"Nhiều con em lãnh đạo không chịu được áp lực, xin nghỉ việc"
Sáng nay, UB Về các vấn đề xã hội họp phiên toàn thể thẩm tra các báo cáo của Chính phủ, trong đó có báo cáo về đề án cải cách BHXH chuẩn bị trình hội nghị TƯ 7.
Giải trình ý kiến của các ĐB về cải cách BHXH, trong đó có việc cải cách bộ máy, Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thị Minh cho hay, năm 2011, BHXH Việt Nam xây dựng đề án vị trí việc làm được Bộ Nội vụ duyệt 115 vị trí tương ứng 27.000 biên chế.
Từ đó đến nay, khối lượng công việc tăng bình quân 2 lần, đối tượng BHYT tăng hơn gấp đôi, đối tượng BHXH giải quyết chính sách… phá vỡ định biên vị trí việc làm.
Bà Minh cho rằng, việc xây dựng lại đề án ví trí việc làm không giảm được biên chế dù có áp dụng CNTT, cải cách hành chính. Lý do là đang quá tải.
“Tất cả các địa phương đều nói không có ngành nào làm việc như ngành BHXH, làm cả thứ 7, chủ nhật và vi phạm luôn luật Bảo hiểm xã hội. Có nhiều con em của các lãnh đạo không chịu được áp lực nên đã xin nghỉ”, bà Minh kể.
Đề nghị tăng tuổi hưu lên 60 - 65 tuổi
Nói về đề án cải cách BHXH chuẩn bị trình hội nghị TƯ 7 tới đây, Bộ trưởng LĐTB&XH Đào Ngọc Dung cho biết, đề án tập trung bao phủ BHXH hướng tới mục tiêu BHXH toàn dân. Muốn vậy, cần thiết kế xây dựng bảo hiểm đa tầng, chủ yếu 3 tầng.
Một là tầng an sinh - lương hưu xã hội, trước đây những người độ tuổi 80 đang hưởng 270 ngàn đồng thuộc khối bảo trợ nay chuyển hưởng sang bảo hiểm, độ tuổi hạ thấp dần do nhà nước hỗ trợ. Bản chất ở đây là tiền bảo hiểm do nhà nước đóng.
Tầng thứ 2 là bảo hiểm bắt buộc. Tầng thứ 3 là bảo hiểm bổ sung, thực chất là bảo hiểm tự nguyện theo nguyên tắc thị trường và tạo điều kiện cho người lao động, người sử dụng lao động đóng thêm BH và hưởng lương hưu cao hơn, hỗ trợ quỹ lớn hơn.
Ngoài ra, đề án cũng xem xét điều chỉnh thời gian đóng bảo hiểm.
“Chúng ta đang quy định đóng 20 năm nhưng có những người tham gia 10, 15 năm không thể theo được nữa. Vì vậy, chúng tôi trình theo lộ trình trước mắt giảm xuống 15 năm, sau một thời gian giảm 10 năm. Đương nhiên đóng ít hưởng ít, đóng ngắn hưởng ngắn”, ông Đào Ngọc Dung lý giải.
Bộ trưởng LĐTB&XH cũng cho hay, về mức lương hưu, lương lực lượng vũ trang, đề án cũng có đặt vấn đề để TƯ xem xét.
Liên quan đến tuổi nghỉ hưu, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, sau khi TƯ thông qua đề án cải cách tiền lương sẽ có nhiều nội dung liên quan buộc phải sửa luật. Việc điều chỉnh tuổi hưu sẽ có lộ trình và không gây sốc cho xã hội.
“Ví dụ như điều chỉnh tuổi hưu người lao động, trong đề án đưa 2 phương án. Phương án 1 tăng tuổi hưu 62 đối với nam và 60 đối với nữ; phương án 2 nam 65, nữ 60 nhưng tất cả phương án đều có lộ trình. Phương án 1, tăng mỗi năm 3 tháng, phương án 2, tăng mỗi năm 4 tháng để không gây sốc cho xã hội”, Bộ trưởng Dung phân tích.
Theo ông, đây là bài học của Ý, điều chỉnh 4 tuổi trong 10 năm gây sốc toàn tập cuối cùng phải điều chỉnh toàn bộ vì nó làm thay đổi cơ cấu lao động.
Do đó, vấn đề này sẽ do TƯ quyết định, sau đó Chính phủ mới trình xem xét sửa luật.
Sẽ cấp bù lương hưu cho nữ
Về việc điều chỉnh lương hưu nữ từ 1/1/2018, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, trong hội nghị bình đẳng giới, Bộ đã báo cáo tiếp thu và báo cáo QH, sau đó báo cáo Chính phủ. Nếu trình QH thì Chính phủ phải báo cáo Thường vụ QH. Thường vụ QH chưa cho ý kiến thì Chính phủ phải đợi.
“Tháng 3 vừa rồi Tổng thư ký QH đã có ý kiến chính thức. Vì vậy, tinh thần của chúng tôi là không đề nghị sửa luật, nếu sửa luật thì phải sau khi thông qua đề án cải cách tiền lương”, ông Dung cho hay.
Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, việc điều chỉnh lương hưu có tác động đến 3.000 lao động nữ, con số tác động không lớn so với tổng 21.000 lao động nữ. Vì vậy, phương án hiện nay Bộ đưa ra là sẽ tính toán cấp bù để làm sao chị em đỡ thiệt hại hơn.
“Chúng tôi sẽ trình Chính phủ trong tháng 5 này và cố gắng thuyết phục Chính phủ đồng ý phương án cấp bù để giải quyết việc này”, ông Dung nói.
Theo luật BHXH mới, việc thay đổi cách tính lương hưu từ 1/1/2018 tới đây gây sự khập khiễng. Chỉ sau 1 đêm, từ 31/12/2017 đến 1/1/2018, cùng là phụ nữ, có cùng số năm công tác 25 năm, chỉ chênh nhau 1 ngày thì có gần 3.000/21.000 nữ lao động nghỉ hưu mất từ 2-10% lương.
End of content
Không có tin nào tiếp theo