"Ông Nguyễn Bá Thanh nên vào cuộc vụ tài sản ông Truyền"
Trung tướng Nguyễn Quốc Thước cho rằng: Trưởng Ban nội chính trung ương, ông Nguyễn Bá Thanh nên vào cuộc vụ báo chí nêu về tài sản ông Trần Văn Truyền...
Trung tướng Nguyễn Quốc Thước (nguyên Tư lệnh Quân khu IV, ĐBQH các khóa VIII, IX) đặt câu hỏi khi chia sẻ với phóng viên, nhân sự việc báo chí phản ánh về số tài sản “khủng” của nguyên Tổng thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền.
Gặp tướng Thước tại ngôi nhà riêng rộng rãi khang trang, ông hỏi vui: “Nhà báo có biết căn nhà này trị giá bao nhiêu tỷ không?” Rồi ông giải thích, căn nhà rộng 400 m2, trong đó 120 mét được cấp theo chế độ, còn 280 mét ông mua từ năm 1997, theo chính sách bằng tiền lương mấy chục năm tích cóp được.
“Sống trong ngôi nhà rộng rãi như vậy, nhưng với mức lương 10 triệu đồng mỗi tháng, cũng chỉ đủ để trang trải sinh hoạt thường ngày thôi” – tướng Thước nói.
PV: Mấy ngày qua báo chí và dư luận đang đề cập đến số tài sản “khủng” của nguyên Tổng thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền. Cũng qua báo chí, ông Truyền đã lên tiếng thanh minh về số tài sản này. Cá nhân ông nhìn nhận đánh giá thế nào về vấn đề này?
Ngày tôi còn làm ĐBQH có khi ông Truyền còn làm ở huyện, hay ở đâu đó. Nói vậy để thấy tôi không quen, không biết ông Truyền. Nhưng qua tài liệu và các diễn đàn ông trả lời, tôi thấy ông Truyền cũng là người đáng tin tưởng.
Tuy nhiên trước phản ánh của báo chí, cá nhân tôi cũng thấy phân vân. Khi một cán bộ cao cấp của Đảng mà có vấn đề (hoặc có phản ánh như vậy) thì hết sức nghiêm trọng. Nếu đúng như vậy thì cần phải làm cho đến nơi đến chốn, điều tra một cách thận trọng xem thông tin báo chí nêu như thế có chính xác không.
Điều này cũng giống như câu chuyện về số tài sản “khủng” của con trai, co rể Bí Thư tỉnh ủy Hải Dương trước đây. Nhưng sau khi thẩm tra xong thì hóa ra lại không phải như vậy.
Những sự việc phản ánh về quan chức như vậy cần phải tiến hành kiểm tra sớm, nếu đúng thì xử lý trách nhiệm, còn nếu sai cũng phải minh oan cho người ta.
PV: Vậy để làm rõ thực chất vấn đề, theo ông việc kiểm tra phải được tiến hành như thế nào? Cơ quan nào sẽ kiểm tra và chịu trách nhiệm về việc này?
Theo tôi cần làm rõ một số vấn đề: Đầu tiên phải làm rõ số tài sản đó có đúng của ông Trần Văn Truyền không? Nếu đúng thì có hợp pháp không? Có đúng số tài sản đó “khủng” như báo chí nêu không?... Tôi đã vào Phú Mỹ Hưng, người ta bảo nhà ở đó thấp nhất cũng từ 1 – 2 triệu đô, thậm chí còn có căn lên tới 4 – 5 triệu đô.
Nếu có thật và chứng minh được lúc còn làm Uỷ viên trung ương Đảng, mà có tài sản đó hợp pháp thì không sao. Nhưng nếu không giải trình được thì rõ ràng có vấn đề. Bởi chỉ trong vài ba năm, từ khi ông Truyền nghỉ hưu, thôi giữ chức vụ Tổng thanh tra Chính phủ, dù tài giỏi đến mấy cũng không thể có được số tài sản như vậy. Nghĩa là tài sản đó phải có từ khi còn đương chức.
Trong việc này, Nhà nước và cơ quan Thanh tra Chính phủ phải làm, mà Thanh tra Chính phủ phải là người chịu trách nhiệm. Bên cạnh đó Ủy ban kiểm tra trung ương Đảng, và Ban chỉ đạo trung ương về phòng chống tham nhũng – Trưởng Ban nội chính trung ương, ông Nguyễn Bá Thanh cũng phải vào cuộc.
Thanh tra Chính phủ là trung tâm của công tác phòng chống tham nhũng, mà Tổng Thanh tra lại càng gây chú ý hơn. Vì thế cần phải làm chặt chẽ, công tâm.
PV: Nhiều người cho rằng việc kê khai tài sản của cán bộ Đảng viên lâu nay vẫn còn mang tính hình thức. Ông quan niệm thế nào về việc này?
Nói hình thức vẫn còn nhẹ. Tôi cho rằng, đây là việc buộc phải làm nhưng trong bụng thì không muốn, hay nói cách khác chúng ta không muốn làm, nhưng vì áp lực mà phải làm.
Riêng kê khai tài sản đã hình thức, không thực chất nhưng kê khai xong mà lại giấu kín trong tủ, không công bố cho ai biết gì về tải sản đó cả thì càng vô nghĩa. Từ lâu nay chúng ta đã thấy công khai tài sản của ai chưa? Chưa hề có! Đến anh em trong cơ quan còn chẳng ai biết, thử hỏi dân làm sao biết được?
Mục đích, ý nghĩa của việc kê khai tài sản là hoàn toàn chính đáng. Để cấp ủy Đảng giám sát là đúng, nhưng đã là Đảng viên thì phải để cho Đảng viên giám sát, dân giám sát. Chúng ta giấu ai chứ không thể giấu được con mắt của hàng triệu người. Anh không kê khai tôi cũng biết anh có bao nhiêu căn nhà rồi.
Vậy theo ông việc thực hiện kê khai tài sản cần phải triển khai thế nào cho thực sự hiệu quả, minh bạch?
Kê khai tài sản xong, anh cứ cho công khai toàn bộ. Quan trọng nhất là vấn đề công khai. Đã kê khai thì phải công khai. Nhưng việc công khai không phải chỉ dừng lại ở nội bộ cơ quan nơi cán bộ Đảng viên công tác, mà cần công bố rộng rãi cho người dân biết.
Khi tôi đang làm ĐBQH, trong mấy nhiệm kỳ đều kê khai tài sản rồi. Tôi đã nói kê khai thì phải tiến hành công khai. Nếu kê khai mà không công khai thì chẳng ý nghĩa gì cả. Muốn việc kê khai chính xác không thì phải công khai để có sự giám sát của người dân.
Nếu không công khai người dân càng nghi ngờ, đặt câu hỏi phải chăng ông có vấn đề gì đó nên mới không dám công khai tài sản? Còn nếu công khai rành mạch thì chẳng ai nghi ngờ gì cả. Làm như vậy sẽ lấy lại niềm tin trong nhân dân.
PV: Theo ông nếu làm vậy, việc công khai tài sản nên bắt đầu từ đâu?
Nên bắt đầu từ cấp trung ương, rồi sau đó mới xuống cấp tỉnh, cấp huyện. Chúng ta phải làm từ trên xuống chứ không nên làm từ dưới lên. Nếu chức năng phạm vi của ông trên phạm vi toàn quốc thì công khai rõ tài sản ra trên toàn quốc. Nếu ông ở phạm vi tỉnh thì công khai trong toàn tỉnh. Với cấp huyện, xã cũng tương tự.
Ngược lại nếu không công khai tài sản ra, ông chỉ có một trăm triệu nhưng người ta sẽ nghĩ ông có…một nghìn triệu. Vì thế công khai cũng là để giữ uy tín cho Đảng, cho những người trong sạch thật.
Chúng ta phải làm cho ra một vài vụ để làm bài học răn đe, cảnh tỉnh. Nhưng đáng tiếc việc này chúng ta lại chưa làm được.
PV: Ông có cho rằng nếu làm tốt chủ trương này sẽ góp phần đẩy lùi được nạn tham nhũng vốn đang trở nên nhức nhối hiện nay?
Kê khai tài sản chỉ là một phần, muốn ngăn ngừa tham nhũng cần phải có hàng loạt các biện pháp. Con người đã có lòng tham thì không dễ quản lý được. Nhưng chúng ta cần hạn chế đến mức thấp nhất có thể, để đưa bộ máy ngày càng trong sạch hơn. Đừng để tham nhũng trở thành hệ thống, thành bộ máy tước đoạt của dân. Vì có muôn vàn cách để người ta tham nhũng.
Tôi lấy ví dụ câu chuyện tặng quà, biếu xén cấp trên xưa kia xuất phát từ tình cảm và rất thiêng liêng. Nhưng bây giờ chuyện biếu xén đã trở nên rất bình thường, thậm chí đã biến tướng thành xin cho, hối lộ, tham nhũng.
Người ta đã quan niệm, cho nhiều là tình cảm nhiều, cho ít tình cảm ít, mà không cho thì chẳng có tình cảm gì.
Xin cảm ơn ông!
Infonet
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Đà Nẵng: Hai dự án liên quan cảng Liên Chiểu hoàn thành 100% kế hoạch vốn năm 2024
Nhật Bản hỗ trợ Đà Nẵng thúc đẩy tiết kiệm năng lượng cho người dân
Vinh danh các tài năng công nghệ trẻ
Đề xuất hoãn xuất cảnh đối với người nợ thuế quá hạn từ 50 triệu đồng trở lên
Cuộc đua thu hút nhân tài của các trường đại học Việt Nam
Cột tin quảng cáo