vào năng suất làm việc. Trung bình mỗi người nhận được từ 300 đến 400 nghìn/ngày”.
 
Công việc của "người nhện" tăng lên khiến các công ty phải tuyển thêm người. Công nhân chủ yếu được tuyển qua hình thức người cũ giới thiệu thêm người thân quen cùng vào làm việc.
 
Trước khi vào làm việc, “người nhện” cần phải có giấy chứng nhận sức khỏe và được các công ty cử đi đào tạo một lớp tập huấn các kỹ năng để đảm bảo an toàn khoảng 2 tuần. Chi phí đào tạo do công ty chi trả. Sau đào tạo, nhân công sẽ kí hợp đồng với công ty làm việc với thời gian ít nhất là một năm. Nhiều công nhân sau khi kí hợp đồng nhưng do không chịu được áp lực độ cao, đành xin nghỉ và phải bồi thường theo hợp đồng cho công ty.
 
Anh Bằng quê Bắc Giang đang làm công việc vệ sinh cửa kính ở tòa nhà cao tầng Hà Nội
 
Anh Phạm Văn Bằng (Bắc Giang) chia sẻ: “Tôi làm công việc này được gần 3 năm, thấy thu nhập cũng tạm ổn so với những công việc khác nên có giới thiệu mấy anh em cùng quê xin vào làm. Nhưng đi tập huấn xong, khi vào làm, mấy đứa không chịu được độ cao, đành xin nghỉ và bồi thường cho công ty. Rút kinh nghiệm, từ đó, giới thiệu ai tôi phải hỏi rất kỹ xem có chịu được độ cao hay không”.
 
Để tạo điều kiện cho người làm quen với công việc, các công ty thường phân công cho những người vừa vào nghề làm việc ở những vị trí thấp theo hình thức thang treo, khung tời, sao đó mới dần dần chuyển sang hình thức đu dây với các tòa nhà cao tầng.
 
Tết đến gần, dù biết vất vả, nguy hiểm, nhưng các “người nhện” luôn cố gắng kiếm thêm chút tiền về lo cho gia đình một cái tết đầy đủ, ấm cúng.
 
Anh Lê Văn Hải – một “người nhện” quê Hưng Yên gắn bó với công việc này hai năm tâm sự: “Sắp đến tết nên tôi cố gắng nhận làm thêm công trình, kiếm thêm chút tiền về quê lo tết cho gia đình. Cả năm nay, công việc ít, giờ chỉ trông vào dịp tết, may ra dành dụm được chút tiền”.
 
InforNet
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo