Tiếng loa truyền thanh tại chợ Đồng Xuân liên tục phổ biến: "Hàng hóa kinh doanh phải rõ xuất xứ, nguồn gốc...". Tuy nhiên, tại các ki ốt, hàng tải, bịch hàng khô, bánh kẹo đặt từ sàn nhà lên quầy sạp... mà phần lớn được cài mẩu giấy do người bán tự viết với cái tên ngắn gọn: "nấm hương", "mộc nhĩ".
Từ 2 tháng trước, các ki ốt bánh, kẹo, hạt dẻ, hướng dương ở chợ Đồng Xuân đã đắt hàng. Tuy nhiên, việc xác định nguồn gốc hàng hóa những mặt hàng này không hề đơn giản. Chỉ có một số ít sản phẩm được bày dạng đóng gói 1kg, 0,5kg trong túi bóng, có in chữ hoặc cài mẩu giấy in chữ "Cơ sở bánh kẹo Hồng Hạnh, Minh Phước, Thiên Hương, Kingsway Hong, Hoàn Kiếm...", còn lại được đổ đầy trong rổ, hộp bày lộ thiên trên sạp. Tại ki ốt của bà chủ hàng tên Hoa, khi phóng viên cầm từng chiếc kẹo, bánh lên tìm thông tin hàng hóa trên giấy gói, bà chủ có vẻ khó chịu: "Muốn biết gì thì cô cứ hỏi, tôi nói cho. Tìm thế thì cả ngày cũng không thấy được?". "Bánh kẹo này hàng Trung Quốc hay Việt Nam hả bác?". "Hàng Việt toàn bộ, còn thích hàng Trung Quốc tôi lấy trong kia ra cho" (bà Hoa chỉ tay vào cuối ki ốt). Trên những giấy gói sặc sỡ, một số loại cũng có dòng chữ mờ mờ, in không sắc nét địa chỉ một số cơ sở sản xuất tại huyện Hoài Đức (Hà Nội) nhưng cũng có nhiều loại vỏ đỏ, in khuôn chữ "song hỷ" vàng tuyệt nhiên không có thông tin gì. "Các loại bánh kẹo này có hạn sử dụng không em?" - tại một ki ốt khác, phóng viên hỏi. "Toàn hàng mới cả đấy, mùa này không có hàng tồn đâu mà lo" - cô nhân viên bán hàng trả lời như một sự bảo đảm chắc chắn.
Còn 4 tuần nữa là đến Tết Nguyên đán nhưng lúc này, mặt hàng thực phẩm khô cũng đã khá sôi động. Từng tải măng khô, miến, nấm hương, mộc nhĩ... được chuyển đến các ki ốt rồi từ đó lại được đóng gói lớn nhỏ tỏa đi khắp nơi. Thực phẩm khô đựng trong bao giấy để dưới sàn chợ, dọc lối đi; các loại mứt trong bao ni lông để hở miệng bày trên sạp... Sạp bán thực phẩm đã chế biến, có thể sử dụng ngay như mứt dừa, dâu tây, mít sấy... bày san sát với quầy tôm khô, sá sùng, mực khô, cá chỉ vàng... Ngoài một số sản phẩm như miến dong, lạp xưởng, hạt điều... đóng gói là có đầy đủ thông tin về cơ sở sản xuất, hạn sử dụng, còn lại đa phần thực phẩm bày bán tại chợ đều không có thông tin.
Với không gian thoáng cả bốn mặt, cùng hàng chục cổng, lối ra vào, mỗi phút ở chợ Đồng Xuân đều có đội ngũ người khuân vác khiêng hàng vào và bê hàng ra... Do vậy, việc kiểm soát nguồn gốc, kiểm định và đánh giá chất lượng, độ an toàn sản phẩm đối với cơ quan chức năng là rất khó. Hay như lời nhận định của bà Trần Thanh Trâm, người chuyên nhập hàng tại chợ Đồng Xuân để bán tại chợ thị trấn Mậu A (tỉnh Yên Bái): "Chỉ biết tin vào chủ sạp bảo đảm chất lượng nguồn hàng mà thôi".
Vốn nổi tiếng là nơi bán buôn giá rẻ nhưng lại nói thách trên trời khi khách mua lẻ, một điều đáng ghi nhận ở chợ Đồng Xuân hiện nay là nhiều quầy hàng đã có niêm yết giá hàng hóa. Tuy giá này có thể thay đổi tùy số lượng hàng khách mua (thường gọi là mua buôn hay mua lẻ) nhưng đây là một điểm mới tạo tâm lý thoải mái cho khách vãng lai và khách du lịch. Song, theo ghi nhận của chúng tôi, số quầy hàng thực hiện việc niêm yết giá bán không nhiều, hoặc có quầy chỉ niêm yết một phần hàng hóa bày bán. Chia sẻ với phóng viên, anh Mark Lukas (quốc tịch CH Séc) đánh giá: "Tại các chợ du lịch ở các địa phương khác như Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh..., việc niêm yết giá thực hiện tốt hơn, văn minh hơn".
Cơ sở cung cấp, người bán, người mua tự xây dựng niềm tin với nhau để duy trì quan hệ kinh doanh lâu dài... Đó là "nếp" đã hình thành cùng với lịch sử của chợ Đồng Xuân. Nhưng để xây dựng thành một địa chỉ du lịch văn minh thương mại, có vẻ như "niềm tin" thôi chưa đủ.
Theo Hà Nội Mới