"Nóng" vấn đề nước sạch và xử lý vệ sinh môi trường
Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn kỳ họp thứ 11, HÐND thành phố Hà Nội khóa 14 diễn ra ngày 4-12, các đại biểu đã nêu lên nhiều vấn đề liên quan chặt chẽ với đời sống nhân dân. Trong đó sản lượng, chất lượng nguồn nước sinh hoạt và công tác xử lý chất thải tại các làng nghề, các cơ sở y tế trên địa bàn là những vấn đề "nóng" được các đại biểu tập trung thảo luận.
Thiếu nghiêm trọng hệ thống thu gom, xử lý chất thải nguy hại
Các đại biểu HÐND thành phố Hà Nội nêu vấn đề, hiện nay trên địa bàn thành phố có 1.350 làng nghề và làng có nghề. Tình trạng ô nhiễm ở các làng nghề đã ở mức báo động, ảnh hưởng môi trường sống, sức khỏe của người dân, cũng như sự phát triển bền vững của chính các làng nghề.
Về vấn đề này, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Trọng Ðông giải thích: Những năm qua, thành phố đã chỉ đạo thực hiện quy hoạch các cụm công nghiệp, làng nghề; di dời những cơ sở ô nhiễm trong khu dân cư; hoàn chỉnh các cơ chế, chính sách, quy định về bảo vệ môi trường, tăng cường thanh tra, kiểm tra xử lý vi phạm... Thành phố huy động nhiều nguồn lực và ưu tiên vốn ngân sách đầu tư cho các công trình xử lý ô nhiễm, bảo vệ môi trường. Hiện trên địa bàn có 14 cụm công nghiệp có trạm xử lý nước thải. Thành phố triển khai sáu mô hình thí điểm xử lý ô nhiễm làng nghề tại các huyện Quốc Oai, Ðông Anh, Thanh Oai bằng chế phẩm sinh học. Sau khi thí điểm thành công đã giao cho các cơ sở sản xuất quản lý, sử dụng và phổ biến nhân rộng mô hình. Việc xây dựng các trạm xử lý nước thải, chất thải nhằm bảo đảm môi trường các làng nghề, cụm công nghiệp là vô cùng cần thiết, song do khó khăn về nguồn vốn, thành phố chưa thể triển khai đồng loạt.
Ðại biểu Nguyễn Hoài Nam cho rằng, đòi hỏi thành phố cùng một lúc xử lý ô nhiễm tại các làng nghề là không thể, song tỷ lệ các dự án xử lý ô nhiễm được triển khai là không đáng kể so với số lượng các làng nghề và mức độ ô nhiễm. Vấn đề đặt ra, vai trò của Sở Tài nguyên và Môi trường trong việc tham mưu thành phố giải quyết vấn đề này; trong đó có việc ban hành các văn bản, quyết định liên quan; việc quy định, kiểm tra vai trò, trách nhiệm của các ban quản lý làng nghề, của các hộ dân, xử lý các vi phạm... Ðại biểu Ðỗ Trung Hai băn khoăn trước hiệu quả của các mô hình thí điểm xử lý ô nhiễm làng nghề, bởi nhiều dây chuyền hiện không còn hoạt động hoặc hoạt động kém hiệu quả.
Ðại biểu Phạm Xuân Tài đề nghị, thành phố cho biết vì sao chất thải lỏng tại các bệnh viện, phòng khám đa khoa được xử lý theo công nghệ hiện đại, trong khi đó tại trạm y tế lại chỉ xử lý thủ công, xử lý như vậy có bảo đảm tiêu chuẩn vệ sinh môi trường hay không? Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Khắc Hiền cho biết: Các trạm y tế chủ yếu khám, chữa bệnh ban đầu, cho nên lượng chất độc hại cũng như lưu lượng nước thải từ các trạm này không nhiều, không phù hợp công suất thiết kế của các hệ thống xử lý hiện có trên thị trường. Vì vậy, nước thải tại các trạm này, vẫn xử lý bằng hóa chất khử khuẩn clo-ra-min B, gia-ven, rồi mới xả vào hệ thống thoát nước chung... Nhưng đại biểu và cử tri cho rằng, khó có thể yên tâm khi biết hơn 500 trạm y tế hiện có trên địa bàn thành phố không có hệ thống xử lý nước thải.
Nhiều băn khoăn về nước sạch
Mối quan tâm lớn của đông đảo người dân thành phố được các đại biểu phản ánh trong phiên chất vấn, đó là tình trạng ô nhiễm nước sông Ðà do hệ thống nước thải công nghiệp, nước thải sinh hoạt chưa được khắc phục. Ðại biểu chất vấn, liệu chất lượng nguồn nước từ Nhà máy nước sông Ðà cấp cho thành phố có bảo đảm chất lượng?
Giải đáp câu hỏi này, Giám đốc Sở Xây dựng Lê Văn Dục khẳng định, Công ty cổ phần nước sạch Vinaconex (Viwasupco) cam kết nguồn nước đầu vào và đầu ra của nhà máy đều bảo đảm các tiêu chuẩn. Bên cạnh đó, hằng tháng, Sở Y tế Hà Nội tiến hành kiểm nghiệm nguồn nước thô từ đầu thu nước trên sông, nước ở hồ chứa, nước ở đầu ra nhà máy và nước tại các hộ dân. Kết quả, các mẫu đều đạt yêu cầu theo QCVN 10:2009/BYT của Bộ Y tế. Cùng với việc yêu cầu tỉnh Hòa Bình khẩn trương khắc phục ô nhiễm, Sở Xây dựng cũng chỉ đạo Viwasupco chủ động có các giải pháp bảo vệ an ninh nguồn nước.
Ðại biểu Chu Sơn Hà cho rằng, vấn đề chất lượng nguồn nước mặt sông Ðà chỉ mới được quan tâm nhiều trong thời gian gần đây, trong khi đó, tình trạng ô nhiễm đã diễn ra từ nhiều năm nay. Tới đây, việc thành phố cho xây dựng các nhà máy xử lý nước mặt sông Hồng, sông Ðuống, vấn đề này sẽ được quan tâm như thế nào?
Giám đốc Sở Xây dựng cho biết, thành phố sẽ đầu tư xây dựng Nhà máy nước mặt sông Hồng công suất 300 nghìn m3/ngày đêm, dự kiến đặt tại khu vực xã Liên Trung, huyện Ðan Phượng. Theo kết quả nghiên cứu gần đây, nguồn nước mặt sông Hồng đáp ứng tiêu chuẩn là nguồn nước thô để cung cấp cho nhà máy nước mặt giai đoạn 2016-2020 và các năm tiếp theo.
Nhiều đại biểu chưa thật sự tin tưởng đối với những khẳng định nói trên, bởi sông Hồng đoạn chảy qua địa bàn thành phố có khá nhiều khu vực bị ô nhiễm. Liệu hệ thống xử lý nước có loại bỏ được hết những tạp chất nguy hại, bảo đảm nguồn nước hay không. Qua kiểm tra tại 19 nhà máy nước, tám trạm cấp nước và ở nhiều hộ dân mấy tháng trước đây, cho thấy nhiều mẫu nước không bảo đảm.
Bên cạnh nguồn nước cấp cho khu vực đô thị, các đại biểu quan tâm vấn đề nước sạch nông thôn. Hiện nay, các khu vực dân cư này, người dân phải đi mua nước về sử dụng, có nơi thì bơm trực tiếp nước ao hoặc hút nước giếng không bảo đảm vệ sinh... Ba năm qua, thành phố chỉ đạo thực hiện sáu dự án cấp nước sạch tại những khu vực khó khăn về nước, song vẫn chưa thể triển khai do chưa bố trí được nguồn vốn. Mặc dù thành phố tích cực vận động các doanh nghiệp đầu tư xây dựng các trạm cấp nước mới, nhưng do vốn đầu tư lớn mà hiệu quả thu lợi thấp và chậm, cho nên chưa có doanh nghiệp nào thiết tha đầu tư.
Kết thúc phiên chất vấn, Chủ tịch HÐND thành phố Ngô Thị Doãn Thanh đánh giá, phiên chất vấn diễn ra nghiêm túc, công khai, dân chủ, làm sáng tỏ thêm nhiều vấn đề, gợi mở một số giải pháp để tiếp tục giải quyết có hiệu quả hơn. Ðồng chí đề nghị, UBND thành phố trên cơ sở các nội dung được chất vấn và tái chất vấn, chỉ đạo tổ chức thực hiện những vấn đề đã thống nhất; giám sát chặt chẽ việc thực hiện kết luận chất vấn, giải quyết dứt điểm các vấn đề cử tri thành phố lo lắng, bức xúc.
Theo Nhân dân
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Năm 2025, phấn đấu nâng hạng ga quốc nội sân bay Đà Nẵng chuẩn 4 sao Skytrax
Giáo dục tiếng Hàn trong bối cảnh xã hội siêu kết nối
Đà Nẵng: Cuộc thi ‘Hồn phố’ thu hút giới trẻ
Nâng cao nhận thức về mối đe doạ của kháng thuốc
Báo động tình trạng kháng kháng sinh tại Việt Nam
FPT sẽ mở văn phòng đại diện giáo dục tại Nhật Bản
Cột tin quảng cáo