Thị trường

“Ông lớn” ngân hàng vung tay ngàn tỷ chi lương thưởng mỗi năm

Gần 20 triệu đồng là mức thu nhập bình quân nhân viên của các ông lớn ngân hàng năm 2014.

Dù “kêu” kinh doanh khó khăn nhưng mức thu nhập của ngành ngân hàng vẫn nằm trong top các ngành có mức thu nhập “khủng”, đáng mơ ước so với nhiều ngành nghề kinh doanh khác.

 

Đáng nói, dù mức trích lập dự phòng rủi ro của các nhà băng đều tăng mạnh trong năm 2014, đơn cử Ngân hàng Quân đội (MB) đã dành 2.019 tỷ đồng; Sacombank cũng dành gần 1000 tỷ đồng…. nhưng mức lương mà các ngân hàng trả cho người lao động vẫn là “niềm mơ ước” so với nhiều ngành nghề khác. Điều này thể hiện qua con số về mức lương, thu nhập mà các nhà băng “khoe” trong báo cáo tài chính quý IV 2014 đang dần được công bố.

 

Theo báo cáo tài chính riêng lẻ, Vietinbank nằm trong top

 

Hiện đã có khoảng phân nửa số nhà băng đang hoạt động đã công bố báo cáo tài chính (riêng lẻ và hợp nhất) quý IV/2014, trong số đó đã nổi lên những cái tên với mức thu nhập “khủng” khiến ai cũng phải mơ ước. Không nằm ngoài dự đoán, các nhà băng lớn nhất gồm BIDV, Vietcombank, Vietinbank, MB… vẫn là những ngân hàng trả lương hậu hĩnh nhất cho nhân viên của mình trong năm qua.

 

Đứng đầu trong danh sách có mức thu nhập cao nhất trong hệ thống ngân hàng hiện nay phải kể tới là Vietinbank, mỗi nhân viên làm việc tại đây được hưởng mức thu nhập bình quân xấp xỉ gần 20 triệu đồng/tháng. Cụ thể, theo báo cáo tài chính riêng lẻ của Vietinbank  kết thúc quý IV/2014 VietinBank có 19.059 cán bộ, nhân viên. Mức tiền lương bình quân Vietinbank trả cho mỗi cán bộ, nhân viên là 19,28 triệu đồng. Mỗi tháng, thu nhập bình quân của nhân viên Vietinbank là 19,88 triệu đồng. Với mức thu nhập này, Vietinbank đã soán ngôi vương trong số các nhà băng trả thù lao cao nhất cho người lao động.

 

Kế đến là BIDV, tại thời điểm 31/12/2014 ngân hàng này có tổng cộng 18.167 nhân viên. Cả năm 2014 BIDV chi 4.325,276 tỷ đồng cho chi lương và phụ cấp. Bình quân mỗi nhân viên BIDV được nhận 238,085 triệu đồng/người/năm, như vậy thu nhập bình quân mỗi tháng tương ứng khoảng 19,84 triệu đồng/người.

 

Cũng nằm trong số các “ông lớn” ngân hàng mạnh tay chi trả lương/thu nhập cao cho nhân viên là Vietcombank. Báo cáo tài chính riêng lẻ của Vietcombank cho biết, năm 2014 Vietcombank có 13.643 nhân viên, tăng 194 người so với cuối năm 2013. Cả năm 2014 Vietcombank chi 3.091,52 tỷ đồng cho lương và phụ cấp. Bình quân mỗi nhân viên Vietcombank nhận xấp xỉ 18,9 triệu đồng/tháng (tương đương 226,6 triệu đồng/năm).

 

Nếu năm 2013 mỗi nhân viên MB lĩnh lương bình quân 17,5 triệu đồng/tháng thì sang năm 2014 mức lương này tại MB có giảm đi đôi chút, khoảng 11,05 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, với 6.507 cán bộ nhân viên tại thời điểm 31/12/2014, mức thu nhập trung bình của nhà băng này vẫn là 18,1 triệu đồng/người/tháng, nằm trong top 4 nhà băng có chính sách lương hậu hĩnh dành cho nhân viên.

 

Dù năm 2014 được coi là năm làm ăn sa sút của Eximbank, khi nợ xấu của nhà băng này tới hết quý IV/2014 tăng từ 1,98% lên 2,46%, đồng thời dành 869 tỷ đồng (cao gấp 3 lần năm 2013) cho trích lập dự phòng rủi ro, ngân hàng chỉ lãi lũy kế 56 tỷ đồng… song mức thu nhập bình quân tại ngân hàng này vẫn thuộc top chi trả cao.  Theo báo cáo tài chính riêng lẻ trong quý IV của Eximbank, lương bình quân nhân viên là 14,1 triệu đồng/tháng, thu nhập là 17,5 triệu đồng/người. Tính cả năm, ngân hàng tuyển mới 367 nhân sự, số lượng nhân viên tăng lên 5.703 người.

 

Nhìn vào bảng lương của khối ngân hàng, một chuyên gia kinh tế tỏ ra không ngạc nhiên khi ngành này vẫn là ngành trả lương cao nhất nhì trong các lĩnh vực kinh tế. Tuy nhiên, ông lưu ý lương hay thu nhập bình quân là mức chia trung bình từ vị trí cao tới thấp trong toàn hệ thống cho toàn bộ nhân viên, còn riêng từng vị trí lại có mức thu nhập khác nhau. Điều này lý giải vì sao nhân viên tín dụng tại nhiều nhà băng chỉ thu nhập 4-5 triệu/tháng, trong khi ở vị trí trưởng phòng hay Giám đốc khối có mức lương tới 30-50 triệu đồng/tháng.

 

“Con số bình quân chỉ phản ánh “mặt bằng dàn đều” chứ không thể là con số cụ thể, vì mỗi vị trí lại có mức thu nhập khác nhau. Dù vậy, lương ngân hàng vẫn là niềm mơ ước so với nhiều ngành nghề khác trong bối cảnh kinh doanh khó khăn của năm 2014, khi soi rọi vào con số gần 68.000 doanh nghiệp buộc phải đóng cửa, giải thể trong năm 2014” – ông bình luận.

Theo Infonet
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo